Thứ 6, 15/11/2024, 13:50[GMT+7]

Giải pháp để lao động tại Hàn Quốc về nước đúng hạn (Kỳ I)

Thứ 3, 05/01/2021 | 08:31:27
2,618 lượt xem
Chương trình hợp tác đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc (chương trình EPS) được triển khai tại Thái Bình từ năm 2004 đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, tình trạng lao động vi phạm hợp đồng lao động tại Hàn Quốc diễn ra những năm qua đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động XKLĐ tại Việt Nam nói chung và Thái Bình nói riêng. Giải pháp nào để lao động tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn là vấn đề đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương.

Nhờ xuất khẩu lao động, diện mạo xã Vũ Tiến (Vũ Thư) có nhiều khởi sắc.

Kỳ I: Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

Những năm qua, cùng với các chương trình giải quyết việc làm cho người lao động, xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang các nước nói chung và Hàn Quốc nói riêng được nhiều người lựa chọn là con đường làm giàu chính đáng góp phần cải thiện điều kiện sống người dân, nhiều địa phương cũng từ phong trào XKLĐ đã thay đổi diện mạo xóm làng.

Cách đây 10 năm, người dân Vũ Tiến (Vũ Thư) quanh năm gắn bó với đồng ruộng, thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng giờ đây, về Vũ Tiến, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay nhanh chóng của vùng quê này. Những ngôi nhà mái ngói được thay thế bằng những ngôi nhà cao tầng; biệt thự khang trang nối tiếp nhau trên các trục đường. Sự thay đổi một phần là nhờ phong trào XKLĐ. 

Ông Trần Thanh Mừng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Toàn xã hiện có 520 người đi XKLĐ, trong đó lao động tại Hàn Quốc 180 người. Lao động tại Hàn Quốc với mức thu nhập cao đã thay đổi cuộc sống của người dân. So với những năm trước, hiện nay trên địa bàn xã có nhiều nhà cao tầng, nhiều gia đình mua được xe máy đắt tiền, xe ô tô để đi lại.

Đến thăm gia đình anh Trần Văn Thuật và chị Ngô Thị Hoa, thôn Bồng Lai, xã Vũ Tiến, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với tài sản tích góp của anh sau khi đi XKLĐ ở Hàn Quốc. Mới tròn 30 tuổi nhưng anh đã có căn nhà 2 tầng rộng gần 100m2 trên trục đường giao thông thuận tiện. Ngoài ra anh còn mua được đất cùng nhiều đồ dùng giá trị. Chia sẻ với chúng tôi anh cho biết, tháng 8/2013 theo chương trình lao động có thời hạn tại Hàn Quốc, anh làm thủ tục dự thi và trúng tuyển. Nhờ chăm chỉ làm ăn, sau 2 năm anh đã trả hết vốn vay và mua được 2 mảnh đất. Đến tháng 6/2018, sau 4 năm 10 tháng hết hạn hợp đồng anh về nước, anh cưới vợ và xây nhà. 

“Lao động có thời hạn tại Hàn Quốc tôi thấy có nhiều thuận lợi, được Chính phủ nước bạn bảo lãnh, làm đúng công việc theo hợp đồng, được công ty đóng đầy đủ các chế độ theo quy định, mức thu nhập tốt. Nếu có sức khỏe và chăm chỉ làm việc, mức thu nhập bình quân của người lao động sẽ dao động từ 40 - 60 triệu đồng/tháng” - anh Thuật tâm sự. 

Với sức trẻ và mong muốn được trở lại Hàn Quốc làm việc, vừa qua trong đợt dự thi tiếng Hàn, anh đã thi đỗ và chuẩn bị trở lại Hàn Quốc tiếp tục lao động có thời hạn.

Ngoài nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình, nhiều người đi XKLĐ về còn tích cực đóng góp xây dựng các công trình văn hóa, phúc lợi của địa phương. Chỉ tính riêng trong việc hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, các gia đình có người thân đi XKLĐ ở Vũ Tiến đã đóng góp hàng trăm triệu đồng. Đến nay, 100% đường giao thông thôn xóm trong xã đã được đổ bê tông, nhiều gia đình hỗ trợ kinh phí để tu sửa và xây mới nhà thờ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Đêm đến, đường làng ngõ xóm rực sáng ánh điện...

Không chỉ ở Vũ Tiến, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đổi thay nhờ XKLĐ, trong đó thị trường Hàn Quốc được người lao động quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Xã Đông Xuyên là địa phương có số người đi XKLĐ đông nhất huyện Tiền Hải với 276 người, trong đó lao động tại Hàn Quốc trên 100 người. 

Theo ông Cao Xuân Bảy, Chủ tịch UBND xã, thu nhập của người dân Đông Xuyên hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy khi Đảng, Nhà nước và tỉnh có chủ trương đưa người lao động đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc theo các chương trình XKLĐ, UBND xã và các tổ chức, đoàn thể luôn tạo điều kiện để người dân được đi XKLĐ. XKLĐ đã giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động trong xã, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ, góp phần thay đổi diện mạo quê hương. Ở Đông Xuyên hiện nay nhiều nhà cao tầng mọc lên, có những ngôi biệt thự trị giá từ 2 - 3 tỷ đồng. Cũng nhờ XKLĐ, nhiều người trong xã có vốn đã mở được doanh nghiệp, xưởng may, có cuộc sống ổn định.     

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2013 - 2018, Thái Bình có khoảng 17.500 lượt người đi XKLĐ, nguồn kiều hối gửi về qua các ngân hàng thương mại năm 2018 hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ XKLĐ... Riêng với thị trường Hàn Quốc, từ năm 2004 đến nay số lao động xuất cảnh đi làm việc, thực tập nâng cao kỹ năng tại Hàn Quốc trên 2.800 lượt lao động, số đang làm việc tại Hàn Quốc khoảng 1.500 lao động, trong đó theo chương trình EPS có khoảng 950 lao động. 

Ông Tăng Quốc Sử, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Lao động Thái Bình sang Hàn Quốc làm việc được phía đối tác đánh giá là cần cù, chịu khó, thông minh, sáng tạo. Chính vì vậy, thu nhập của họ khá cao, khoảng gần 40 triệu đồng/người/tháng. Nguồn thu nhập này được đánh giá cao so với các nước góp phần nâng cao đời sống của nhiều gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

(còn nữa)

Nguyễn Cường