Thứ 7, 16/11/2024, 10:51[GMT+7]

Kỷ niệm 20 năm ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001 - 28/6/2021) Gia đình tốt thì xã hội mới tốt

Thứ 2, 28/06/2021 | 08:49:42
3,077 lượt xem

Gia đình là nơi vun đắp cho những niềm đam mê.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Người từng nói: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Với ý nghĩa ấy, từ năm 2001, ngày 28/6 chính thức trở thành ngày Gia đình Việt Nam. Sau 20 năm hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam, công tác gia đình có nhiều chuyển biến. Tại Thái Bình, số lượng gia đình văn hóa tăng cao, trong đó có những gia đình tiêu biểu được tuyên dương tại các hội nghị toàn quốc, hội nghị của tỉnh. Đó là những nhân tố điển hình, góp phần thúc đẩy và nhân rộng những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình trong xã hội ngày nay.

Công tác gia đình đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận

20 năm qua, hoạt động của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp và công tác gia đình đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Xác định tuyên truyền giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm xây dựng gia đình đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hàng năm đã diễn ra đa dạng các hình thức tuyên truyền trực quan; tuyên truyền qua sách, báo, tài liệu, hệ thống phát thanh, truyền hình, báo chí; tuyên truyền qua các hội thi, hội diễn, các buổi tọa đàm và các lớp tập huấn. Nhờ vậy, thông điệp về tình yêu, hạnh phúc gia đình, ý nghĩa của ngày Gia đình Việt Nam như: “Yêu thương và chia sẻ để giữ gìn hạnh phúc gia đình”; “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc”; “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”... đã đến với đông đảo người dân từ thành thị tới nông thôn.

Góp phần ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực gia đình, công tác xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, thiết lập số điện thoại đường dây nóng, tổ hòa giải và cơ sở trợ giúp nạn nhân của bạo lực gia đình đã được thành lập và hoạt động hiệu quả ở nhiều địa phương. Hiện toàn tỉnh có trên 80 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình do cấp tỉnh triển khai. Trong đó, mô hình “Đàn ông xây tổ ấm” tại xã Hồng Dũng (Thái Thụy) đã có nhiều cách làm hiệu quả trong việc tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, các thành viên giữ vững cam kết không gây bạo lực, hòa giải mâu thuẫn ngay trong nội bộ gia đình, từ đó tránh được nhiều nguy cơ tiềm ẩn các vụ bạo lực, đẩy mạnh việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, việc địa chỉ tin cậy được thành lập tại các xã, phường, thị trấn thường được đặt tại trạm y tế, UBND xã, gia đình hội viên phụ nữ, cựu chiến binh có uy tín trong cộng đồng được UBND xã công nhận và thông báo trước toàn thể nhân dân đã trở thành ngôi nhà tạm lánh an toàn cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Nhân lên những giá trị tốt đẹp của gia đình

Nếu như năm 2001, tỷ lệ gia đình văn hóa của toàn tỉnh là 52,9% thì tới năm 2020 con số này đã tăng lên 91,4%. Như vậy, sau 20 năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đã tăng 38,5%. Điều này cho thấy sự tin tưởng, hưởng ứng, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Trong giai đoạn 2010 - 2020, toàn tỉnh có gần 200 gia đình được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và trên 400 gia đình được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen tại hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu hàng năm. Những gia đình được tôn vinh đều có kết quả xuất sắc trong những lĩnh vực như: gia đình hiếu học, gia đình nền nếp gia phong, gia đình làm kinh tế giỏi, gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng...

Năm 2021, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu cũng được khen thưởng. Như gia đình ông Nguyễn Văn Lực, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) là gia đình đảng viên gương mẫu, cả hai vợ chồng đều là chủ doanh nghiệp thành đạt, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hơn 700 lao động với thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông Nguyễn Thiện Điềng, hội viên người cao tuổi xã Nam Cao (Kiến Xương) đã phát huy nghề dệt đũi truyền thống của làng Cao Bạt, thành lập xí nghiệp sản xuất, kinh doanh đũi, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, hàng chục gia đình nông thôn. Gia đình ông Phạm Cao Miên, nghệ nhân chạm bạc xã Hồng Thái (Kiến Xương) đã cùng các con, các cháu phát huy tinh hoa của làng nghề, làm ra những mặt hàng tinh xảo, có giá trị kinh tế cao, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. Gia đình ông Vũ Văn Minh, xã Nam Thắng (Tiền Hải) trong nhiều năm qua đã hiến hàng trăm mét vuông đất thổ cư, tháo dỡ hàng chục mét tường bao, cổng dậu để mở rộng đường làng ngõ xóm, đóng góp nhiều ngày công, góp phần đưa quê hương về đích nông thôn mới, tiến tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Gia đình bà Đinh Thị Nụ, xã Chi Lăng (Hưng Hà) hiện đang có 4 thế hệ cùng chung sống gồm 5 người con, 18 người cháu và 21 chắt nội, ngoại...

Dù vẫn còn đó những vụ bạo lực gia đình gây bức xúc trong xã hội cũng như quan điểm về hạnh phúc gia đình ngày càng có nhiều thay đổi nhưng những gia đình văn hóa được tôn vinh đã và đang làm lan tỏa phong trào xây dựng gia đình văn hóa, bình đẳng, no ấm, hạnh phúc trong cộng đồng. Nhân lên các gia đình văn hóa là nhân lên những cộng đồng, thôn, khu dân cư văn hóa, từ đó góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh.

Tú Anh