Thứ 3, 19/11/2024, 03:16[GMT+7]

Can thiệp thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em

Thứ 6, 18/05/2012 | 11:09:11
1,544 lượt xem
Chất lượng cuộc sống của người dân Thái Bình gần đây được cải thiện rõ rệt, có tác động tích cực đến thể chất, chiều cao của thế hệ tương lai. Tuy nhiên, chiều cao của thanh thiếu niên Thái Bình thấp hơn chuẩn quốc tế 13,1cm ở nam và 10,7cm ở nữ. Nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng lớn đến phát triển chiều cao của trẻ là do thiếu vi chất dinh dưỡng.

TS Ðặng Văn Nghiễm, Phó Trưởng Bộ môn Nhi (Trường ÐH Y Thái Bình) đang hướng dẫn sinh viên thực hành khám lâm sàng đối với bệnh nhân nhi khoa.

Mới đây, nhóm nghiên cứu do Tiến sỹ Ðặng Văn Nghiễm (Bộ môn Nhi, Trường Ðại học Y Thái Bình) làm chủ đề tài; PGS - TS Phạm Ngọc Khái, Phó Hiệu trưởng Trường ÐH Y Thái Bình hướng dẫn thực hiện đề tài đã tiến hành nghiên cứu mô tả trên 5000 trẻ em độ tuổi 7-15 tại 5 xã ven biển của huyện Tiền Hải. Kết quả chứng minh rõ nét tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vi chất, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng này.

 

Ðể trả lời câu hỏi tại sao ở vùng ven biển giàu thực phẩm thủy, hải sản có chứa hàm lượng kẽm và các vi chất dinh dưỡng khác có lợi cho sự phát triển thể lực và chiều cao của trẻ, lại là nơi có tỷ lệ trẻ nhẹ cân và thấp về chiều cao, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 5000 trẻ em 7-15 tuổi sống ở vùng ven biển Thái Bình. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, phân tích dữ liệu, nhóm đã tiến hành các biện pháp can thiệp (như truyền thông dinh dưỡng, cho uống vi chất và hướng dẫn các bậc phụ huynh điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, đặc biệt chú trọng đến những thực phẩm giàu vi chất đối với trẻ) và thu được kết quả khá toàn diện. 

 

PGS - TS Phạm Ngọc Khái, Phó Hiệu trưởng trường ÐH Y Thái Bình cho biết: Chương trình dinh dưỡng Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi đã được triển khai ở Thái Bình, tuy nhiên tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi còi cọc vẫn còn cao, chuyển sang tuổi học đường thì không có chương trình quốc gia nào can thiệp chăm sóc dinh dưỡng vào trường học. Trong khi đó, việc áp dụng phối hợp một số biện pháp can thiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em 7-15 tuổi cũng chưa được quan tâm nghiên cứu làm cơ sở khoa học cho việc nhân ra diện rộng. Từ kết quả thu được, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện phối hợp một số biện pháp can thiệp chăm sóc dinh dưỡng sức khoẻ trẻ em trường học ở 2 xã ven biển nhằm nâng cao tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em, giảm tỷ lệ mắc mới. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, trẻ em từ 7- 9 tuổi có tỷ lệ gầy còm ở mức dưới 10% và ở nam so với nữ không có sự khác biệt. Tỷ lệ trẻ em 7-15 tuổi mắc nhẹ cân là 23,6%, trong đó nam mắc 26,4% và nữ mắc 20,9%.

 

Theo kết quả nghiên cứu của TS Ðặng Văn Nghiễm, tỷ lệ trẻ em 7-15 tuổi sống ở ven biển Thái Bình mắc nhẹ cân năm 1997 là 46%, đến năm 2007 giảm còn 23,6%. Tình trạng dinh dưỡng của trẻ em tuổi học đường ở vùng ven biển Thái Bình đã được cải thiện tốt hơn do có chương trình truyền thông về dinh dưỡng. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy có mối liên quan chặt giữa thiếu kẽm với tỷ lệ mắc bệnh hô hấp và  mắc bệnh tiêu hoá. Bệnh hô hấp, tiêu hoá đã làm tăng tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ, đồng thời làm giảm chiều cao và tăng tỷ lệ còi cọc ở trẻ em. Cần cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng như kẽm (chất này có trong hải sản như tôm, cua, ngao...), rau quả màu thẫm...

Bài, ảnh: Lê Quang Viện

  • Từ khóa