Thứ 7, 23/11/2024, 18:06[GMT+7]

Ông Lệ khuyến học

Thứ 3, 29/06/2021 | 08:44:38
2,839 lượt xem
Đó là cái tên trìu mến, thân thương mà bà con thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai (Vũ Thư) gọi ông Nguyễn Minh Lệ - 82 tuổi đời, 60 năm tuổi đảng, một nhà giáo đã nghỉ hưu, hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập suốt 20 năm, kể từ ngày đầu thành lập Hội Khuyến học đến nay.

Ông Nguyễn Minh Lệ (người bên phải) hết lòng với công tác khuyến học, khuyến tài. Ảnh tư liệu

Chúng tôi về thăm phong trào khuyến học của xã Minh Khai những ngày cuối tháng 4/2021. Ông Nguyễn Minh Lệ đưa chúng tôi đến thăm bảo tàng của nhà văn Minh Chuyên - người con quê hương Minh Khai với đồ sộ các tác phẩm hậu chiến, là bảo tàng văn học nghệ thuật cá nhân độc nhất vô nhị ở Thái Bình. Vào dịp này, bảo tàng thường xuyên mở cửa đón khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Đây còn là công trình văn hóa để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng, cũng là một địa chỉ góp phần vào việc học tập suốt đời của người dân trong xã. 

Chúng tôi tới thăm chùa Phượng Vũ và gặp gỡ đại đức Thích Thẩm Vy - trụ trì chùa, người có nhiều năm tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, có nhiều đóng góp cho quỹ khuyến học của xã, của thôn Thọ Lộc. Trong các buổi cầu kinh niệm Phật, đại đức khuyên bảo các Phật tử chăm lo đến việc học tập của bản thân và con cháu để sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Từ tỉnh lộ 20 rẽ vào thôn Thọ Lộc, chúng tôi được đi trên con đường bê tông thẳng tắp rộng thênh thang, sạch đẹp, dài chừng 2km, kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới mà xã được công nhận năm 2018. Làm việc với ông Nguyễn Minh Lệ, Chi hội trưởng và bà Nguyễn Thị Kim Liên, Chi hội phó Chi hội Khuyến học thôn, chúng tôi hiểu hơn về phong trào học tập suốt đời theo gương Bác Hồ ở một thôn có 4 xóm, trên 500 hộ với 1.500 nhân khẩu. Phong trào học tập của trẻ em trong thôn đã làm rất tốt, thường xuyên từ nhiều năm, đến nay đã trở thành nền nếp. Phong trào học tập của người lớn thì Chi hội phát động và triển khai ngay khi thực hiện Đề án 281 của Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng đến năm 2020”. Bằng nhiều biện pháp tích cực, cụ thể, phù hợp, đến nay thôn đã có 80% người lớn, bao gồm cán bộ xã, thôn, người lao động, người cao tuổi tham gia các hình thức học tập. 

Ba năm qua thôn có trên 100 người lớn tâm huyết với phong trào khuyến học, tích cực học tập thường xuyên, 4 dòng họ học tập tiêu biểu, 2 gia đình học tập tiêu biểu. Tiêu biểu như anh Nguyễn Hồng Phú, 41 tuổi ở xóm 9, chi ủy viên, gia đình rất khó khăn song đã tích cực học tập, có 2 bằng trung cấp kinh tế và trung cấp chính trị, hiện nay là Đảng ủy viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Minh Khai; chị Trịnh Thị Trâm, 35 tuổi, làm ruộng, có bằng trung cấp chính trị loại giỏi; đại đức Thích Thẩm Vy học về đạo đức làm người để truyền đạt cho các Phật tử. 

Còn ông Nguyễn Minh Lệ thì rất khiêm tốn khi nói về mình nhưng chúng tôi được biết ông là tấm gương học tập của xã Minh Khai. Ông tự học hàng ngày, đặc biệt là sử dụng tốt công nghệ thông tin. Khi được hỏi nguyên nhân nào để có những thành công đó, ông Nguyễn Minh Lệ chia sẻ: Thứ nhất là phải có sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền từ xã tới thôn. Thứ hai là phải có cán bộ nhiệt tình, tâm huyết, năng động, sáng tạo, không vụ lợi, hết lòng vì việc khuyến học ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu, phải biết tham mưu, liên kết, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở xã, ở cơ sở. Thứ ba là phải làm tốt công tác tuyên truyền, dân vận khéo. Về công tác tuyên truyền, ông Lệ đã biên soạn nội dung tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập bằng hình thức hỏi đáp, thường xuyên phát trên hệ thống truyền thanh của xã, của thôn; in ấn bộ tiêu chí học tập phát tới từng gia đình và công khai tiêu chí học tập ở nhà văn hóa thôn, các nhà thờ họ, nhà chùa. Tổ chức tuyên truyền trong các hội nghị của xã, thôn. Đặc biệt, đã kết nghĩa với chi hội phụ nữ thôn để làm nòng cốt trong phong trào học tập suốt đời và chăm lo việc học tập của con cháu ở gia đình, vận động xây dựng quỹ khuyến học, vận động các sư ở chùa Phượng Vũ làm khuyến học của xã, của thôn bằng những việc làm cụ thể như: tài trợ quỹ khuyến học, trao học bổng cho học sinh hàng năm... Thứ tư là phải xây dựng tổ chức hội vững mạnh từ xã đến thôn, đủ sức làm tham mưu, nòng cốt, liên kết, phối hợp với các lực lượng của xã, của thôn, tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài, đồng thời phải xây dựng và phát triển quỹ khuyến học đủ mạnh để đáp ứng yêu cầu động viên, khuyến khích cả trẻ em và người lớn tích cực học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

Với lòng đam mê với công tác khuyến học và xây dựng phong trào khuyến học của xã, của thôn, trở thành điểm sáng khuyến học ở Vũ Thư, ông Nguyễn Minh Lệ đã được Đảng bộ xã tuyên dương, khen thưởng về thành tích tự học và làm công tác khuyến học. 10 năm liên tục được bầu là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, các ngành khen thưởng. Cộng đồng học tập thôn Thọ Lộc do ông làm Chi hội trưởng Chi hội khuyến học đạt cộng đồng học tập xuất sắc của huyện, tỉnh. Ông được cử đi dự Đại hội biểu dương các gia đình học tập, cộng đồng học tập tiêu biểu toàn quốc năm 2020 tại Hà Nội. Trong thành tích đáng phấn khởi của phong trào khuyến học xã Minh Khai, thôn Thọ Lộc có đóng góp rất xứng đáng của ông.

Chia tay ông Nguyễn Minh Lệ, tôi thầm cảm phục một nhà giáo đã nghỉ hưu, tuy tuổi đã ngoài 80 song vẫn tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp khuyến học, nêu gương sáng về học tập suốt đời.

Đặng Văn Cao
(Thành phố Thái Bình)

Tác phẩm tham dự cuộc thi “Báo chí viết về khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập” năm 2021