Những người “đi trước về sau”
Những người thầm lặng
Bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực là người không thể thiếu trong bất cứ ca phẫu thuật nào. Họ luôn đồng hành cùng người bệnh trước, trong và sau mỗi ca phẫu thuật.
Chia sẻ về công việc của mình, bác sĩ Đoàn Duy Cường, Trưởng khoa Phẫu thuật – Hồi sức tích cực, Bệnh viện Phụ sản Thái Bình cho biết: Khác với công việc của các bác sĩ điều trị hay kỹ thuật viên phẫu thuật, công việc của bác sĩ gây mê, hồi sức luôn đi trước về sau. Đi trước để làm công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ và khi kíp phẫu thuật đã xong nhiệm vụ, các bác sĩ gây mê vẫn ở lại giúp bệnh nhân thoát mê, có thể từ từ thở tự nhiên, không phụ thuộc vào máy. Quá trình thực hiện gây mê rất phức tạp. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực sẽ khám để nắm tiền sử bệnh tật, xem bệnh nhân có bị dị ứng và đánh giá nguy cơ của người bệnh rồi quyết định có thể mổ hay không. Đối với sản khoa, chủ yếu sẽ đánh giá nguy cơ mất máu để có sự chuẩn bị bởi diễn biến trong phòng mổ là khôn lường, các tình huống xấu có thể xảy ra rất nhanh. Sau khi đủ điều kiện phẫu thuật sẽ tư vấn, hướng dẫn người bệnh cần làm gì trước khi mổ, lưu ý sau mổ. Trước khi phẫu thuật sẽ khám lại một lần nữa, sau đó tiến hành gây mê và theo dõi sát bệnh nhân trong quá trình mổ.
Liều lượng gây mê rất nhỏ, phụ thuộc vào cơ thể, thời gian ca mổ... Do đó, các bác sĩ sẽ phải cẩn trọng, tỉ mỉ, tuân thủ nghiêm theo hướng dẫn của Bộ Y tế vì nếu không đủ lượng bệnh nhân có thể tỉnh trong quá trình phẫu thuật và nếu quá liều cũng sẽ ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Bác sĩ Quản Văn Huy, Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư cho biết: Cùng với thuốc gây mê an thần, giảm đau, bác sĩ gây mê còn phải sử dụng rất nhiều loại thuốc khác như: giãn cơ, vận mạch, co mạch... Thuốc giãn cơ giúp phẫu thuật viên có thể thực hiện ca phẫu thuật dễ dàng song khi sử dụng thuốc để giãn cơ bụng sẽ khiến giãn cả cơ hô hấp, bệnh nhân không có phản xạ thở và phải phụ thuộc bằng hệ thống máy. Không có công thức chung nào cho tất cả mọi người, các bác sĩ hiểu rằng sai một ly có thể đi cả một đời.
Quá trình gây mê diễn ra nhanh nhưng việc theo dõi phức tạp, bác sĩ phải bảo đảm các thông số ở mức cho phép duy trì sự sống cho người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ gây mê, hồi sức luôn phải túc trực bên cạnh người bệnh để theo dõi các chỉ số sinh tồn như mạch, nhịp thở, nhịp tim, huyết áp... Điều này bắt buộc thái độ làm việc của mỗi bác sĩ phải luôn hết sức khẩn trương, nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ và chuyên nghiệp. Khi phẫu thuật xong, bệnh nhân ra phòng hậu phẫu, các bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe người bệnh.
“Cân não” giữa lằn ranh sinh tử
Bác sĩ Đoàn Duy Cường chia sẻ thêm: Có ngày cao điểm, các bác sĩ gây mê, hồi sức của Khoa phải thực hiện hơn 60 ca gây mê đẻ mổ, chưa kể các ca giảm đau chuyển dạ. Số lượng bệnh nhân đông có những ngày làm việc, tôi không thể chợp mắt. Song nếu so sánh với việc cấp cứu những ca bệnh nguy kịch, mong manh giữa sự sống và cái chết thì cái khó, sự vất vả lại nhân lên bội phần bởi thời gian để cứu sống họ hết sức ngặt nghèo, thậm chí chỉ có thể tính bằng giây.
