Thứ 7, 23/11/2024, 22:48[GMT+7]

Sau Delta, các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Kappa

Thứ 2, 12/07/2021 | 08:06:55
1,725 lượt xem
Trong khi biến thể Delta đang lan rộng trên thế giới, các nhà khoa học đã bắt đầu cảnh báo về mức độ nguy hiểm của Kappa - một biến thể kép của SARS-CoV-2.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 26/6/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi. Trong lúc chúng ta đang nói về sự nguy hiểm của biến thể Delta, các nhà khoa học thế giới đã bắt đầu cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể Kappa - một biến thể kép của SARS-CoV-2, hay biến thể Lambda phát hiện lần đầu ở Peru.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, nguy cơ bùng phát những điểm nóng mới, đặc biệt với sự xuất hiện của biến thể Delta ghi nhận lần đầu tại Ấn Độ. Ngay cả những khu vực tưởng như đã dần trở lại nhịp sống cũ nhờ vào tốc độ tiêm chủng nhanh, cũng đứng trước những áp lực mới từ nguy cơ làn sóng thứ tư. Siết chặt các biện pháp phòng dịch và tăng tốc tiêm chủng, những giải pháp chưa bao giờ cũ cho bất kỳ làn sóng dịch nào.

Biến thể Delta tấn công mạnh trẻ em dưới 16 tuổi

Dẫn đầu thế giới với hơn 55% dân số được chủng ngừa đầy đủ, thế nhưng Israel vẫn đang đối mặt với mối nguy từ biến thể Delta. Đầu tháng này, số ca mắc COVID-19 theo ngày tăng trở lại ở mức ba con số. Biến thể Delta tấn công mạnh mẽ vào trẻ em dưới 16 tuổi - đối tượng chưa được tiêm phòng đầy đủ và có nguy cơ phát tán bệnh cao nhất ra cộng đồng.

Chưa đầy 10 ngày sau khi các biện pháp giãn cách xã hội cuối được dỡ bỏ, Israel buộc phải tái áp đặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng có không gian kín.

Tại châu Âu, dự báo biến thể Delta có thể chiếm tới 90% ca mắc COVID-19 mới tại châu Âu vào cuối tháng 8. Vaccine hiện hành vẫn có tác dụng với biến thể, nhưng không có nghĩa là hết nguy cơ, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi - những người chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Như tại Pháp, số ca mắc trong giới trẻ từ 20 đến 29 tuổi đã tăng gấp đôi sau 1 tuần. Nhiều nước châu Âu đã mở cửa nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh, Pháp cũng đang chuẩn bị cho kịch bản siết chặt trở lại bất cứ lúc nào.

Với khả năng lây lan nhanh chóng, biến thể Delta cũng đang trở thành mối đe dọa tại Mỹ, khi chiếm phần lớn số ca mắc mới. 24 bang của Mỹ ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng ít nhất 10% trong tuần qua. Vẫn có 1/3 số người trưởng thành ở Mỹ chưa tiêm phòng và đó là nguy cơ lớn.

Ông Jeffrey Zients - Điều phối viên của Nhà Trắng về dịch COVID-19 khuyến cáo: "Nước Mỹ sẽ cần chú ý tới đối tượng 18-26 tuổi. Nhiều người Mỹ trẻ tuổi đã cảm thấy như COVID-19 không phải là thứ ảnh hưởng đến họ và không tiêm vaccine, nhưng với biến thể Delta hiện đang lan rộng khắp đất nước và lây nhiễm sang những người trẻ tuổi, điều quan trọng hơn bao giờ hết là họ cần phải tiêm phòng".

Biến thể Delta đang tạo nên một làn sóng dịch mới ở ngay cả những nước có tỉ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao. Hy vọng về một mùa hè tự do, thoải mái giờ đây có nguy cơ phải nhường chỗ cho những lo ngại về làn sóng bùng phát dịch bệnh mới.

Biến thể Delta sẽ thống trị châu Âu và một số khu vực vào tháng 8

Tại châu Âu, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại. Số ca nhiễm tăng cao sau thời gian tưởng như dịch đã được kiểm soát tốt. Tổ chức Y tế thế giới mới đây cảnh báo, giai đoạn 10 tuần giảm số ca COVID-19 ở châu Âu đã "tới hồi kết". Các nước khu vực này nhận định, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ chiếm phần lớn các ca mắc COVID-19 trong vài tháng tới. Theo trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, nguy cơ lây nhiễm từ chủng Delta là từ "cao cho tới rất cao", đặc biệt với một số nhóm không tiêm vaccine. Nỗ lực hiện tại là tất cả các nước đều đang dốc sức tăng tốc chiến dịch tiêm chủng của mình.

