Chủ nhật, 10/11/2024, 09:42[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 2, 08/11/2021 | 15:17:17
2,208 lượt xem
Sáng ngày 8/11, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV bắt đầu đợt 2 - đợt họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết đợt họp thứ 2 của kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV có nhiều nội dung quan trọng như thảo luận kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19. Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn, biểu quyết thông qua một số luật và nghị quyết kỳ họp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh phát biểu thảo luận tại kỳ họp.

Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường trong hai ngày làm việc (ngày 8-9/11) về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, thảo luận tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022-2024).

Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh thống nhất và đồng tình cao với báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Các báo cáo đã đánh giá khách quan, toàn diện những mặt được; đã đưa ra những quan điểm rất rõ ràng và thẳng thắn với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng và cũng không bôi đen những mặt còn tồn tại, hạn chế như: Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo; còn thiếu nhất quán trong tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở, việc thực hiện các quy định đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa còn thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc, phiền hà cục bộ cho người dân và doanh nghiệp... 

Đại biểu thể hiện sự đồng tình với 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được xác định trong báo cáo. Những nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã rất đầy đủ, căn cơ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải, phải xác định những điểm đột phá cần tập trung. Đại biểu đã nêu một số kiến nghị cụ thể như sau:

Một là, để từng bước phục hồi nền kinh tế cần phải phân tích, làm rõ hơn nữa động lực tăng trưởng trong nước, từ tiêu dùng nội địa, đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và từ xuất khẩu, để xác định những giải pháp phù hợp và căn cơ hơn. Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm dự kiến đạt 47,38%. Đây là con số rất thấp, trong đó đáng chú ý có 20 bộ và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 20%, 3 cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn. Do đó, cùng với 5 nhóm giải pháp báo cáo đã xác định, đại biểu kiến nghị phải tập trung vào các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, để thúc đẩy tăng trưởng, khắc phục tình trạng giao vốn chậm, dự án chuẩn bị chưa đạt yêu cầu, đặc biệt phải lưu tâm và đôn đốc đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng.

Hai là, thực tế có một số chính sách có tỷ lệ giải ngân thấp như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân... do những tác động của dịch Covid-19 và một số chính sách cụ thể theo Nghị quyết số 68 thì có tỷ lệ giải ngân thấp dưới 20%... Đại biểu đề nghị cần phải rút kinh nghiệm để tổ chức thực hiện thật hiệu quả các chính sách đã ban hành, đồng thời cùng với đó những tháng còn lại của năm 2021 cần tập trung ưu tiên, tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu kép, quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cần sớm ban hành gói hỗ trợ phục hồi sản xuất trong điều kiện bình thường mới.

Ba là, trước hệ lụy làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19, tỷ lệ người thất nghiệp và làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp để trở về quê hương. Theo báo cáo, số người bị tác động tiêu cực của đại dịch rất lớn, từ đây làm xuất hiện một nghịch lý là vấn đề lao động và việc làm vừa thiếu, vừa thừa. Để tập trung giải quyết vấn đề này, đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút được lượng lao động quay trở lại nơi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn để khôi phục năng lực sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương, có phương án giải quyết việc làm cho người lao động trở về địa phương mà chưa sẵn sàng quay trở lại các khu công nghiệp, thành phố lớn do tâm lý e ngại bởi đại dịch diễn biến phức tạp và cũng có giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự, tránh những bất ổn về mặt xã hội.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)