Thứ 7, 23/11/2024, 18:15[GMT+7]

Mật ngọt từ nuôi ong

Thứ 6, 13/08/2021 | 09:22:31
2,193 lượt xem
Khai thác triệt để nguồn cây trái tự nhiên ở vùng nông thôn, những năm gần đây, một số hộ dân xã Việt Thuận (Vũ Thư) mạnh dạn học hỏi, nhân rộng mô hình nuôi ong ruồi lấy mật. Hiệu quả nuôi ong ruồi lấy mật ở địa phương hiện đạt 1 triệu đồng/thùng ong/năm, tương đương với tiền lãi từ 1 sào lúa/năm, tuy nhiên chi phí đầu tư và công lao động của nuôi ong ruồi lấy mật thấp hơn cấy lúa nhiều.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, người đầu tiên đưa nghề nuôi ong ruồi lấy mật về vùng quê Việt Thuận (Vũ Thư).

Gần 10 năm trước, ông Nguyễn Mạnh Hùng, thôn Việt Cường là người đầu tiên mang nghề nuôi ong ruồi lấy mật về vùng quê Việt Thuận. Ông Hùng kiên trì học hỏi kỹ thuật nuôi, chăm sóc ong, nhân đàn, tách đàn và cách lấy mật ong từ một số hộ nuôi ong ruồi chuyên nghiệp trong tỉnh. Từ 1 tổ ong ban đầu, ông dần nhân rộng số lượng ong nuôi. 

Ông Hùng cho biết: Tôi sử dụng gỗ thông để làm tổ cho ong, dài 50cm, rộng 40cm, có cửa rất nhỏ cho ong ra vào, có chân cao 30cm so với mặt đất để tránh thạch sùng, gián, chuột vào gây hại. Mỗi thùng ong (tổ ong) sẽ có một con ong chúa và một đàn ong thợ, tôi đặt 4 - 5 cầu để ong tiết mật. Thùng nuôi ong phải đặt đúng hướng Đông - Nam là hướng đi của ong. Mỗi đàn ong đi kiếm mật trong vòng bán kính khoảng 2km quanh tổ nên hầu hết thức ăn do ong đi hút mật hoa trong tự nhiên, ở vùng quê Việt Thuận chủ yếu có hoa chè, hoa vải, hoa nhãn, hoa chuối... 

Một năm ong cho lấy mật 2 tháng vào mùa hoa nhãn, hoa vải nở rộ, còn lại 10 tháng ong đi lấy thức ăn, duy trì đàn. Vào quãng thời gian này, ông Hùng hòa nước đường loãng để tạo thức ăn, duy trì đàn ong. Chi phí đầu tư thức ăn cho ong rất ít, trong suốt 10 tháng, với 10 tổ ong chỉ cần 5kg đường, giá thành chưa đến 100.000 đồng. Hiện ông Hùng duy trì nuôi 23 thùng ong, mỗi năm thu được trên 80 lít mật, bán với giá 250.000 - 300.000 đồng/lít, thu về hơn 20 triệu đồng.

Sau khi nắm chắc kỹ thuật, nuôi ong lấy mật thành công, ông Hùng vận động, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm để các hộ dân ở địa phương nuôi ong. Đến nay, xã Việt Thuận có nhiều hộ phát triển mô hình nuôi ong lấy mật. 

Ông Bùi Xuân Hoài, thôn Hợp Long cho biết: Nhờ ông Hùng nhiệt tình giúp đỡ, mấy năm nay, gia đình tôi mạnh dạn nuôi 25 thùng ong, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, tôi rất phấn khởi.  

“Mặc dù nuôi ong ruồi lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên chúng tôi chỉ duy trì nuôi ở quy mô 10 - 20 thùng ong/hộ bởi nếu mở rộng đàn ong, vào mùa ít thức ăn, người nuôi ong sẽ cần di chuyển đàn ong đi gửi ở những vườn cây trái rất xa địa phương để ong hút mật, tránh việc ong bỏ đàn, điều này khá khó khăn và phức tạp. Ngược lại, quy mô nuôi ong nhỏ lẻ phù hợp nhiều hộ dân, bà con khá thuận lợi trong nuôi, chăm sóc ong” - ông Đồng Văn Lanh, chủ hộ nuôi ong thôn Việt Hùng chia sẻ.

Ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Thuận cho biết: Từ 1 hộ ban đầu, đến nay xã Việt Thuận có hơn 20 hộ nuôi ong ruồi lấy mật, hộ ít có 5 - 7 thùng ong, hộ nhiều nhất có 26 thùng ong. Một số hộ nuôi ong tiêu biểu như hộ ông Hùng (thôn Việt Cường), ông Hoài (thôn Hợp Long), ông Yên, ông Lanh (thôn Việt Hùng). Các hộ nuôi ong ở địa phương đoàn kết, thường xuyên trao đổi, hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm chăm sóc ong, thu hoạch mật. Nuôi ong ruồi lấy mật phù hợp với nhiều gia đình, có thể tận dụng diện tích vườn tạp, không tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế cao, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ môi trường tốt hơn so với nhiều hoạt động chăn nuôi khác. Chúng tôi tiếp tục động viên, khuyến khích bà con chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau để nhân rộng mô hình nuôi ong ruồi lấy mật, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Nuôi ong ruồi lấy mật giúp nông dân xã Việt Thuận (Vũ Thư) nâng cao thu nhập cho gia đình.

Quỳnh Lưu

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày