Chủ nhật, 17/11/2024, 08:48[GMT+7]

Những điều mẹ nên biết về tiêm phòng vắc - xin cho con

Thứ 3, 26/11/2013 | 09:06:16
769 lượt xem
Mục đích của việc tiêm phòng vắc-xin là để bảo vệ sức khỏe của trẻ, giúp trẻ chống lại nhiều loại bệnh nguy hiểm khác nhau như: bệnh bại liệt, uốn ván, sởi, quai bị… Các bác sĩ cho rằng tiêm vắc-xin là một phần quan trọng nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Các bậc cha mẹ cần giữ số và phiếu tiêm chủng đầy đủ để theo dõi lịch tiêm chủng của con mình.

Ảnh minh họa

Dưới đây là những thông tin mà các bà mẹ cần biết về tiêm phòng vắc-xin cho con:
1. Bản chất của tiêm phòng vắc-xin là gì?
Vắc-xin có thể là các loại virus, vi khuẩn sống nhưng đã bị giảm độc lực hay cũng có thể là những vi sinh vật bị bất hoạt được đưa vào cơ thể trẻ.

Hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ tạo ra một cuộc tấn công các loại virus này nhằm kích thích cơ thể sản sinh ra các loại kháng thể. Các kháng thể sẽ duy trì hoạt động trong cơ thể trẻ, sẵn sàng chống lại các loại virus, vi khuẩn được tiêm trong vắc xin.

Ví dụ, nếu dịch sởi bùng phát trong một khu vực, những đứa trẻ được tiêm chủng trong khu vực đó sẽ có ít khả năng nhiễm bệnh hơn những trẻ không được tiêm chủng.

2. Lịch tiêm phòng vắc-xin
Mỗi năm, Ủy ban tư vấn kiểm soát dịch bệnh về thực hành tiêm chủng của Mỹ đều đưa ra một lịch trình mới gồm các loại vắc-xin nên tiêm chủng và khi nào thì nên tiêm loại vắc-xin đó. Lịch trình này được xác nhận bởi Viện Hàn lâm nhi khoa Mỹ và Viện Hàn lâm bác sĩ gia đình Mỹ.

Nếu con chưa kịp tiêm chủng theo đúng lịch trình, các bà mẹ hãy hỏi bác sĩ về việc làm thế nào để bắt kịp với lịch trình chuẩn.

Các vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng là an toàn. Để chăm sóc sức khỏe trẻ tốt hơn khi đi tiêm chủng các bà mẹ cần lưu ý:
+ Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như: đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con mình trước khi tiêm.
+ Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số biểu hiện thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc v..v. Các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu thấy các phản ứng kéo dài trên 1 ngày.
+ Khi trẻ sốt cao các bà mẹ có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt nhưng phải có chỉ định và hướng dẫn của cán bộ y tế.
+ Những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường hiếm gặp, như sốc phản vệ với tỷ lệ 1/1 triệu liều vắc - xin và sẽ qua khỏi nếu được phát hiện và xử trí kịp thời.
+ Nếu cha mẹ không yên tâm về tình trạng sức khỏe của con mình sau khi tiêm cần trực tiếp đến gặp cán bộ y tế để được tư vấn cách chăm sóc trẻ.
+ Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái... các bà mẹ cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế.

Vì sự an toàn của trẻ các bà mẹ cần theo dõi trẻ sau tiêm chủng. Trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng

3. Các loại vắc-xin quan trọng cần tiêm:
- Vắc-xin DTaP: bảo vệ trẻ tránh bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
- Vắc-xin phòng ngừa bệnh viêm gan B: Trẻ sơ sinh cần được tiêm phòng viêm gan B 24 giờ sau khi sinh.
- Vắc-xin phòng ngừa viêm màng não: Viêm màng não là bệnh chứng do viêm lớp màng mỏng bao bọc não và hệ thần kinh cột sống.
- Vắc-xin MMR: Bảo vệ trẻ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella (bệnh sởi Đức).
- Vắc-xin phòng bệnh bại liệt (IPV): Bệnh viêm tủy xám còn gọi là bệnh bại liệt của trẻ em là một chứng bệnh nhiễm trùng do siêu vi trùng poliovirus gây ra. Khi cơ thể trẻ bị nhiễm vi trùng này, nó sẽ lan vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ dẫn đến bại liệt.
- Vắc-xin phòng virus Rota (RV): Virus Rota có thể khiến trẻ bị tiêu chảy nặng, nôn, sốt và mất nước…
- Vắc-xin phòng bệnh thủy đậu: Bệnh thủy đậu thường xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng của bệnh là nổi mụn nước, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong khoảng 12 - 24 giờ có thể nổi ở toàn thân. Bên cạnh đó, trẻ thường sốt nhẹ, biếng ăn.

Trung tâm TTGDSK Tỉnh

  • Từ khóa