Thứ 5, 14/11/2024, 11:11[GMT+7]

Tháng Giêng không là “tháng ăn chơi”

Thứ 3, 27/02/2024 | 09:47:13
6,744 lượt xem
Người xưa có câu “tháng Giêng là tháng ăn chơi” hàm ý nói về khoảng thời gian nhàn rỗi sau tết, mọi người thường có tâm lý vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm làm việc. Nhưng trong cuộc sống hiện đại ngày nay câu nói đó không còn đúng nữa bởi hầu hết mọi người đều bắt tay vào công việc ngay sau kỳ nghỉ tết.

Công nhân Công ty Tân Đệ thi đua sản xuất ngay từ đầu năm.

Hồi tưởng lại khoảng thời gian hơn 10 năm về trước, ông Nguyễn Văn Lý, Chủ tịch UBND xã Vũ Quý (Kiến Xương) chia sẻ: Khi ấy, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công nghiệp chưa phát triển nên người dân địa phương chưa có nhiều việc làm như bây giờ. Ra tết mọi người thường nhàn rỗi, đi chơi xuân nên “tháng Giêng là tháng ăn chơi” như người xưa vẫn nói kể cũng đúng. Nhưng cuộc sống hiện nay đã khác xưa. Trước đòi hỏi của công việc, nghỉ tết xong là mọi người đi làm ngay.

Xã Vũ Quý có 5 thôn với khoảng 5.700 nhân khẩu, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 64%. Trên địa bàn xã hiện có 1 cụm công nghiệp với 4 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Chưa kể cạnh bên là xã Vũ Ninh cũng có nhiều doanh nghiệp thu hút nhiều lao động vùng lân cận. Chính bởi vậy, ngay sau kỳ nghỉ tết, mọi người lại hối hả trở về với guồng quay công việc.

Sau kỳ nghỉ tết, người trẻ vào nhà máy, nông dân ra đồng cho kịp thời vụ. Bà Ngô Thị Len, thôn 2, xã Vũ Quý tâm sự: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, sau tết tôi đi cấy ngay. Nhà tôi cấy gần 1 mẫu nên phải khẩn trương cho đúng lịch thời vụ. Khi mùa vụ hoàn tất, tôi tranh thủ đi giúp việc gia đình để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống chứ không còn nhàn rỗi như ngày trước.

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà Ngô Thị Len, thôn 2, xã Vũ Quý (Kiến Xương) xuống đồng gieo cấy lúa xuân.

Làm việc cho một công ty vận tải hành khách tại thành phố Thái Bình, anh Đào Minh Đức cho biết, năm nay anh thậm chí còn “không có tết”. Do đặc thù công việc, những ngày nghỉ tết lại là lúc các doanh nghiệp vận tải phải hoạt động hết công suất. Anh Đức chia sẻ bản thân phải làm việc xuyên tết. Hết kỳ nghỉ, mọi người trở lại thành phố nên sau tết cũng là những ngày vô cùng bận rộn. Dù vất vả và có chút thiệt thòi nhưng anh Đức thấy vui và phấn khởi vì công sức mình bỏ ra cũng được đền đáp xứng đáng. Khoản tiền lương và thưởng là động lực để anh tiếp tục hăng hái làm việc. Anh chia sẻ: Trong nhịp sống hối hả và không ít áp lực như hiện nay, nếu không có kinh tế thì sẽ rất khó khăn. Cuộc sống trên thành phố có biết bao chi phí phải thanh toán, vì vậy không còn nhiều thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi như trước. Guồng quay công việc, áp lực cuộc sống bắt buộc tôi phải vận động.

Với người công nhân, họ hiểu rằng để giữ được một chỗ làm ổn định với mức thu nhập tốt luôn cần có sự cố gắng. Do đó, mặc dù đặc thù các tỉnh miền Bắc nói chung, Thái Bình nói riêng, tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhưng không còn nhiều người có tư tưởng sẽ trễ nải, trốn việc trong những ngày đầu tiên đi làm của năm mới. 

Ông Lê Tuấn Thiên, Bí thư Đảng ủy Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Chi nhánh Thái Bình (Công ty Tân Đệ) chia sẻ: Ngày khai xuân, người lao động của Công ty có mặt đông đủ nhận lì xì đầu năm và hăng hái bắt tay ngay vào sản xuất. Năm 2024, Công ty Tân Đệ đặt mục tiêu tăng trưởng sản xuất, kinh doanh từ 15 - 20% so với năm 2023. Để hoàn thành được mục tiêu đó, gần 17.000 cán bộ, người lao động ở 9 nhà máy của Công ty đều quyết tâm đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất với năng suất, chất lượng cao ngay từ ngày khai xuân. Tại Công ty Tân Đệ, các phòng, ban sẽ không tổ chức vui chơi, du xuân trong giờ hành chính.

Sau kỳ nghỉ tết, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tổng hợp tình hình lao động quay trở lại làm việc trong các doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo kết quả tổng hợp, đến ngày 19/2 đã có 98% lao động trở lại các công xưởng, nhà máy. Sau kỳ nghỉ tết, lao động trên địa bàn không có biến động lớn. Điều này cho thấy tâm lý ổn định của người lao động khi bức tranh kinh tế đang có sự phục hồi, các doanh nghiệp có đơn hàng đều đặn ngay từ đầu năm đã “giữ chân” người lao động.


Đỗ Hồng Anh