Chủ nhật, 10/11/2024, 05:43[GMT+7]

Chuyển biến trong sáng tác và bảo tồn nghệ thuật truyền thống

Thứ 2, 12/07/2021 | 09:23:22
2,567 lượt xem

Là địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng song công tác giáo dục, phát huy truyền thống của quê hương ở một số ngành, địa phương chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá về những truyền thống văn hóa, văn hiến của quê hương hiệu quả chưa cao... - đó là một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX) về tăng cường giáo dục, phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, mang lại những chuyển biến tích cực.

Bảo tồn nghệ thuật chèo truyền thống

Một trong những mục tiêu cụ thể Nghị quyết số 04 đề ra trong việc bảo lưu nghệ thuật chèo truyền thống của quê hương Thái Bình là 100% xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ hát chèo truyền thống; 100% trường học trong tỉnh đưa hát chèo truyền thống vào chương trình giảng dạy... Để thực hiện mục tiêu này, hơn 2 năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh phối hợp với trung tâm văn hóa các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy nghệ thuật chèo truyền thống tại các địa phương trong tỉnh, trong đó điển hình là việc mở lớp truyền dạy bảo tồn di sản nghệ thuật chèo làng Khuốc diễn ra cuối năm 2020. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ nhiều trang phục, đạo cụ biểu diễn cũng như thiết bị loa máy phục vụ hoạt động dạy và học, biểu diễn nghệ thuật chèo. Tại lớp học này, các nghệ nhân chèo làng Khuốc trực tiếp truyền dạy. 

Nghệ nhân Bùi Văn Ro, một trong những giảng viên chính của lớp học chia sẻ: Chèo Khuốc có 12 làn điệu độc đáo không ở đâu có được như: ván cờ tiên, đường trường thu không, tình thư hà vị, hề đơm đó... Tham gia truyền dạy cho các cháu nhỏ, nhìn thấy sự hăng say, hứng khởi trong các cháu và sự quan tâm của các bậc phụ huynh, tôi hy vọng chèo Khuốc có thêm cơ hội đến gần hơn với mỗi người trên quê hương của chèo, nghệ thuật chèo sẽ được bảo tồn, phát huy tốt hơn trong cuộc sống hiện đại.

Song song với việc bồi dưỡng, phát triển hạt nhân phong trào nghệ thuật quần chúng, tại Nhà hát Chèo Thái Bình, việc bảo tồn nghệ thuật chèo đã nhận được sự quan tâm đúng mức hơn. Với phương châm bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người, việc phục dựng những vở diễn cổ với sự tham gia của các nhân tố mới là hoạt động thường xuyên của nhà hát. Minh chứng cho điều đó, trong năm 2020, nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát Chèo Thái Bình đã đạt huy chương vàng, huy chương bạc, giải tài năng tại các cuộc thi sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Quan tâm phát triển nghệ thuật chèo trong trường học, gần đây nhất, tháng 4/2021, tại Nhà hát Chèo Thái Bình đã diễn ra hội nghị tư vấn xây dựng đề án đưa nghệ thuật hát chèo vào giảng dạy trong các trường phổ thông. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra thảo luận như đầu tư kinh phí, nhân lực cho nhiệm vụ này để duy trì tính liên tục trong dạy và luyện tập hát chèo tại các trường học trong tỉnh. Lãnh đạo hai ngành Văn hóa, Giáo dục đều hy vọng hoạt động dạy và luyện tập hát chèo trong trường học sẽ sớm được triển khai thường xuyên để góp phần thực hiện thành công các mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 04 đã đề ra.

Mở rộng sáng tác, quảng bá về mảnh đất, con người Thái Bình

Cũng nhằm khắc phục những hạn chế mà Nghị quyết số 04 đã nêu, việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, sáng tác, quảng bá về truyền thống, bản sắc văn hóa của quê hương Thái Bình được đầu tư thực hiện. Năm 2019, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình”. Sau 6 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được 39 tác phẩm nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật và 207 tác phẩm báo chí viết về người Thái Bình, đất Thái Bình tham gia cuộc thi; đã tổ chức trao giải cho 13 tác phẩm lĩnh vực văn học, nghệ thuật và 16 tác phẩm báo chí. 

Với tác phẩm “Thái Bình vùng địa linh nhân kiệt”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức đạt giải A lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ông chia sẻ: Tác phẩm này, tôi đã dành công sức, trí tuệ, tâm huyết trong suốt 20 năm để nghiên cứu, tìm hiểu và viết. Tác phẩm hoàn thành đúng dịp tỉnh tổ chức cuộc thi nên tôi đã gửi tham dự và đạt giải. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn đối với những người nghiên cứu như tôi để có thêm động lực nghiên cứu, sáng tác trong thời gian tới.

Cùng với cuộc thi này, năm 2020, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Văn hóa đã phối hợp với đoàn nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam gửi tới công chúng nhiều sáng tác mới như: “Cô gái Thái Bình” (nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến); “Thái Bình của tôi” (nhạc sĩ Giáng Son); “Nghe bà kể chuyện hôm qua” (nhạc sĩ Lê Minh Sơn); “Lời thề sông Hóa” (nhạc sĩ Phó Đức  Phương)... Sự thể hiện của những ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Tùng Dương, Tân Nhàn, Bùi Thúy... cùng sự tham gia của các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Chèo Thái Bình đã góp phần tạo nên những sản phẩm âm nhạc chất lượng, qua đó để quảng bá, giới thiệu về mảnh đất và con người Thái Bình cả trong quá khứ anh hùng và hiện tại đang đổi mới, phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Ngay sau khi Nghị quyết số 04 được ban hành, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình đã tổ chức triển khai, quán triệt Nghị quyết đến toàn thể hội viên, cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 04 trong chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nhiệm vụ hàng năm. Một trong những ưu tiên được tập trung là hoạt động sáng tác. Vì vậy, hơn 2 năm qua, nhiều tác phẩm tâm huyết của các văn nghệ sĩ ở các chi hội: Văn nghệ dân gian, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật... đã đến với công chúng trong và ngoài tỉnh. 13 tác phẩm thể loại nghiên cứu, văn học, nghệ thuật đạt giải trong cuộc thi viết về “Người Thái Bình, đất Thái Bình” hầu hết đều của các tác giả thuộc các chi hội thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình để thấy Nghị quyết số 04 đã và đang đi vào đời sống văn nghệ sĩ, có tác động tích cực đến các hoạt động sáng tác, quảng bá về nền văn hóa, văn hiến Thái Bình. Thời gian tới, Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tiếp tục bám sát các nội dung Nghị quyết số 04 để triển khai các nhiệm vụ tới hội viên nhằm góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai xây dựng hồ sơ nghệ thuật chèo Thái Bình trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đang xúc tiến xây dựng hồ sơ “Nghệ thuật chèo đồng bằng sông Hồng” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong thời gian tới, toàn ngành tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giáo dục, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIX). Tăng cường sưu tầm, nghiên cứu, biên tập, xuất bản sách lịch sử, các ấn phẩm về giáo dục truyền thống, các sản phẩm văn hóa du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống của quê hương...

Ông Nguyễn Đăng Dần, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá (Đông Hưng)

Địa phương luôn chú trọng gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể như cụm di tích lịch sử quốc gia về làng kháng chiến chống Pháp, cụm di tích tổ nghề bánh cáy, nghệ thuật múa rối nước... Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng xét duyệt việc phong tặng nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú đối với các cá nhân có công lao trong việc lưu giữ và bảo tồn nghệ thuật múa rối nước, từ đó góp phần tạo động lực gìn giữ loại hình nghệ thuật độc đáo này.




Tú Anh