Trước cổng một bệnh viện tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, người dân xếp hàng dài để được tiêm chủng. Họ hưởng ứng theo lời kêu gọi của chính phủ khi tiêm chủng là biện pháp để mở của trở lại, thu hút du lịch trong vào ngoài nước.

Bà Montse - Người dân Tây Ban Nha nói: "Từ khi dịch bùng phát, đã có một số biến thể và tôi tin rằng sẽ còn nhiều biến thể nữa. Nhưng tôi nghĩ rằng các loại vaccine mà chúng ta có khả năng giảm thiểu tác động của tất cả các biến thể".

Trong vòng một tuần qua, tỷ lệ mắc mới COVID-19 của Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi, do biến thể Delta lây lan nhanh ở những người trẻ tuổi chưa được tiêm phòng. Trước tình hình này, Đức đã đưa tất cả các vùng của Tây Ban Nha vào danh sách nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19, theo đó tất cả hành khách nhập cảnh và công dân Đức trở về từ Tây Ban Nha phải có chứng nhận âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Pháp khuyến cáo công dân không nên lựa chọn Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha làm điểm đến du lịch Hè.

Sau Delta, các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Kappa - Ảnh 3.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 9/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Không chỉ ở Tây Ban Nha, biến thể Delta đang dần chiếm đa số trong các ca nhiễm mới ở châu Âu. Tại Pháp, từ giữa tháng 6, số ca COVID-19 nhiễm biến thể Delta chỉ chiếm từ 2-4% nhưng đến nay con số này đã là 50%. Trước thực tế này, các nước châu Âu đang chạy đua với thời gian để tiêm vaccine cho hàng triệu người, đặc biệt là người trẻ. Như tại Hà Lan, nước này đang mở rộng chương trình tiêm vaccine cho những người từ 12 tới 17 tuổi.

Ở Bồ Đào Nha, chính quyền đang nới thêm giờ làm tại các trung tâm tiêm chủng, lập thêm phòng khám nhanh và đưa quân nhân vào hỗ trợ vận hành, cũng như giảm thời gian chờ giữa hai lần tiêm AstraZeneca từ 12 tuần xuống còn 8 tuần. Một số nước khác thì khuyến khích người dân tiêm chủng bằng các ưu đãi như thực phẩm miễn phí, phiếu giảm giá và rút thăm trúng thưởng.

Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo biến thể Delta sẽ trở thành biến thể thống trị châu Âu và một số khu vực kế cận vào tháng 8 tới. Do đó việc tiêm 2 liều vaccine ngừa COVID-19 sẽ tạo nên sự bảo vệ trước sự lây lan nhanh của biến thể Delta.

Vương quốc Anh - "Đĩa thí nghiệm" của thế giới

Anh là một trong những nước có tỉ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, nhưng hiện cũng đang là nơi ghi nhận biến thể Delta chiếm phần lớn số ca mắc mới. Nhiều quốc gia khác đang đổ dồn sự chú ý vào cuộc đua đầy kịch tính giữa vaccine và chủng virus Delta tại Vương quốc Anh, để có những ứng dụng phù hợp vào tình hình của mình.

Rõ ràng nhất là phương thức lây lan, tác động của các loại vaccine khác nhau với biến thể này và mức độ tiêm chủng khác nhau ở những các ca mắc, nhập viện và tử vong. Từ đó rút ra cơ sở cho các lựa chọn xử lý, từ việc người nào chăm sóc tại bệnh viện, người nào cần thở máy, ước tính số ca mắc và tử vong. Tin mừng là, dù vật lộn với biến thể Delta, một nước có tỷ lệ tiêm chủng cao như Anh đang ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 ở mức thấp.

Sau Delta, các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Kappa - Ảnh 4.

Biểu đồ cho thấy ca lây nhiễm tăng vọt trở lại ở Anh, lên tới trên 32.000 ca ngày 10/7. Ảnh: DM

Trong 1 tháng qua số ca nhiễm mới của Anh tăng đều. Phần lớn trong số này là biến thể Delta. Tỷ lệ nhập viện và tử vong cũng tăng, nhưng ở mức thấp hơn rất nhiều so với khi dịch mới bùng phát. Nó cho thấy vaccine có hiệu quả, nhưng cũng đồng thời cho thấy sự khó lường trong một giai đoạn lây lan mới ở Anh. Anh hiện có trên 60% người dân được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine. Kinh nghiệm trong cuộc đua giữa vaccine và biến thể mới ở Anh sẽ là "phác đồ" cho toàn thế giới.

