Thứ 7, 23/11/2024, 18:02[GMT+7]

Giao mùa, không chủ quan với bệnh truyền nhiễm

Thứ 3, 09/04/2024 | 08:53:21
2,558 lượt xem
Hiện nay, qua hệ thống giám sát dịch tễ cho thấy trên địa bàn tỉnh có một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, thủy đậu, cúm... Một trong những nguyên nhân khiến số ca bệnh truyền nhiễm xuất hiện sớm dù chưa vào mùa và có dấu hiệu gia tăng là do thời tiết thay đổi liên tục, nhất là thời điểm giao mùa như hiện nay.

Bệnh nhân mắc bệnh về đường hô hấp điều trị tại Bệnh viện Phổi Thái Bình.

Bệnh nhi Phạm Lâm Anh, 16 tháng tuổi sốt cao liên tục về đêm, ăn uống kém, quấy khóc, trong miệng xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Sau khi khám, làm các xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc tay chân miệng. Căn cứ tình trạng bệnh, bệnh nhi được chỉ định nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình. 

Chị Phạm Tùng Lâm, mẹ bệnh nhi chia sẻ: Ở nhà cháu mệt, sốt nhẹ. Gia đình lo lắng cho cháu đến viện khám và được chẩn đoán mắc tay chân miệng. Sau 3 ngày điều trị ở bệnh viện, cháu có tiến triển, đã ăn uống được.

Cùng điều trị ở Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình còn có bệnh nhi Đỗ Gia Bảo, 7 tuổi, xã Vũ Quý (Kiến Xương). Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao hơn 40 độ, co giật. Qua thăm khám, xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị cúm A. 

Anh Đỗ Văn Sinh, bố bệnh nhi chia sẻ: Thấy con sốt cao, uống hạ sốt không đỡ, gia đình rất lo lắng nên cho cháu lên bệnh viện ngay. Cùng với việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, gia đình được hướng dẫn thường xuyên lau người cho cháu để hạ sốt. Đến nay, tình trạng của cháu đã cải thiện. Sau Gia Bảo, em trai Gia Huy cũng bị sốt. Khi thấy có triệu chứng, nghi cháu mắc cúm A giống anh nên gia đình đã cho nhập viện luôn. Qua xét nghiệm, cháu được chẩn đoán mắc cúm A.

Ngoài tay chân miệng, cúm, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có nguồn bệnh và lưu hành một số bệnh như cúm, sốt xuất huyết, thủy đậu, viêm não... Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay Thái Bình ghi nhận gần 90 ca mắc tay chân miệng, 79 ca mắc sốt xuất huyết, hơn 600 trường hợp mắc hội chứng cúm, hơn 40 ca mắc Covid-19... 

Bác sĩ Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Thời điểm giao mùa, nền nhiệt độ thay đổi liên tục là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, các côn trùng truyền bệnh sinh sôi phát triển, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Các trường hợp dễ mắc bệnh như người làm trong môi trường có nguy cơ cao (nhân viên y tế, người làm việc ở nơi tập trung đông người, người chăm sóc người bệnh mắc bệnh truyền nhiễm...); trẻ em, người cao tuổi sức đề kháng kém, người mắc bệnh mạn tính và những trường hợp chủ quan trong phòng, chống dịch, chưa tiêm vắc-xin đối với các bệnh truyền nhiễm đã có vắc-xin.

Chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, công tác giám sát dịch bệnh tại cơ sở y tế, cộng đồng được ngành y tế duy trì thường xuyên. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai các đoàn giám sát, hỗ trợ các địa phương trong hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết; điều tra chỉ số muỗi, bọ gậy, hướng dẫn vệ sinh môi trường, xử lý ổ dịch, hạn chế tối đa số ca mắc thứ phát tại cộng đồng. Với bệnh nhi mắc ho gà, hiện Trung tâm đã phối hợp lấy mẫu gửi Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Tình hình dịch bệnh truyền nhiễm tại nhiều quốc gia đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện trường hợp mắc, tử vong do cúm gia cầm trên người. Bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam... Bên cạnh đó, việc gián đoạn tiêm vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng và sự chủ quan của một bộ phận người dân trong phòng, chống dịch bệnh có thể sẽ làm gia tăng số ca mắc. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, không được chủ quan, lơ là. Ngành y tế tiếp tục triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024; tập trung giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh truyền nhiễm mùa xuân - hè; các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng; chủ động phát hiện xử lý các dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn tỉnh. Triển khai hoạt động giám sát trọng điểm đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại các huyện, thành phố; đồng thời tham mưu tăng cường hoạt động tiêm chủng thường xuyên và tiêm vắc-xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong thời điểm giao mùa như hiện nay, ngành y tế khuyến cáo người dân không được chủ quan, lơ là, cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, tập luyện thể dục thể thao, nâng cao thể trạng; ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp. Khi có dấu hiệu mắc bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình.


Hoàng Lanh