Thứ 2, 18/11/2024, 21:55[GMT+7]

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp tết

Thứ 3, 17/01/2012 | 14:15:29
1,752 lượt xem
Ngày tết, đồ ăn thức uống tràn trề trong mỗi gia đình, dẫn đến sự bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự ô nhiễm của thực phẩm, tăng cao nguy cơ ngộ độc vì vi sinh vật cho người sử dụng.

Tết, cùng với các nhu cầu tiêu dùng khác, thực phẩm là mặt hàng có nhu cầu sử dụng tăng cao nhất. Dường như đã trở thành nếp sinh hoạt truyền thống của người Việt Namon>, Tết đến, không để trong nhà thiếu đồ ăn, thức uống. Thứ nhất là để làm cơm cúng gia tiên, sau nữa khi bạn bè, người thân đến chơi cũng có sẵn cỗ mời. Thêm vào đó, nhu cầu ngoại giao mở rộng, đi thăm, đi biếu, đi tết… Vì vậy, nhà nhà, người người đều đi mua sắm thực phẩm. Đi theo nhu cầu mua sắm, thị trường thực phẩm cũng ngày càng phong phú. Tết cổ truyền của các cụ xưa quen với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng.

 

Ngày nay, thực phẩm tết nhiều không kể hết. Song song với thực phẩm tươi sống còn có thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm ăn liền và đồ uống. Không chỉ là sản phẩm của địa phương, thực phẩm ngập ngàn đến từ nhiều nơi trong và ngoài nước. Song khi nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp tết, đồng nghĩa với việc tăng cao các nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm.

 

Những nguy cơ mất an toàn thực phẩm đến từ nhiều nguyên nhân. Ngày tết, đồ ăn thức uống tràn trề trong mỗi gia đình, dẫn đến sự bảo quản thực phẩm không bảo đảm. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây nên sự ô nhiễm của thực phẩm, tăng cao nguy cơ ngộ độc vì vi sinh vật cho người sử dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng tăng mạnh, người tiêu dùng trở nên dễ tính hơn khi lựa chọn. Các bà nội trợ ngày thường thảnh thơi có thời gian xem xét kỹ chất lượng, nhãn mác sản phẩm, ngày tết bận bịu mua ào ào cho đủ.

 

Dịp tết cũng là dịp thường xuất hiện nhiều mặt hàng mới, khác lạ so với ngày thường, hàng thực phẩm nhập khẩu cũng tăng, vì vậy người tiêu dùng khó phân biệt hàng thật, hàng giả. Nắm bắt tâm lý này, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được dịp lọt qua “khe cửa” khép không chặt mà vào. Trên thực tế cho thấy tại những vùng nông thôn và nơi hẻo lánh, các loại thực phẩm như bánh, kẹo, mứt… không nhãn mác hoặc của những cơ sở sản xuất thủ công, tư nhân không bảo đảm chất lượng được bán khá phổ biến. Tại thành phố, các loại hàng giả dễ gặp là rượu, thuốc lá, bánh kẹo nhập khẩu…

 

Trước sự tăng cao nguy cơ của thực phẩm không an toàn trong dịp tết, mong muốn nhân dân được đón năm mới an khang, thịnh vượng, nhà nhà, người người đều khoẻ mạnh, khi vừa bước  sang năm mới 2012, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm Trung ương chỉ đạo triển khai "Tháng hành động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm" trên phạm vi cả nước đúng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn (từ ngày 10/1 đến 10/2/2012). Với chủ đề "Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết dân tộc và các lễ hội", mục tiêu cụ thể của tháng hành động là giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và trong thời gian các lễ hội so với cùng kỳ năm 2011, đồng thời huy động các kênh truyền thông phổ biến đến 100% cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn liên quan; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống đặc biệt là các cơ sở cung cấp thực phẩm phục vụ tết nguyên đán và lễ hội.

 

Tại Thái Bình, những năm gần đây, dịp tết cũng đã trở thành một trong ba đợt cao điểm triển khai các hoạt động vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hàng năm. Chuẩn bị đón tết Nguyên đán Nhâm Thìn năm nay, thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm Trung ương, Ban chỉ đạo liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cũng đã triển khai tháng hành động tới các đơn vị và 8 huyện, thành phố. Theo đó, toàn tỉnh sẽ tăng cường các hoạt động truyền thông về an toàn vệ sinh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng.

 

Bên cạnh đó, tại ba cấp tỉnh, huyện, xã cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tỉnh từ ngày 10/1 đến 10/2. Hoạt động kiểm tra sẽ tổ chức thành ba đợt: trước tết, trong tết và sau tết. Với kế hoạch hoạt động này, ngay cả trong những ngày tết cao điểm như 30 Tết, Mồng 1, 2…, các hoạt động kiểm tra cũng sẽ được tiến hành đối với bất kỳ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nào khi phát hiện thấy có biểu hiện vi phạm. Tuy nhiên, để đón tết vui, khoẻ, không xảy ra ngộ độc thực phẩm, việc chủ động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cần bắt đầu từ mỗi gia đình và mỗi cá nhân trong cộng đồng.

Trần Hương

 

 

  • Từ khóa