Thứ 6, 15/11/2024, 08:18[GMT+7]

Doanh nghiệp vượt khó, bảo đảm việc làm cho người lao động

Thứ 2, 14/09/2020 | 09:02:03
2,296 lượt xem
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như việc làm của người lao động (NLĐ). Để vượt khó, các DN trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm mọi giải pháp ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm cho NLĐ.

Ông Nguyễn Cao Việt, Tổng giám đốc Công ty TNHH May Texhong động viên người lao động nỗ lực làm việc, cùng doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.

Doanh nghiệp gặp khó vì dịch Covid-19
Theo báo cáo từ ngành chức năng và các địa phương, từ đầu năm đến nay dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có 136 DN bị ảnh hưởng nặng nề do giảm nguyên liệu đầu vào, không xuất khẩu được hàng hóa... DN bị tác động bởi dịch bệnh dẫn tới doanh thu giảm sâu, không có tiền trả lương cho NLĐ buộc phải thỏa thuận với NLĐ để tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Trong 136 DN bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 có 88 DN tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc tạm ngừng việc với 27.400 lao động, 40 DN thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 2.600 lao động, 8 DN thực hiện giảm giờ làm hoặc bố trí cho NLĐ làm việc luân phiên.

Công ty TNHH May Texhong (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu. Trước khi có dịch Covid-19, Công ty có gần 5.000 công nhân với mức lương bình quân 6 - 6,5 triệu đồng/người/tháng. Khi dịch Covid-19 bùng phát, Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề. Hàng hóa không xuất khẩu được, sản phẩm tồn kho nhiều dẫn tới doanh thu giảm sâu. Để duy trì sản xuất, Công ty buộc phải cho 700 công nhân nghỉ việc. Ông Nguyễn Cao Việt, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Từ khi thành lập đến nay, chưa khi nào Công ty chịu ảnh hưởng nặng nề như đợt dịch lần này, một số lượng lớn công nhân phải nghỉ việc khiến chúng tôi rất đau lòng. Chúng tôi rất muốn công nhân gắn bó lâu dài với DN nhưng nếu giữ công nhân lại Công ty sẽ không bảo đảm các điều kiện về việc làm, mức lương và các khoản phụ cấp cho họ.

Dịch Covid-19 cũng khiến 52 công nhân của Công ty TNHH Bông Thái Bình (cụm công nghiệp Phong Phú, thành phố Thái Bình) phải nghỉ việc trong tháng 5. Do DN không có doanh thu cũng như không còn nguồn tài chính để trả lương cho công nhân nên số công nhân trên đã được gói hỗ trợ của Chính phủ hỗ trợ một tháng lương với mức 1,8 triệu đồng, góp phần giảm bớt khó khăn.

Công ty TNHH Giày dép Thái Thụy (xã Thái Hà, huyện Thái Thụy) bảo đảm việc làm cho người lao động trong thời điểm dịch Covid-19.

Vượt khó bảo đảm việc làm cho người lao động
Trước khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhiều DN đã cân nhắc, tính toán để đưa ra giải pháp ứng phó. Trong khi một số DN chọn giải pháp cắt giảm lao động nhằm giảm bớt chi phí, xác định nguy cơ thiếu hụt lao động trở lại thì nhiều DN vẫn đang nỗ lực giữ chân NLĐ. Tại Công ty TNHH Bông Thái Bình, sau một thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến thời điểm này Công ty đã có một số đơn hàng ký đến hết năm 2020. Công ty cũng đang xem xét đơn giá để bảo đảm nguồn thu cũng như đáp ứng mức lương cho NLĐ. Đối với Công ty TNHH May Texhong, Công ty đã ký được các đơn hàng từ tháng 10 đến tháng 12, riêng trong tháng 9 Công ty đang đối mặt với thử thách trong việc giữ chân NLĐ khi đơn hàng giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh chỉ duy trì công suất khoảng 50%. Ông Nguyễn Cao Việt, Tổng giám đốc Công ty chia sẻ: Dù đang rất khó khăn, thậm chí Ban giám đốc đã từng nghĩ đến việc tiếp tục sẽ cắt giảm lao động trong tháng 9 nhưng nếu tiếp tục cắt giảm lao động, hoạt động sản xuất của Công ty sẽ bị ảnh hưởng lớn bởi những công nhân đang làm việc đều là những người có thời gian làm việc trên 10 năm, tay nghề cao, gắn bó với Công ty nên dù thế nào chúng tôi cũng phải tìm mọi giải pháp để vượt qua khó khăn, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho NLĐ. Hiện tại, để bảo đảm việc làm cho NLĐ, Công ty tích cực tìm kiếm đối tác và đã nhận thêm được một số đơn hàng gia công từ các doanh nghiệp khác. Ông Việt mong muốn nhà nước tiếp tục có cơ chế hỗ trợ kịp thời để các DN vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ khi Nghị quyết số 42 của Chính phủ và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với NLĐ, đến thời điểm hiện tại chưa có người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có hồ sơ vay vốn, do hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đã thỏa thuận trả lương cho công nhân lao động ở mức hợp lý, phù hợp với ngày công lao động trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng nhóm hỗ trợ NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương đã hỗ trợ 3 DN với 186 trường hợp, tổng kinh phí 381,6 triệu đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các gói hỗ trợ cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc về điều kiện hỗ trợ, xác lập hồ sơ vay vốn... Các vướng mắc đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ và đề xuất nội dung sửa đổi Nghị quyết số 42, trong đó một số chính sách hỗ trợ cần thiết cần được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN và NLĐ tiếp cận chính sách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quá trình xác lập hồ sơ.

Nguyễn Cường