Thứ 7, 23/11/2024, 21:04[GMT+7]

Indonesia đã chuẩn bị kịch bản 100 nghìn ca mắc mới Covid-19/ngày

Thứ 6, 16/07/2021 | 07:40:44
661 lượt xem
Chính phủ Indonesia cảnh báo số ca mắc COVID-19 có thể lên tới 60.000 ca, thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản 100.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Indonesia đã trở thành tâm dịch mới của châu Á với số ca nhiễm mới hàng ngày vượt qua cả Ấn Độ. Ngày 15/7, Indonesia tiếp tục ghi nhận một kỷ lục buồn - hơn 56.700 ca mắc COVID-19 được phát hiện trong 24 giờ.

Anh Utomo Hadi là một kỹ sư công nghệ kết nối với phóng viên từ thủ đô Jakarta. Bản thân anh đã từng bị mắc COVID-19 hồi đầu năm nay, anh cho biết tình hình dịch COVID-19 ở thủ đô Jakarta là rất nghiêm trọng. "Thủ đô Jakarta hiện là vùng đỏ, khá là nguy hiểm bởi vì người dân bị nhiễm bệnh ngay cả khi đã được tiêm vaccine. Chính phủ tuần trước đã phong tỏa chặt thủ đô, không cho ai ra vào các khu vực nếu không có giấy phép. Chúng tôi giờ sống chủ yếu nhờ vào các dịch vụ đặt đồ qua mạng".

Chị Ernawaty kết nối với phóng viên từ thành phố Pekalongan, cách thủ đô Jakarta gần 360km về phía đông. Xưởng sản xuất của chị đã đóng cửa từ tuần trước sau khi chị có kết quả dương tính với COVID-19 và phải nhập viện.

"Khi bác sĩ công bố tôi bị nhiễm COVID-19, các nhân viên của tôi đều sốc và bối rối vì sao tôi lại nhiễm virus đó. Sau khi họ điều tra, hóa ra là một thợ may của tôi đã nhiễm bệnh từ trước, nhưng anh ta lại không thông báo cho ai cả. Đó mới là vấn đề", chị Ernawaty cho biết.

Có nhiều người sợ đi xét nghiệm, bởi vì nếu họ bị dương tính, họ sợ bị xã hội ruồng bỏ hơn là bị bệnh tật. Họ sợ bạn bè và hàng xóm kỳ thị.

Chị Erna cho biết, tại thành phố nơi chị sinh sống, nhiều người dân còn không tin vào vaccine cũng như không tin vào sự tồn tại của virus SARS-COV-2. Lúc này, chị mong mau khỏe lại để tiếp tục công việc sản xuất kinh doanh.

"Mối quan tâm của tôi lúc này là sức khỏe. Nếu tôi còn sức khỏe, tôi có thể tiếp tục công việc kinh doanh, nhân viên của tôi sẽ nhận được lương đầy đủ như trước. Tôi cũng sẽ quan tâm tới gia đình của họ, tôi sẽ đưa họ đi xét nghiệm PCR ở bệnh viện và giúp đỡ họ tiền mua thuốc men".

Từ những câu chuyện trên cho thấy cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở Indonesia không chỉ là các biện pháp phong tỏa hay vaccine, mà còn cần cả những giải pháp về thông tin tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về đại dịch.

Theo vtv.vn