Chủ nhật, 10/11/2024, 12:45[GMT+7]

Ngải cứu - Rau ăn, vị thuốc chữa bệnh tuyệt vời

Thứ 2, 25/10/2021 | 08:51:05
4,348 lượt xem
Thường thì chúng ta sử dụng ngải cứu chưa đúng lúc, đúng cách, đúng bệnh, đúng liều nên chưa phát huy hết công hiệu của loại thảo dược quý này.

Trong đông y, cây ngải cứu được xem là vị thuốc đa công dụng, chữa đa bệnh. Chúng có mặt trong các bài thuốc dân gian giúp bổ máu, điều kinh, hỗ trợ điều trị đau xương khớp, chữa suy nhược cơ thể,… rất hiệu nghiệm.

Với cây ngải cứu thì có thể một số người chưa nhìn thấy bao giờ, tuy nhiên rau ngải thì ta thấy có bán ở hầu hết các chợ từ nông thôn đến thành thị. (xem hình ảnh cây ngải cứu)

Ngải cứu chỉ cần lấy về rửa sạch phơi khô (gọi là ngải diệp) cắt ngắn giữ nơi khô ráo tránh mốc, để dùng dần. Nhiều cơ sở đông y đem nghiền thành bột, rây ra lấy phần lông tơ trắng, tơi thì được gọi là ngải nhung để làm điếu cứu ngải chữa bệnh.

I. ĂN RAU NGẢI NHƯ THẾ NÀO?

Rau ngải tuy có nhiều tác dụng bồi bổ và chữa bệnh nhưng cũng chỉ nên ăn vừa đủ chứ không nên ăn nhiều.

- Rau ngải có thể chế biến nhiều món ăn quen thuộc như: luộc, xào, chả trứng, nhúng lẩu, nấu canh thịt băm, hầm với gà, xay sinh tố lá ngải... tuy nhiên đối với người bình thường thì:

- Mỗi người chỉ nên ăn từ 1 - 2 bữa rau ngải/1 tuần

- Mỗi lần nên ăn 1 chít tay rau ngải tươi (khoảng 100 - 150g)

- Nấu rau ngải không cần tra thêm các gia vị khác vì sẽ làm mất mùi vị hoặc thay đổi tác dụng của ngải.

- Nên nấu món rau ngải với lượng vừa đủ bữa ăn, không ăn lại món ngải nấu để qua đêm.
 
II. NGẢI CỨU CHỮA BỆNH GÌ?

1. Ngải cứu chữa đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa, đau vai gáy.

Với những bệnh nhân cao tuổi thường xuyên bị đau nhức xương khớp, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, đi đứng khó khăn; nếu dùng thuốc giảm đau thường xuyên kéo dài sẽ gây ra các biến chứng gan, thận, đau dạ dày... do ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Do vậy có thể áp dụng bài thuốc giảm đau nhức đơn giản từ cây ngải cứu rất có giá trị, an toàn mà đỡ tốn tiền.
Bài thuốc 1: Lấy một nắm ngải cứu (khoảng 150g), rửa sạch, sau đó giã nát, chắt lấy nước rồi hòa chung với 1 - 2 thìa mật ong, chia ra mỗi ngày sử dụng 2 lần cho buổi trưa và chiều sau bữa ăn. Kiên trì sử dụng ít nhất 1 tháng, các triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm rõ.
Bài thuốc 2: Lá ngải cứu, lá lốt, cây cỏ xước, (có thể thêm cả cây xấu hổ, lá bưởi bung) mỗi thứ lượng bằng nhau, đem rang muối, lúc còn nóng bọc vào túi vải, đắp chườm lên chỗ đau nhức, ngày đắp 1 lần (15 - 20 phút). Làm kiên trì sẽ giảm đau nhức hiệu quả.
Bài cứu điếu ngải vào các huyệt vị chữa bệnh:
Đông y đã lấy thủ thuật cứu điếu ngải nóng vào các huyệt vị là một phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả. Ngày nay người ta đã chế ra các máy cứu ngải rất thuận tiện và có hướng dẫn cả các huyệt  ở vị trí nào, chữa bệnh gì rất cụ thể chi tiết. Các bạn có thể tiếp cận với máy cứu ngải Khánh Thiện (thành phố Hải Phòng) là một địa chỉ đáng tin cậy.

2. Ngải cứu làm thuốc điều kinh

Chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không ổn định thì ngải cứu chính là giải pháp vô cùng hiệu quả. Cách chữa rong kinh bằng ngải cứu đơn giản như sau:

Lấy 100g ngải cứu khô cho vào 1 lít nước, sắc vừa lửa tới khi cạn còn 300ml thì tắt bếp, chắt ra lấy nước uống. Nước ngải cứu có vị đắng, nếu cảm thấy khó uống có thể thêm một ít đường sẽ dễ uống hơn.

Mỗi ngày uống 2 lần, sử dụng đều đặn từ 1 tuần trở đi sẽ thấy hiệu quả. Chị em vừa uống ngải cứu, vừa có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, tránh thức đêm, giải tỏa tâm lý để chu kỳ kinh trở lại bình thường.

