Thứ 2, 16/09/2024, 10:40[GMT+7]

Hưng Hà: Chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Thứ 5, 29/08/2024 | 09:04:45
4,920 lượt xem
Nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỷ lệ lao động được đào tạo của huyện Hưng Hà ngày một tăng, người lao động có nhiều cơ hội việc làm với thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Công ty TNHH Giày Quang Đông, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình (Hưng Hà) đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động.

Đa dạng việc làm cho lao động nông thôn 

Đến thăm Công ty TNHH Giày Quang Đông, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình, chúng tôi cảm nhận được không khí làm việc hăng say của công nhân. Hiện Công ty đang tạo việc làm cho hơn 300 lao động với mức lương bình quân 8 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lưu Quang Đông, Giám đốc Công ty cho biết: Thời điểm này chúng tôi đã chủ động nguồn hàng để sản xuất đến hết tháng 10/2024, đồng thời đặt mục tiêu duy trì sản xuất, kinh doanh đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành các đơn hàng đã được ký kết trong năm 2024 đạt trên 10 vạn sản phẩm; đồng thời, tiếp tục mở rộng Công ty, tuyển thêm 100 công nhân và đầu tư máy móc hiện đại, tìm kiếm nguồn hàng đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

Chị Nguyễn Thị Thuyên, thôn Tân Dân, xã Hòa Bình chia sẻ: Trước đây tôi thường đi làm ăn xa nhưng từ khi Công ty xây dựng tại quê hương tôi đã lựa chọn về quê làm việc; thu nhập cao hơn, đời sống được cải thiện nên tôi rất phấn khởi. 

Hiện xã Hòa Bình có 6 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đóng trên địa bàn, tạo việc làm cho 1.000 lao động địa phương. Ông Nguyễn Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm xã tiến hành khảo sát, tư vấn, hướng dẫn người lao động lựa chọn, đăng ký học nghề phù hợp; tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề nhằm bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo; gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương. 

Tại làng nghề dệt chiếu xã Tân Lễ, những năm gần đây người dân đã mạnh dạn đầu tư máy móc vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng về chủng loại. Hiện toàn xã có 29 hộ với 90 máy dệt chiếu cói, 8 cơ sở dệt chiếu nilon với 310 máy, tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động trong và ngoài xã. Tổng thu nhập từ nghề chiếu ước đạt trên 500 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân từ 72 - 96 triệu đồng/người/ năm. 

Ông Hoàng Văn Đạo, Chủ tịch UBND xã Tân Lễ cho biết: Phát huy vai trò của làng nghề trong thúc đẩy kinh tế - xã hội, địa phương đã sớm quy hoạch làng nghề, tạo điều kiện để các hộ đẩy mạnh sản xuất; chú trọng đào tạo và truyền nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và liên kết tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm nhà đầu tư, các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các làng nghề, từ đó người dân vừa có thêm thu nhập vừa có điều kiện chăm sóc gia đình và tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. 

6 tháng đầu năm 2024, các cấp hội phụ nữ ở Hưng Hà đã phối hợp tổ chức 2 lớp dạy nghề mây tre đan cho 60 hội viên, 1 lớp dạy nghề đan bèo bồng cho 30 hội viên; giới thiệu và tạo việc làm cho trên 2.000 hội viên. Tiêu biểu, Hội LHPN xã Dân Chủ tiếp tục phối hợp với cơ sở sản xuất mây tre đan Thanh Xuyền, xã Chi Lăng dạy nghề đan mây túi hộp cho hội viên; Hội LHPN các xã: Tân Lễ, Cộng Hòa, Tân Tiến phối hợp với các công ty may, chủ cơ sở sản xuất dạy nghề và giới thiệu việc làm cho 460 hội viên. 

Dạy nghề cho phụ nữ xã Dân Chủ. 

Bà Đinh Thị The, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức khảo sát nhu cầu phụ nữ khởi sự kinh doanh để có phương án hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nữ tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp dạy nghề phù hợp với từng đối tượng; xây dựng mô hình tổ liên kết tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn... Từ các hoạt động của Hội đã tạo động lực cho nhiều chị em mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. 

Tạo “cần câu” cho người lao động  

Tạo việc làm cho lao động nông thôn thông qua việc mở các lớp đào tạo nghề, khôi phục, phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, du nhập nghề mới luôn được huyện Hưng Hà quan tâm thực hiện, qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho lao động. Huyện Hưng Hà có hơn 200 làng có nghề với khoảng 2.000 hộ tham gia; trong đó, 53 làng nghề và 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, chiếm 26% tổng số làng có nghề của huyện là điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn có việc làm ổn định. 

Ông Bùi Hảo Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mục tiêu Hưng Hà đặt ra đến năm 2030 phấn đấu 90% lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề; ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo chương trình mỗi xã một sản phẩm; 50% làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 15%/năm. Thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 1,5 - 5 lần so với năm 2023. Tất cả các cơ sở, gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng quy định về bảo vệ môi trường. 

Ngoài ra, huyện Hưng Hà còn có 7/11 cụm công nghiệp đã được thành lập, trong đó 6 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 với tổng diện tích 282,8ha; hơn 500 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là cơ hội tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện giải quyết việc làm cho hơn 8.200 lao động, đạt 53,3% kế hoạch, nâng tỷ lệ lao động có việc làm lên 98,58%. 

Ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một trong những “mắt xích” quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, do đó huyện chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch đào tạo nghề sát thực tế, phù hợp nhu cầu thị trường; tăng cường thông tin thị trường lao động, thực hiện linh hoạt các hình thức kết nối lao động, là cầu nối doanh nghiệp và người lao động. Đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tổ chức các lớp đào tạo nghề, đưa chỉ tiêu tạo việc làm cho người dân trở thành nội dung của phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hưng Hà đang tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương.

Thanh Thủy