Thứ 4, 13/11/2024, 05:25[GMT+7]

Những lời 'kêu cứu ảo' trên ứng dụng cứu trợ

Thứ 3, 24/08/2021 | 12:35:08
2,039 lượt xem
Một số người gửi yêu cầu hỗ trợ không thực tế, hoặc không nhận đồ khi được hỗ trợ, khiến người muốn giúp đỡ qua ứng dụng gặp phiền phức.

Ứng dụng kết nối người cho và nhận nhu yếu phẩm, hiển thị theo vị trí trên bản đồ. Ảnh: Lưu Quý

Kể từ khi biết đến các ứng dụng kết nối người cần cho và nhận nhu yếu phẩm, chị Hương Lan (Hà Nội) mỗi ngày truy cập vài lần để tìm đến những người cần hỗ trợ và gửi nhu yếu phẩm cho họ. Sau vài ngày, chị đã kết nối và giúp được hơn chục người qua các ứng dụng. Tuy nhiên, song song với sự tiện lợi mà giải pháp mang lại, không ít những yêu cầu "ảo" xuất hiện khiến chị dở khóc dở cười.

"Họ nói cần lương thực và nhu yếu phẩm, nhưng khi trao đổi, họ lại bảo không muốn nhận đồ mà muốn nhận tiền, thậm chí số tiền khá lớn. Trong 10 trường hợp tôi liên hệ gần đây, có hai trường hợp như vậy", chị Lan kể. Dù có thể những người này đang gặp khó khăn, chị cho rằng "đáng lẽ họ nên nói luôn khi gửi yêu cầu để đỡ mất thời gian của hai bên".

Chị Hải Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là một trong những người tích cực hỗ trợ qua Zalo Connect. Tuy nhiên, cũng không ít lần chị bị "bom hàng" khi giúp người khác.

"Có trường hợp đăng yêu cầu và tôi đã chuẩn bị đầy đủ để giúp, nhưng khi đến nơi, họ lại nói không cần nữa và không có nhu cầu lấy đồ, trong khi việc vận chuyển thời gian này không hề dễ dàng", chị Yến kể.

Thời gian qua, các giải pháp như Zalo Connect, SOSMap được đánh giá là kênh hiệu quả giữa người có nhu cầu nhận và cho nhu yếu phẩm, lương thực, thiết bị y tế... Dù vậy, một số người lại truy cập vào các ứng dụng này để đùa cợt, như đăng yêu cầu cần hỗ trợ bia rượu, đồ nhậu, món ăn đắt tiền... Thậm chí, có người còn tận dụng công cụ này để quảng cáo.

"Những yêu cầu ảo như vậy làm tốn thời gian và công sức của người muốn làm việc tốt, trong khi người thực sự cần hỗ trợ có thể bị ảnh hưởng", chị Lan nói.

Các nền tảng kết nối đã đưa ra những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này. Đơn vị phát triển bản đồ SOSMap cho biết, khi xây dựng nền tảng, họ cũng phải xây dựng một đội tổng đài viên để tiếp nhận cũng như xác minh thông tin của người cần cho và nhận. Hầu hết yêu cầu gửi lên hệ thống đều là từ người cần hỗ trợ thực sự.

Zalo Connect cũng có giải pháp lọc nội dung, cũng như bổ sung tính năng Báo cáo. Khi phát hiện người đăng tin hỗ trợ nhưng không đúng mục đích, chẳng hạn quảng cáo, lừa đảo hay làm phiền, người dùng có thể báo cáo để hệ thống xử lý.

Theo vnexpress.net