3. Sơ cứu vết thương bằng ngải cứu

Ngải cứu là vị thuốc có tác dụng cầm máu rất tốt. Có thể sử dụng sơ cứu trong tình huống khẩn cấp như rắn cắn, động vật cắn, chấn thương chảy máu, đứt tay, chân,…
Khi bị chảy máu, ta có thể giã nát lá ngải cứu tươi, sau đó thêm vào chút muối để đắp lên miệng vết thương. Cách này có thể giúp cầm máu, sát khuẩn, tiêu viêm và giảm đau hiệu quả.
Dùng ngải cứu cầm máu chỉ là giải pháp tức thời trong tình huống nguy cấp. Sau khi sơ cứu, bạn nên đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra vết thương và xử lý tiếp.

4. Ngải cứu làm đẹp da, trị mụn, mẩn ngứa, mề đay

Nhờ có tính sát khuẩn cao, ngải cứu có tác dụng chống viêm, ngăn hình thành viêm mụn, giúp loại bỏ mề đay, mẩn ngứa cũng như các căn bệnh ngoài da khác do vi khuẩn, nấm gây ra.
Rửa sạch ngải cứu tươi, để ráo nước, sau đó mang đi giã nát để đắp mặt, để mặt nạ khoảng 15 phút rồi rửa sạch lại với nước. Mặt nạ ngải cứu làm đẹp da rất hiệu quả, nếu kiên trì đắp mặt thường xuyên, bạn sẽ có một làn da khỏe đẹp, trắng sáng.
Đối với trẻ em thường xuyên bị nổi rôm sảy, ta có thể xay nhuyễn lá ngải cứu, lọc ra lấy nước tắm cho trẻ. Hoặc kết hợp ngải cứu và đơn lá đỏ (lá đơn đỏ) nấu nước tắm cho bé.

5. Ngải cứu trứng gà giúp lưu thông máu lên não

Trứng gà chiên ngải cứu là món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt tốt đối với người bị thiếu máu, thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ không rõ lý do. Ăn món này có tác dụng tăng tuần hoàn máu lên não, chấm dứt tình trạng đau đầu, uể oải, mệt mỏi.
Tùy theo khẩu phần ăn mà bạn chuẩn bị ngải cứu lượng vừa đủ. Rửa sạch rau ngải, thái nhỏ, sau đó thêm vào 2 quả trứng gà, nêm một chút bột canh và một chút đường rồi đánh đều tay đến khi hỗn hợp sệt lại. Đem chiên đến khi chín vàng là có thể dùng (nếu sợ béo thì cho trứng lá ngải vào mảnh lá chuối đem áp chảo cho chín vàng). Ăn vài lần sẽ thấy hiệu quả, bệnh thuyên giảm dần.

6. Ngải cứu trị suy nhược cơ thể, kém ăn

Chuẩn bị: 150g ngải cứu, 15g đảng sâm, 20g kỷ tử, 10g đương quy, nửa con gi (nếu có gà ác càng tốt). Sơ chế tất cả nguyên liệu sau đó để vào nồi, chế thêm vào 500ml nước đun trên lửa nhỏ, trong quá trình nấu có thể nêm thêm gia vị để cho vừa miệng.
Hầm đến khi nhừ thì tắt bếp, chia làm 4 phần ăn trong ngày. Cứ 2 ngày hầm 1 lần và dùng liên tục trong 1 - 2 tuần, cơ thể sẽ thấy sinh khí dồi dào trở lại, ăn thấy ngon miệng hơn.

7. Xông ngải cứu trị cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh.

Chuẩn bị: Ngải cứu, tía tô, đài bi, bạc hà, lá sả, lá chanh, vỏ bưởi... mỗi thứ một nắm, rửa sạch cho vào nồi đổ 2 lít nước, đun sôi trong khoảng 10 - 15 phút, mang đi xông trong khoảng 15 - 20 phút. Xông xong lấy một cốc nước xông mà uống, nước xông còn lại đem rửa mặt và lau người, không nên tắm sau xông. Mỗi đợt cảm cúm chỉ nên xông 2 - 3 ngày, vì xông nhiều sẽ rão mồ hôi, mất chính khí không tốt.

8. Lưu ý khi dùng ngải cứu

- Người bị viêm gan không nên dùng vì ngải cũng có dược tính và độc tính nếu dùng nhiều, dược chất tích vào gan, gan sẽ phải làm việc quá tải gây rối loạn chuyển hóa ở tế bào gan, ảnh hưởng sức khỏe.

- Không nên ăn rau ngải trong 3 tháng đầu thai kỳ, thực ra trong 3 tháng đầu mang thai không nên dùng bất kỳ dược liệu nào, kể cả ngải cứu. Trong trường hợp nếu bị động thai chảy máu có thể uống nước nấu ngải cứu để cầm máu nhưng cũng phải hết sức thận trọng, cần tư vấn kỹ bởi bác sĩ đông y.

- Người bị rối loạn đường ruột cấp tính không dùng ngải cứu bởi ngải cứu làm tăng kích thích đường ruột và ngải cứu có tác dụng lợi tiểu làm mất nước càng thêm nguy hiểm.

- Người bình thường chỉ nên ăn 1 - 2 lần rau ngải/1 tuần và mỗi lần cũng không nên ăn quá nhiều (chỉ nên ăn 1 chít tay rau ngải tươi là đủ (khoảng 100 - 150g). Không sắc uống lá ngải hàng ngày thay nước.

- Chữa bệnh cần phải uống lá ngải thì mỗi ngày chỉ nên dùng 5g ngải khô, mỗi đợt uống 15 ngày, nghỉ 15 ngày rồi lại dùng đợt tiếp.


Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày