Thứ 7, 23/11/2024, 17:57[GMT+7]

Bệnh cao huyết áp nhiều biến chứng

Chủ nhật, 23/06/2024 | 20:25:56
4,567 lượt xem
Nằm trong nhóm bệnh không lây nhiễm, bệnh cao huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi những biến chứng mà nó gây ra. Tại các cơ sở y tế trong tỉnh, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện điều trị do biến chứng từ bệnh cao huyết áp.

Người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ để phòng và điều trị bệnh hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, 84 tuổi, xã Tây Đô (Hưng Hà) bị cao huyết áp nhiều năm nay. Mỗi lần huyết áp tăng cao, ông lại bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt. Ông chia sẻ: Bị cao huyết áp thỉnh thoảng tôi lại phải nhập viện điều trị. Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết ngoài cao huyết áp tôi còn bị suy thận. Một trong những nguyên nhân bị suy thận là do biến chứng của bệnh cao huyết áp. Đến nay, qua quá trình điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà, tôi đã đỡ hơn nhưng sẽ phải uống thuốc kiểm soát suốt đời. 

Bà Phạm Thị Nga, 69 tuổi, xã Minh Phú (Đông Hưng), nhập viện trong tình trạng đau đầu, mệt mỏi, thường xuyên hoa mắt, chóng mặt. Qua khai thác tiền sử bệnh tật, bệnh nhân có tiền sử bị cao huyết áp, tai biến mạch máu não. Từ khi mắc bệnh, sức khỏe của bà suy giảm, phải điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng. Bà Nga chia sẻ: Tôi bị huyết áp cao từ 6 - 7 năm nay, sau đó là bị tai biến. Bệnh này làm cho tôi mỏi mệt, sức khỏe sa sút, nhiều lúc không dậy, đi lại được. Tôi cũng không nghĩ bệnh cao huyết áp lại gây biến chứng nặng như vậy. Đến nay, điều trị tại bệnh viện tôi đã đỡ hơn, rất cảm ơn các bác sĩ. 

Không chỉ gây biến chứng suy thận, tai biến mạch máu não, bệnh cao huyết áp còn là thủ phạm gây ra những biến chứng về tim mạch, mắt, mạch ngoại vi... Các cơ sở y tế trong tỉnh đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị biến chứng do có bệnh nền cao huyết áp. Điều đáng lo là hiện nay tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh cao và ngày càng trẻ hóa. Bác sĩ Bùi Thị Hiền, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng chia sẻ: Bệnh nhân cao huyết áp chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân điều trị tại Khoa Nội tổng hợp. Bệnh nhân cao huyết áp ngày càng trẻ hóa về độ tuổi và tăng về số lượng, nhiều bệnh nhân bị biến chứng. Cụ thể như biến chứng não, chúng tôi đã gặp bệnh nhân tai biến mạch máu não, xuất huyết não; biến chứng lên mắt là giảm thị lực và biến chứng suy tim gây ra suy tim cấp; thậm chí có bệnh nhân trẻ bị tăng huyết áp đã bị suy thận, phải chạy thận nhân tạo. Để phát hiện sớm, phòng những biến chứng có thể xảy ra, Bệnh viện đã triển khai phòng khám quản lý cao huyết áp. Tại đây, bệnh nhân được làm các xét nghiệm tầm soát bệnh. Nếu mắc bệnh, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc uống, lập bệnh án ngoại trú hẹn lịch tái khám hàng tháng để kiểm soát bệnh, phòng biến chứng xảy ra. 

Hầu hết bệnh nhân cao huyết áp thường không có dấu hiệu cảnh báo trước. Do đó, nhiều trường hợp khi bị biến chứng từ cao huyết áp mới biết mình mắc bệnh. 

Bác sĩ Vũ Đình Triển, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Qua rà soát, đánh giá những năm qua, tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp tại tỉnh ta ngày càng cao. Nếu như những năm trước, tỷ lệ mắc cao huyết áp ở nhóm người lớn chiếm 18 - 19% thì đến nay chiếm khoảng 25%. Nếu không có các biện pháp phòng bệnh thì trong tương lai đây sẽ là gánh nặng lớn cho ngành y tế nói riêng, xã hội nói chung. Để chẩn đoán mắc tăng huyết áp thì những người từ 40 tuổi trở lên mỗi năm nên đi đo huyết áp 1 lần, trường hợp có nguy cơ mắc cao hơn thì cần sàng lọc 3 - 6 tháng/lần. Bệnh tăng huyết áp không rõ nguyên nhân song có thể phòng bệnh được. Người dân cần giảm muối, hạn chế ăn mặn; ăn nhiều rau quả; hạn chế sử dụng rượu, bia, nên bỏ thuốc lá, thuốc lào; giảm đồ ăn chứa nhiều chất béo. Bên cạnh đó, người dân cần vận động thể lực, tối thiểu 30 phút/ngày. Vào mùa nắng nóng, người dân cần hạn chế làm việc trong môi trường nắng nóng, nhất là vào thời điểm buổi trưa. Với những người đã sử dụng thuốc tăng huyết áp phải sử dụng thuốc đúng, đủ theo khuyến cáo của thầy thuốc để kiểm soát tốt huyết áp, hạn chế tối đa những biến chứng có thể xảy ra. 

Hoàng Lanh