Thứ 7, 23/11/2024, 21:21[GMT+7]

Chủ động phòng, chống bệnh không lây nhiễm: Giảm gánh nặng bệnh tật

Thứ 6, 30/07/2021 | 08:41:27
686 lượt xem

Người dân khám chữa bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, những năm gần đây, ước tính mỗi năm tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm (BKLN) như tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... chiếm tới hơn 70% tổng số bệnh nhân tử vong. Bên cạnh đó, các BKLN cũng chiếm khoảng 70% tổng gánh nặng bệnh tật trên toàn quốc. Điều này đặt ra vấn đề cần có chiến lược phòng, chống BKLN lâu dài và nâng cao ý thức của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe thông qua các hoạt động: tăng cường vận động thể lực, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, từ bỏ các thói quen có hại như uống rượu, bia, hút thuốc lá.

Mỗi năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đón tiếp khoảng 50.000 lượt người đến khám, điều trị bệnh, chủ yếu là bệnh nhân mắc các BKLN. Bác sĩ Vũ Đình Triển, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: BKLN không lây truyền giữa người với người. Nguyên nhân gây bệnh ngoài các yếu tố môi trường không thuận lợi còn do các hành vi, thói quen, lối sống không lành mạnh diễn ra trong khoảng thời gian dài gây ra như: thường xuyên hút thuốc, uống rượu, bia, ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây BKLN, trong đó hút thuốc lá thường xuyên là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch, ung thư... Đa số bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chủ yếu mắc BKLN. Khi bệnh nhân đến khám, các bác sĩ đều khai thác các yếu tố nguy cơ như: tình trạng hút thuốc lá, lạm dụng rượu, bia, thiếu hoạt động thể lực và dinh dưỡng không hợp lý..., từ đó tư vấn kịp thời, phù hợp cho từng người bệnh.

BKLN là một trong những mối quan tâm hàng đầu của ngành Y tế hiện nay. Từ trung ương đến địa phương đều đã xây dựng hệ thống phòng, chống BKLN. Tại Thái Bình, cùng với việc nâng cao năng lực sàng lọc và cảnh báo sớm các BKLN, hoạt động truyền thông cũng được ngành Y tế chú trọng. Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều người dân đã hình thành được các thói quen có lợi cho sức khỏe từ việc tăng cường tập thể thao, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý đến việc sử dụng thuốc đầy đủ, đúng phác đồ điều trị. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng tập trung củng cố, phát triển hệ thống dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý các BKLN từ tỉnh đến cơ sở; củng cố hệ thống cơ sở khám chữa bệnh để cung cấp các dịch vụ toàn diện, chuyên sâu và kỹ thuật cao cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN. Việc xây dựng mô hình điểm dự phòng, chẩn đoán, điều trị và quản lý BKLN đã được ngành Y tế triển khai thí điểm tại tuyến y tế cơ sở.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tây Sơn (Kiến Xương) cho biết: Những năm qua, Trạm Y tế xã thực hiện giám sát, phát hiện, quản lý các trường hợp mắc BKLN bằng nhiều hình thức như điều tra tại cộng đồng, khám phát hiện trực tiếp tại Trạm, khám phát hiện qua chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đến nay, Trạm giám sát, quản lý gần 700 trường hợp mắc các BKLN. Nhằm nâng cao nhận thức về BKLN, Trạm đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức. Ngoài việc phát trên hệ thống truyền thanh của xã mỗi tháng một lần, mỗi lần một bệnh, Trạm còn phối hợp với các đoàn thể tư vấn qua các hội nghị hoặc truyền thông trực tiếp thông qua lực lượng y tế thôn tới từng gia đình, truyền thông bằng tờ rơi, áp phích. Sau khi được truyền thông, ý thức, hiểu biết của người dân về BKLN được nâng lên, nhiều người đã có ý thức tự phòng bệnh, từ đó tỷ lệ mắc BKLN có xu hướng giảm. Dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng hiệu quả phòng, chống BKLN đã từng bước được khẳng định.

Quá trình hình thành BKLN diễn ra trong nhiều năm, đòi hỏi việc điều trị có hệ thống và lâu dài, gây tốn kém và trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Do đó, cùng với việc tăng cường năng lực hệ thống y tế để phát hiện sớm, quản lý, điều trị, mỗi người dân cần chủ động phòng, chống hiệu quả thông qua kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Bác sĩ Vũ Đình Triển cho biết thêm: Duy trì lối sống tích cực, thường xuyên hoạt động thể lực mức độ vừa hoặc nặng ít nhất 30 phút mỗi ngày, hạn chế rượu, bia, không hút thuốc lá..., khi người dân đã kiểm soát được các yếu tố nguy cơ, thay đổi các hành vi, thói quen không tốt trong lối sống thì đã phòng được 80% các BKLN như đái tháo đường, tăng huyết áp và các bệnh phổi mạn tính, giảm 40% bệnh lý ung thư. Việc phòng, chống các BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh trong cộng đồng, ngăn chặn tàn tật, tử vong và giảm quá tải tại các bệnh viện.

Nhân viên y tế Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền cho người dân về các bệnh không lây nhiễm.

Hoàng Lanh