Thứ 7, 16/11/2024, 13:47[GMT+7]

Phát triển thị trường lao động - yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Thứ 2, 13/06/2022 | 08:50:46
5,587 lượt xem
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là tập trung phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu, giao dịch việc làm. Thực hiện Nghị quyết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để tạo việc làm cho người lao động, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình tư vấn, hướng dẫn thủ tục giải quyết việc làm cho người lao động.

83.290 lao động được tạo việc làm

Dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có thị trường lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng trầm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng, thu nhập của một bộ phận người lao động giảm. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa duy trì việc làm ổn định cho người lao động.

Là đơn vị có nhiệm vụ trong việc tham mưu giải quyết các chế độ, chính sách và việc làm cho người lao động, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực phối hợp với các sở, ngành, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh triển khai các giải pháp giải quyết việc làm. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở cho biết: Trong bối cảnh khó khăn chung, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề để phục vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, hơn hai năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động tư vấn, hướng dẫn và giới thiệu việc làm cho người lao động. Vượt qua khó khăn, Trung tâm đã nỗ lực không ngừng, thực hiện nhiều giải pháp giúp người lao động tìm được việc làm phù hợp và giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp. 

Ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm chia sẻ: Để phát triển thị trường lao động và hỗ trợ người lao động tìm việc làm trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngoài việc tư vấn trực tiếp, Trung tâm tổ chức tư vấn, giới thiệu bằng hình thức trực tuyến qua website, tài khoản mạng xã hội facebook, zalo của Trung tâm. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay Trung tâm đã tư vấn học nghề, tư vấn tìm việc làm trong và ngoài nước cho trên 36.000 lượt lao động; tư vấn định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước cho hàng nghìn học sinh THPT.

Cùng với chủ động tìm kiếm việc làm, công tác giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được đầu tư, quan tâm và chỉ đạo tích cực nhằm tạo nguồn lao động có tay nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố trong tỉnh thường xuyên liên kết mở các lớp tuyển sinh đào tạo nghề. Trong hơn hai năm qua đã có trên 81.000 lao động được tuyển sinh đào tạo nghề, nhờ đó chất lượng tay nghề của người lao động được nâng lên, hầu hết học sinh, sinh viên sau khi ra trường đều có việc làm với mức thu nhập ổn định. 

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm cho 83.290 lao động, trong đó năm 2020 là 32.600 lao động, năm 2021 là 31.700 lao động, 6 tháng đầu năm có khoảng 18.990 lao động. Mặc dù chưa đạt so với chỉ tiêu phấn đấu mỗi năm tạo việc làm cho khoảng 34.500 lao động song trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đó là sự cố gắng rất lớn của cả hệ thống chính trị.

Thu hút đầu tư - tiềm năng phát triển thị trường lao động

Công tác quy hoạch xây dựng và thu hút đầu tư vào tỉnh, đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Thái Bình thời gian qua luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm với mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đến nay, Thái Bình đã chấp thuận cho một số nhà đầu tư nghiên cứu, lập quy hoạch; đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, các công trình, dự án trọng điểm được tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư và có nhiều nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hội nhập quốc tế để đưa Thái Bình trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến nay, tại Khu kinh tế Thái Bình, khu công nghiệp Liên Hà Thái và các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh, nhiều nhà đầu tư có uy tín bày tỏ quan tâm và được tỉnh chấp thuận đầu tư như Công ty Cổ phần Green i-Park, Samsung, TH, Eurowindow, Ohsung Vina... Việc thu hút nhiều dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh sẽ là yếu tố quan trọng để tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao phục vụ các dự án, qua đó giải quyết một số lượng lớn nguồn lao động.

Theo ông Lê Văn Côn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Bình, trước đây Trung tâm chủ yếu đào tạo một số nghề mang tính phổ thông như dệt may, da giày... để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước thực tế nhiều doanh nghiệp trong Khu kinh tế Thái Bình có nhu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, thời gian qua, cùng với tư vấn, giới thiệu việc làm, Trung tâm liên kết với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tại Trường Đại học Thái Bình hiện tại cũng có trên 120 doanh nghiệp đang liên kết để tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp vào làm việc, trong đó có hơn 70 doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ổn định lên đến 95%. 

Bà Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình chia sẻ: Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là tập trung phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu, giao dịch việc làm, thời gian qua Trường Đại học Thái Bình phối hợp với các trường THPT trong tỉnh triển khai các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp... thu hút nhiều học sinh, sinh viên tham gia. Các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cũng đã liên kết với nhà trường để tìm nguồn nhân lực. Trước yêu cầu thực tế khi có nhiều nhà đầu tư đầu tư vào tỉnh, Trường Đại học Thái Bình đã và đang đào tạo đa ngành, đa bậc học đáp ứng như cầu của doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội thu hút rất nhiều lao động, tạo việc làm cho người lao động Thái Bình trong thời gian tới.

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) tạo việc làm cho trên 18.000 lao động. 

Nguyễn Cường