WHO xác định biến thể Delta sẽ là biến thể phổ biến nhất trên toàn cầu trong thời gian tới. "Chúng tôi là đĩa thí nghiệm petri cho toàn thế giới". Các nhà khoa học Bệnh truyền nhiễm của Đại học Edinburgh miêu tả tình huống hiện nay ở Anh - nơi có biến thể Delta lây lan rộng và vaccine cũng được phủ rộng.

Những quốc gia khác nhìn vào đây có thể biết nhiều dữ liệu quan trọng, như hiệu quả của các loại vaccine khác nhau, cũng như tốc độ tiêm chủng đối với số ca nhiễm và nhập viện vì biến thể mới.

Những tín hiệu ban đầu là tích cực. Cho tới giờ, chúng ta đã biết mặc dù các loại vaccine hiện nay không hoàn toàn hiệu quả trong việc ngăn chặn biến thể Delta như Alpha. Tuy nhiên, Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca có thể giảm nguy cơ nhập viện do nhiễm chủng Delta lần lượt là 96% và 92%... Và tới 99% những người tử vong vì COVID-19 đều là những người chưa được tiêm vaccine.

Tất cả dữ liệu từ Anh cuối cùng sẽ là để trả lời cho câu hỏi, ưu tiên nguồn lực chữa trị thế nào, và xác định lại tiến độ tiêm chủng thế nào để ngăn chặn một làn sóng mới do biến thể. Nó còn đặc biệt quan trọng với các quốc gia đang sử dụng chủ yếu vaccine AstraZeneca giống nước Anh. Vì một quốc gia khác đang trong điều kiện tương tự là Israel thì lại dùng Pfizer.

Sau Delta, các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Kappa - Ảnh 5.

Xe bus vaccine tại khu phố Esseghem, quận Jette (Brussels). Ảnh : TTXVN

Ước tính ban đầu của các nhà khoa học, miễn dịch cộng đồng là 70% dân số được tiêm vaccine. Nhưng với biến chủng mới, họ tin rằng ít nhất 85% được chủng ngừa thì mới ngăn được dịch lây lan. Ngoài việc tiếp tục phủ thêm mũi 2 cho người dân, từ mùa thu này Anh sẽ bắt đầu tiêm cả mũi bổ sung cho các đối tượng dễ bị tổn thương mà đã tiêm đủ 2 mũi.

Người chưa tiêm chủng vaccine như những "Nhà máy sản xuất biến thể tiềm tàng"

Một nhà khoa học về bệnh truyền nhiễm tại Mỹ cảnh báo, những người không tiêm chủng, hoặc chưa được tiêm chủng vaccine COVID-19, có thể như những nhà máy sản xuất biến thể tiềm tàng. Càng có nhiều người không được chủng ngừa, virus càng có nhiều cơ hội sinh sôi, phát triển. Các vaccine hiện đang được tiêm trên thế giới vẫn có công hiệu với các chủng virus biến thể, và tiêm vaccine vẫn là giải pháp lâu dài để sống chung với dịch và ngăn ngừa từ xa nguy cơ các làn sóng dịch bùng phát mới.

Trong lúc này, thông tin tích cực là, theo các nhà khoa học Singapore thì tiêm chủng đủ 2 liều sẽ giúp giảm tới 69% nguy cơ nhiễm biến thể Delta. Trong khi, các chuyên gia WHO cũng khẳng định, vaccine vẫn cho hiệu quả với các biến thể.

Tiến sỹ Soumya Swaminathan - Chuyên gia WHO cho biết: "Ngay cả tại các quốc gia xuất hiện các biến thể mới, các loại vaccine vẫn cho thấy hiệu quả, khả năng bảo vệ, ngăn ngừa bệnh trở nặng và tử vong. Vì vậy, điều quan trọng là các quốc gia cần ưu tiên tiêm chủng, nhất là những người có nguy cơ lây nhiễm cao như nhân viên y tế, những người tuyến đầu, người cao tuổi".

Cùng với đó, quá trình nghiên cứu, điều chỉnh vaccine nhằm ngăn ngừa các biến chủng mới cũng được đẩy nhanh.

Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi virus vẫn tiếp tục biến đổi với những đột biến nguy hiểm. Vì thế, tiêm chủng ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết để giúp thế giới hướng tới một trạng thái mới, định hình chiến lược lâu dài sống cùng dịch bệnh.

Nhật Bản thực hiện nhiều biện pháp đối phó với COVID -19

Ý thức những nguy hiểm và đe dọa từ biến thể Delta, lo ngại làn sóng dịch thứ tư, Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp lần 4 tại nhiều khu vực trong đó có Tokyo. Chính sách ứng phó của Nhật Bản có những khác biệt so với trước, khi đối phó với nguy cơ làn sóng từ biến thể Delta.

Sau khi ghi nhận số ca nhiễm mới COVID-19 tại Tokyo ở mức 900 ca/ngày, Chính phủ Nhật Bản đã ngay lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp, có thể thấy số ca nhiễm mới hiện nay thấp hơn nhiều so với các đợt lây nhiễm cao điểm trước đây, nhưng với sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh chóng, Nhật Bản đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để chính quyền địa phương có thể thực hiện các biện pháp mạnh tay nhằm kịp thời ngăn chặn làn sóng lây lan mới này.

Sau Delta, các nhà khoa học cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Kappa - Ảnh 6.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka, ngày 5/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Thực hiện các biện pháp mạnh để phòng dịch như giới hạn số người tham gia các sự kiện, yêu cầu các nhà hàng không bán đồ uống có cồn sau 7 giờ tối, nhưng để có thể ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh COVID -19 hiện nay, biện pháp hiệu quả nhất vẫn là đảm bảo miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng.

Ông Nishimura Yasutoshi - Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản nói: "Trong bối cảnh sự lây lan của các biến chủng mới, chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, trong đó sẽ tăng cường tốc độ tiêm chủng cho người dân".

Các nước ASEAN chạy đua với chiến dịch tiêm vaccine

Châu Á hiện đang là khu vực chịu ảnh hưởng nhất thế giới do COVID -19 với gần 57,5 triệu ca, cao hơn gần 10 triệu ca so với khu vực chịu ảnh hưởng thứ hai là châu Âu. Tình hình vẫn nghiêm trọng ở Ấn Độ. Tại Đông Bắc Á, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc cũng chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ tư. Đông Nam Á cũng đang chứng kiến những làn sóng dịch nghiêm trọng tại Indonesia, Malaysia hay Phillipines. Đáng ngại nhất đang là Indonesia, khi số ca nhiễm mới ở nước này hàng ngày đang cao thứ ba thế giới, chỉ sau Brazil và Ấn Độ.

Indonesia là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại khu vực, ghi nhận gần 2,5 triệu ca nhiễm và gần 60 ngàn ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc mới mỗi ngày đang tiến tới mốc 40 ngàn và dự báo có thể lên tới 70 ngàn ca. Hệ thống bệnh viện đang quá tải trong khi nguồn cùng oxy đã cạn kiệt. Các nghĩa trang mới được lập nên để chôn cất nạn nhân COVID-19 cũng dần hết chỗ trống.

Tại Malaysia, người dân đã chán nản và kiệt quệ sau nhiều lần phong tỏa và kéo dài phong tỏa. Tuy nhiên, số ca mắc COVID-19 ở Malaysia vẫn tiếp tục tăng, liên tục vượt qua mốc 9.000 ngàn ca mỗi ngày trong những ngày qua. Những lá cờ trắng được dựng lên kêu gọi cộng đồng giúp đỡ.

Các chuyên gia y tế cho rằng mức độ xét nghiệm thấp ở các quốc gia đông dân như Indonsia và Philippines che giấu mức độ bùng phát thực sự của đại dịch. Lúc này, các nước ASEAN đều đang chạy đua với chiến dịch tiêm vaccine. Tuy nhiên do nguồn cung còn hạn chế, đến nay tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp với khoảng 5,4% dân số Indonesia được tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ này ở Philippines là 2,7% và Thái Lan là 4,7%. Singapore là một trong số ít những điểm sáng khi nước này dự kiến nới lỏng hơn nữa các hạn chế và hoàn thành việc tiêm chủng cho một nửa dân số vào cuối tháng 7.

Đợt bùng phát dịch lần này đã bộc lộ điểm yếu trong công tác phòng chống dịch ở các nước ASEAN, song cũng đó cũng là những bài học kinh nghiệm để mỗi nước tìm ra cách thức phù hợp để vượt qua đại dịch.

Theo vtv.vn