Thứ 7, 23/11/2024, 13:58[GMT+7]

Sàng lọc, sẵn sàng khu cách ly, điều trị ca bệnh bạch hầu

Chủ nhật, 21/07/2024 | 16:55:19
2,575 lượt xem
Trước diễn biến ghi nhận ca mắc, ca tử vong do bạch hầu tại một số địa phương trên cả nước, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, nhiều bệnh viện của tỉnh Thái Bình đã xây dựng kế hoạch, có phương án khám, cách ly, điều trị bệnh. Mục tiêu kiểm soát kịp thời khi có ca bệnh, không để bệnh lây lan, hạn chế tối đa các diễn biến xấu ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và giảm thiểu nguy cơ tử vong do mắc bệnh bạch hầu.

Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy tăng cường sàng lọc nhằm phát hiện sớm ca bệnh bạch hầu.

Được xem là nơi “cửa ngõ” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp đón hơn 1.000 bệnh nhân. Số lượng bệnh nhân đông, đa dạng, trong đó có cả bệnh nhân tỉnh ngoài, bệnh nhân từ các tỉnh khác về. Do đó, nguy cơ xuất hiện ca bệnh bạch hầu là điều có thể xảy ra. Để chủ động phòng, chống bệnh, ngay từ khâu tiếp đón, các cán bộ, nhân viên trong Khoa đã thực hiện rà soát, phân loại nguy cơ. 

Bác sĩ Phạm Thu Hương, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Bệnh viện đã có kế hoạch gửi các khoa, phòng, trung tâm trong bệnh viện; đồng thời có hướng dẫn tiếp đón, sàng lọc, phân luồng người mắc bệnh bạch hầu. Ngay từ khi người bệnh đăng ký lấy số khám bệnh, chúng tôi đã tiến hành sàng lọc. Nếu có dấu hiệu nghi mắc, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn chuyển vào khu vực chờ tại phòng đệm dành cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Khi bệnh nhân quá đông, khu vực tiếp đón không sàng lọc hết, bệnh nhân vào khám, với các triệu chứng nghi ngờ, bác sĩ sẽ chuyển bệnh nhân xuống phòng riêng dành cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, sau đó báo Khoa Truyền nhiễm khám. Hiện nay, hàng ngày cũng có nhiều bệnh nhân mắc viêm họng cấp do virus, thời tiết, trào ngược dạ dày. Những trường hợp này, chúng tôi sẽ hỏi thêm các yếu tố dịch tễ, có đến các khu vực có ổ dịch không nhằm tránh bỏ sót ca mắc.  

Tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mới đây cũng tiếp nhận một trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Lâm Hoa sang. Qua quá trình theo dõi, điều trị và thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm, rất may bệnh nhân có kết quả âm tính với bạch hầu. Thực hiện nhiệm vụ khám, điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu, Khoa cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, vật tư y tế; cập nhật phác đồ điều trị theo quy định của Bộ Y tế… sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân. Khi có ca bệnh điều trị tích cực, chuyển tuyến kịp thời, không để tử vong. Cán bộ, nhân viên trong Khoa sẵn sàng tập huấn cho tuyến dưới về chăm sóc, cách ly, điều trị bệnh bạch hầu.

Ngoài Khoa Khám bệnh, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện cũng đề nghị các khoa, phòng, trung tâm phổ biến, cập nhật hướng dẫn phát hiện, chẩn đoán điều trị bệnh bạch hầu cho cán bộ, nhân viên y tế, truyền thông về bệnh, lồng ghép tư vấn sức khỏe cho người bệnh khi khám, điều trị; thực hiện các biện pháp phòng, chống như đeo khẩu trang, sát khuẩn, lau bề mặt tiếp xúc và vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Khi phát hiện ca nghi ngờ, ca mắc bệnh, báo ngay về phòng Kế hoạch tổng hợp, liên hệ Khoa Vi sinh để lấy mẫu xét nghiệm gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh…

Phòng khám ca nghi mắc bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh bạch hầu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Dù số lượng bệnh nhân không đông như các bệnh viên tuyến tỉnh, mỗi ngày tiếp đón từ 500 – 700 bệnh nhân song Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy cũng không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh. 

Bác sĩ Phạm Văn Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Ngay khi có các văn bản chỉ đạo của trung ương, tỉnh, ngành y tế, Bệnh viện đã bố trí cho cán bộ tham gia các lớp tập huấn về khám sàng lọc, cách ly, điều trị bệnh nhân bạch hầu; giao Khoa Truyền nhiễm tổ chức tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên đơn vị. Đối với thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bệnh viện đã giao cho Khoa Dược lên kế hoạch dự trù nhằm bảo đảm cho công tác điều trị. Về khâu tiếp đón, những trường hợp nghi ngờ sẽ chuyển vào Khoa Truyền nhiễm, bác sĩ sẽ khám, hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để có hướng xử trí, cách ly, điều trị. Tăng cường công tác truyền thông cho người bệnh, tổ công tác xã hội tuyên truyền 2 lần/tuần vào thứ 3 và thứ 5.

Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy có 6 phòng bệnh. 4 nhân lực của Khoa sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị nếu có ca bệnh bạch hầu. 

Bác sĩ Đoàn Quang Thành, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa huyện Thái Thụy cho biết: Nếu bệnh nhân sốt, ho, đau họng, khó thở, có giả mạc, có yếu tố dịch tễ sẽ đưa vào cách ly của Khoa để lấy mẫu xét nghiệm, điều trị. Chúng tôi đã có phương án chia các kíp trực, mỗi kíp 2 người để chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Việc điều trị thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế.

Năm 2023, cả nước có 57 ca mắc, 7 ca tử vong do bạch hầu; 6 tháng đầu năm 2024, số ca mắc là 6 ca, trong đó 1 ca tử vong. Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đến nay, số ca mắc thấp, các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát. Bệnh bạch hầu đã có vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, bệnh có thể lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh, các bệnh viện cần chủ động, thực hiện tốt các khâu: sàng lọc, cách ly, điều trị ca nghi mắc, ca mắc; kiểm soát nhiễm khuẩn, truyền thông phòng bệnh…, tránh lúng túng, bị động khi có ca mắc, nghi mắc.

Hoàng Lanh