Đứng giữa lằn ranh sinh tử, cùng với kíp phẫu thuật, những người hùng thầm lặng phải cân não, quyết tâm giành giật lại sự sống cho người bệnh. Đến nay, bác sĩ Đoàn Duy Cường không thể nhớ rõ số ca gây mê, hồi sức mình đã thực hiện trong khoảng 10 năm công tác bởi số lượng bệnh nhân mổ lấy thai quá nhiều song những lần tham gia cấp cứu, phẫu thuật cho ca bệnh nguy kịch như: suy thai, rau bong non... lại là những kỷ niệm không thể nào quên.
Bác sĩ Đoàn Duy Cường chia sẻ: Khi có ca rau bong non – là một trong những tình trạng tối khẩn cấp của sản khoa, điều này có thể khiến bé tử vong, mẹ mất tử cung hoặc tổn thương nặng nề. Trước tình trạng báo động đỏ của Bệnh viện, lúc này cần mổ lấy bé càng nhanh càng tốt. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển từ phòng khám lên phòng mổ, kíp phẫu thuật được huy động. Thời gian phẫu thuật rất nhanh chỉ khoảng 15 phút đã đón bé chào đời, mẹ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Cả kíp vỡ òa hạnh phúc, tôi nhớ dù là mùa đông nhưng lúc đó áo mình đã ướt đẫm mồ hôi. Bên cạnh đó, có bệnh nhân bị mất máu quá nhiều, băng huyết, sốc, trụy mạch... gần như không còn sự sống. Lúc đó, bác sĩ gây mê không thể lấy ven, tưởng như bệnh nhân không thể vượt qua khỏi nguy kịch. May mắn sau đó, tôi đã thiết lập đường truyền đến tĩnh mạch trung tâm, dịch truyền thẳng vào tim, hồi sinh cho bệnh nhân. Đây là một trong những kỹ thuật rất khó, nhất là trong bối cảnh sinh mệnh của người bệnh như ngàn cân treo sợi tóc.
Bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực (đứng giữa) theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của người bệnh trong quá trình phẫu thuật.
Với bác sĩ Quản Văn Huy dù công tác tại bệnh viện tuyến huyện song áp lực cũng rất lớn bởi hiện tại ở Bệnh viện chỉ có 2 người thực hiện được gây mê. Hơn 40 năm công tác, trung bình mỗi năm, bác sĩ Huy cũng tham gia khoảng 500 ca phẫu thuật, thủ thuật.
Bác sĩ Quản Văn Huy cho biết: Bệnh viện đã cấp cứu và xử trí nhiều ca bệnh nặng, trong đó điển hình là trường hợp sốc mất máu nặng, chấn thương bụng kín do tai nạn giao thông. Nhờ sự hỗ trợ của tuyến trên, ca bệnh đã được phẫu thuật và gây mê, hồi sức thành công. Quá trình gây mê, hồi sức đòi hỏi bác sĩ và kỹ thuật viên phải bảo đảm các bước trong quy trình kỹ thuật, vững về chuyên môn, theo dõi sát bệnh nhân, phản ứng nhanh với các tình huống.
Vai trò của các bác sĩ gây mê không dừng lại sau khi kết thúc ca mổ. Việc hồi phục sớm của bệnh nhân còn có sự đóng góp quan trọng của các bác sĩ gây mê. Kiểm soát đau tốt sau mổ sẽ giúp bệnh nhân vận động sớm, nhờ đó có thể nhanh hồi phục.
Cuộc chiến sinh tử trong phòng mổ luôn khó lường và có những diễn biến bất ngờ. Vì thế, ngoài chuyên môn, bác sĩ gây mê phải là người dám làm, dám quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Mỗi ca phẫu thuật thành công là niềm vui và động lực của các bác sĩ, trong đó có những bác sĩ gây mê, hồi sức tích cực. Thầm lặng đứng sau nhưng họ đã mang đến niềm vui cho rất nhiều người bệnh và là nhân tố quan trọng để nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai, phát triển tại các bệnh viện trong tỉnh. |
Như Hoàng
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh