Chủ nhật, 24/11/2024, 02:38[GMT+7]

2.500 người ở Ấn Độ bị lừa tiêm vaccine giả

Chủ nhật, 27/06/2021 | 15:18:08
831 lượt xem
Cảnh sát Ấn Độ cho biết, khoảng 2.500 người ở nước này đã bị lừa tiêm vaccine phòng COVID-19 giả.

(Ảnh minh họa: AP)

Cụ thể, khoảng 2.000 người tại Mumbai và 500 người, chủ yếu là người khuyết tật, ở Kolkata đã bị lừa tiêm vaccine ngừa COVID-19 giả.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, cảnh sát Mumbai cho biết đã tiến hành điều tra sau khi 2.000 người cho rằng đã bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc kháng sinh thông thường. Cho đến nay, đã có 10 người bị bắt giữ, trong đó có 2 bác sĩ tại một bệnh viện tư nhân. Các đối tượng lừa đảo này đã nhắm tới những người ở các khu nhà cao cấp.

Lực lượng chức năng Ấn Độ phát hiện, các đối tượng này đã thiết lập 8 cơ sở tiêm chủng, đồng thời thu giữ 1,24 triệu Rupee (16.700 USD) tiền mặt.

Trong khi đó, cảnh sát Kolkata cũng đã bắt giữ một người đàn ông tự nhận là công chức nhà nước, có bằng thạc sĩ về di truyền học, điều hành 8 cơ sở tiêm chủng. Ít nhất 250 người khuyết tật và chuyển giới đã được tiêm vaccine giả tại một trong số các cơ sở này. Tổng cộng đã có gần 500 người được cho là đã bị tiêm phải vaccine ngừa COVID-19 giả ở thành phố Kolkata.

2.500 người ở Ấn Độ bị lừa tiêm vaccine giả - Ảnh 1.

Các liều vaccine giả chủ yếu là nước muối sinh lý hoặc kháng sinh thông thường. (Ảnh: AP)

Giới chức Kolkata cho biết, các lọ vaccine giả mạo bị thu giữ được dán nhãn vaccine của AstraZeneca, với tên thương mại tại Ấn Độ là Covishield. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện nhãn vaccine Covishield được dán đè lên thuốc Amikacin Sulphate 500 mg, một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, xương, não, phổi và máu.

Vụ lừa đảo bị đưa ra ánh sáng sau khi nữ diễn viên kiêm chính trị gia Mimi Chakraborty được tiêm phòng tại một cơ sở nghi ngờ và báo cảnh sát. Cảnh sát đã thu giữ thẻ căn cước giả của nghi phạm.

Hiện nhiều người được tiêm đang rất "hoảng loạn" do lo sợ tác dụng phụ của vaccine giả. Ấn Độ đã yêu cầu các nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho những người bị tiêm vaccine giả. "Nếu có bất cứ trường hợp khẩn cấp nào xảy ra, giới chức sẽ lập các cơ sở y tế trong khu vực để chăm sóc những người bị tiêm vaccine giả".

Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã tăng mạnh trong tuần này khi Chính phủ Ấn Độ triển khai tiêm miễn phí vaccine ngừa COVID-19 sau khi làn sóng dịch bệnh gia tăng hồi tháng 4 và 5 vừa qua.

Theo vtv.vn