Chủ nhật, 10/11/2024, 05:50[GMT+7]

Học tập và làm theo Bác về tinh thần tự học

Thứ 5, 01/07/2021 | 08:00:21
2,442 lượt xem
Toàn tâm, toàn ý tự học để phục vụ nhân dân. Đó là động cơ học tập và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi nhắm mắt xuôi tay, Bác Hồ ngày nào cũng học, học để phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

GS.TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu Đề dẫn Hội thảo. Ảnh: VA.

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bài học và liên hệ bản thân”.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo khoa học, GS.TS Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định: Trong thời kỳ xã hội phát triển tiến tới xã hội số, nền kinh tế kết nối thông qua các thiết bị hiện đại, nếu từng người trong mỗi chúng ta không ý thức được điều đó thì chính bản thân sẽ bị tụt về phía sau trong khi tuổi đời còn khá trẻ, khi đó những kiến thức mình có thì xã hội không chấp nhận vì quá lạc hậu.

Chính vì nhìn nhận rõ vấn đề đó và muốn không bị tụt hậu trong kỷ nguyên số, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự học trong nhân dân, để đến năm 2025 Việt Nam trở thành đất nước có nền kinh tế số đứng top đầu trong khối ASEAN. Để đạt mục tiêu đề ra, Việt Nam phải trở thành xã hội học tập và không có con đường nào khác là mỗi người phải tự học và học suốt đời.

GS.TS Nguyễn Thị Doan chia sẻ, nhìn lại không khí học tập của nhân dân qua việc thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg cho thấy tinh thần học tập của mọi người đã được nâng lên nhiều. Các gia đình đều nhận thức được tầm quan trọng của sự học nên ra sức đầu tư cho con cái học hành, bản thân người lớn cũng tìm mọi cách để học bằng nhiều hình thức. Do đó kinh tế gia đình phát triển bền vững, con cái chăm ngoan, góp phần vào phát triển địa phương.

Song theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, điều đó chưa lan rộng trở thành phong trào trong cả nước từ thành thị đến nông thôn, và một bộ phận không nhỏ người lớn đang công tác ở nhiều lĩnh vực của nền kinh tế xã hội. Được thể hiện rõ ở năng lực và kết quả thực hiện công việc được giao hằng ngày thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu tư duy suy nghĩ sao cho giải quyết vấn đề có tình có lý. “Tất cả những khiếm khuyết đó sẽ được giải quyết nếu chúng ta có tinh thần tự học”- GS.TS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trong bối cảnh này, hơn lúc nào hết, chúng ta phải cùng nhau ôn lại những bài học mà Bác Hồ kính yêu – vị lãnh tụ thiên tài và nổi tiếng thế giới… đã để lại cho chúng ta về học và tự học để làm Cách mạng giải phóng dân tộc, để nhân dân Việt Nam ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và nhờ vậy đất nước ta mới có ngày hôm nay.

GS.TS Nguyễn Thị Doan nêu vấn đề: Hãy xem Bác tự học như thế nào? Trước tiên, Bác xác định mục tiêu của tự học là làm cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước… Một lý tưởng cách mạng thật táo bạo, dũng cảm: học vì dân tộc, ra đi, bôn ba khắp mọi nơi để học với một chí hướng lớn, hẹn ngày trở về giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ và mang lại tự do cho nhân dân Việt Nam. Từ mục tiêu lớn lao đó, Bác đã xác định học là một nhu cầu. Để thực hiện được mục tiêu, Bác đã xác định phải học cả đời: “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VA.

Chia sẻ về phương pháp học tập của Bác, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nói: "Phải có động cơ học tập trong sáng; thiết lập được một kế hoạch cụ thể, khoa học và học một cách sáng tạo, không dập khuôn theo người khác; học ở mọi người, học ở mọi nơi. “Vì “Lấy tự học làm cốt” mà Bác đã không quản khó khăn gian khổ, đã khổ công rèn luyện để có được kho tàng tri thức ở tất cả các lĩnh vực. Để đạt được mục tiêu của mình, Bác đã vừa học tập, vừa hoạt động cách mạng nhằm hoàn thiện tri thức và nhân cách bản thân. Từ tình yêu nước, từ học tập và tự học, Bác đã hoàn thành mục tiêu cao cả của mình: giải phóng dân tộc, đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đứng lên thoát khỏi ách nô lệ, nhân dân được tự do, đất nước được như hôm nay”.

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam hi vọng qua cuộc Hội thảo hôm nay, mỗi người cần thấm nhuần và tu sửa tinh thần “Tự học” của bản thân để hoàn thiện mình và là tấm gương cho con cháu, bạn bè noi theo, góp phần vào việc xây dựng thành công xã hội học tập ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các bài tham luận, các ý kiến trao đổi của đại biểu đều thống nhất cho rằng, toàn tâm, toàn ý tự học để phục vụ nhân dân. Đó là động cơ học tập và tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến khi nhắm mắt xuôi tay, Bác Hồ ngày nào cũng học, học để phục vụ đất nước, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Từ đó lấy cách thức tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm sáng tỏ các khía cạnh của sự tự học, trên cơ sở đó liên hệ bản thân về sự tự học của mình. Đặc biệt cần tích lũy tri thức, tu dưỡng đạo đức vì đây chính là mục đích cao cả của tự học./.

Theo: dangcongsan.vn