Chủ nhật, 24/11/2024, 04:53[GMT+7]

Quản lý, điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã

Thứ 4, 29/09/2021 | 08:37:58
1,797 lượt xem
Bệnh tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) được coi là “kẻ giết người thầm lặng” bởi bệnh không có biểu hiện rõ rệt, khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn và phải điều trị kéo dài. Do đó, việc triển khai, mở rộng mô hình quản lý, điều trị ngoại trú THA, ĐTĐ tại trạm y tế xã có vai trò rất quan trọng nhằm phát hiện sớm, điều trị bệnh kịp thời ngay từ cơ sở. Mô hình đang được triển khai thí điểm tại 20 trạm y tế trong tỉnh.

Cán bộ Trạm Y tế xã Phú Châu (Đông Hưng) khám sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Phạm Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Tính đến hết tháng 6/2021, tại các huyện, thành phố đang quản lý hơn 54.900 người mắc bệnh THA và gần 14.400 người mắc ĐTĐ. Bệnh THA, ĐTĐ nằm trong nhóm các bệnh không lây nhiễm song những bệnh này tiến triển thầm lặng, rất nguy hiểm. Cụ thể, THA thường để lại những biến chứng rất nặng nề về tim mạch, não, thận, mắt, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, sức lao động của người bệnh và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. ĐTĐ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh, hệ miễn dịch, nếu không điều trị có thể gây mù lòa, tổn thương thần kinh dẫn đến nhiễm trùng phải cắt cụt chi, đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Để chủ động phòng THA, ĐTĐ, từ tháng 6/2021, Thái Bình đã triển khai mô hình quản lý, điều trị ngoại trú THA, ĐTĐ theo hình thức cầm tay chỉ việc tại 20 trạm y tế xã ở Đông Hưng, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Hưng Hà, Tiền Hải. Đến nay, các mô hình đã đạt được những hiệu quả bước đầu.

Trạm Y tế xã Phú Châu (Đông Hưng) là 1 trong 20 trạm y tế được chọn để triển khai, mở rộng hoạt động quản lý, điều trị ngoại trú THA, ĐTĐ. Bác sĩ Vũ Văn Hiến, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phú Châu cho biết: Tham gia mô hình, cán bộ Trạm, nhân viên y tế thôn được hướng dẫn, tập huấn về công tác truyền thông; cách phát hiện THA và ĐTĐ tuýp 2; các yếu tố nguy cơ của bệnh THA, ĐTĐ; việc thực hiện quản lý người mắc THA, ĐTĐ tuýp 2 tại cộng đồng... Bên cạnh đó, Trạm Y tế xã còn được cấp máy đo huyết áp, kim, que thử đường huyết, tờ rơi tuyên truyền. Qua điều tra, sàng lọc trên địa bàn xã có hơn 400 người bị THA, ĐTĐ. Việc sàng lọc được tập trung vào nhóm từ 45 tuổi trở lên, người béo phì. Những người THA, ĐTĐ dưới tuýp 2 được khám, điều trị tại xã, tuýp 3, tuýp 4 được tư vấn, giới thiệu lên tuyến trên. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên tuyên truyền tới nhân dân các biện pháp phòng ngừa THA, ĐTĐ là: giảm ăn muối, dầu mỡ, ăn nhiều hoa quả, thường xuyên tập thể dục... Việc triển khai tại trạm đã giúp cán bộ, nhân viên y tế địa phương nắm bắt, quản lý được những người mắc THA, ĐTĐ; hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh; đồng thời giám sát, phát hiện người có nguy cơ mắc bệnh để tư vấn kịp thời, tránh biến chứng nặng. Người cao tuổi có thể khám, điều trị ngay tại trạm giảm chi phí, thời gian. Tuy nhiên, khi triển khai còn một số khó khăn, một số thiết bị giúp test tiểu đường không đồng bộ; một số người vẫn muốn lên tuyến trên để khám, điều trị...

Ngoài việc được tập huấn về chuyên môn trong phát hiện, quản lý, điều trị bệnh THA, ĐTĐ, các trạm y tế xã còn được hướng dẫn triển khai thí điểm phần mềm báo cáo bệnh THA, ĐTĐ do Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế xây dựng. Việc triển khai phần mềm hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác tổng hợp báo cáo, cung cấp số liệu đầy đủ, kịp thời và chính xác; đồng thời, giúp tất cả các tuyến khám chữa bệnh có thể nắm bắt, cập nhật kịp thời số lượng bệnh nhân mắc THA, ĐTĐ phục vụ công tác phòng, chống bệnh THA, ĐTĐ.

Bác sĩ Phạm Thị Duyên, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm: Sau khi triển khai tại các trạm y tế ban đầu, chúng tôi đã mở rộng được thêm gần 30 trạm y tế khác. Hiệu quả bước đầu của việc triển khai quản lý, điều trị ngoại trú THA, ĐTĐ đã được khẳng định khi phát hiện kịp thời những trường hợp mắc THA, ĐTĐ mới; nâng cao năng lực y tế cơ sở; việc quản lý bệnh nhân THA, ĐTĐ được thực hiện đồng bộ ở các tuyến... Từ kết quả này, tiến tới sẽ triển khai, nhân rộng ra toàn tỉnh.

Hoàng Lanh