Chủ nhật, 17/11/2024, 15:27[GMT+7]

Quản lý tiêu chuẩn, chất lượng Vì mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng để hội nhập cho các doanh nghiệp.

Thứ 6, 31/12/2010 | 18:14:42
2,784 lượt xem
Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt chương trình Quốc gia “ Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Đây là một Văn bản pháp lý quan trọng, mở ra một bước phát triển mới cho phong trào Năng suất Chất lượng Việt Nam trong thập niên Chất lượng lần thứ hai, giai đoạn 2005-2015.

Trong giai đoạn 2005-2010, các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng của Thái Bình đã có nhiều hoạt động tích cực, đạt được một số thành tựu rất đáng khích lệ, thông qua việc áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, các mô hình và công cụ cải tiến năng suất chất lượng cụ thể: Toàn tỉnh có 2.976 sản phẩm, hàng hoá các loại đã thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố hàng hoá phù hợp tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trong đó, trên 100 sản phẩm, hàng hoá công bố phù hợp với tiêu chuẩn Quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài như: Sản phẩm gạch Ceramic theo tiêu chuẩn Châu Âu (EN), thép xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản (JIS) và Mỹ (ASTM)…; trên 60% các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại địa phương công bố và có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu của tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN).

Bên cạnh đó, việc xây dựng, áp dụng các hệ thống Quản lý chất lượng Quốc tế ; đăng ký nhãn hiệu hàng hóa độc quyền và Sở hữu trí tuệ; áp dụng Mã số - Mã vạch ....đã được các doanh nghiệp (DN) quan tâm xây dựng và duy trì áp dụng . Hiện tỉnh ta có gần 60 DN được cấp chứng chỉ có Hệ thống QLCL theo ISO 9001:2008, HACCP; ISO14.000....; 70 doanh nghiệp áp dụng công nghệ Mã số-Mã vạch cho trên 300 sản phẩm hàng hoá các loại; trên 200 doanh nghiệp đăng ký độc quyền về nhãn hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, trong đó có 352 nhãn hiệu hàng hóa, 44 kiểu dáng công nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ.

Toàn tỉnh đã có 23 lượt DN đạt giải, Giải thưởng chất lượng Quốc gia. Nhiều DN đã đổi mới công nghệ sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất ra các sản phẩm mới, có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, trong đó phải kể đến các sản phẩm như: Giống lúa, lạc, ngô của Công ty CP giống cây trong Thái Bình; Bia của Công ty XNK Hương Sen; Sứ vệ sinh của Công ty sứ Đông Lâm, sứ Hảo Cảnh; xơ polyester của Công ty Hợp Thành …

Nhiều sản phẩm đã được đánh giá chứng nhận hợp quy như: Sản phẩn điện, điện tử dân dụng của Công ty Sao Mai; Mũ bảo hiểm xe máy AZURA của Công ty TNHH Rạng Đông;…Đây là những số liệu đáng khích lệ, khẳng định định hướng phát triển bền vững và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế- xã hội ở địa phương. Hoạt động quản lý Tiêu chuẩn, Chất lượng hiện nay đã và đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần cùng các cơ sở SX  KD nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh.

Song nhìn chung, thực trạng về năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá ở các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn không ít  hạn chế. ở không ít DN năng suất lao động còn thấp, chất lượng hàng hoá chưa cao và chưa ổn định, giá thành sản phẩm còn cao so với hàng hoá cùng loại ở một số địa phương khác trong nước…

Những vấn đề này đã tạo nên một rào cản không nhỏ làm giảm khả năng cạnh tranh của một số DN trong nền kinh tế hội nhập hiện nay, mà nguyên nhân chính  và chủ yếu là do trình độ công nghệ sản xuất  còn lạc hậu; ảnh hưởng của các yếu tố về con người như: hạn chế về năng lực tổ chức và quản lý của chủ DN; trình độ và kỹ năng của người lao động thấp (không được đào tạo một cách hệ thống, thiếu tác phong và kỷ luật lao động công nghiệp ); chưa xây dựng được chiến lược phát triển thương hiệu, chiến lược cạnh tranh dài hạn; hạn chế trong công tác quản lý chất lượng; cách hiểu và cách đánh giá các chỉ tiêu năng suất chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường..., từ đó tự thân mỗi DN không đưa ra được các giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Trong nền kinh tế thị trường, khái niệm năng suất phải được nhìn nhận theo cách tiếp cận mới. Năng suất cao phải đồng nghĩa với việc bán được nhiều hàng hóa. Năng suất là mối quan hệ (tỷ số) giữa đầu ra và đầu vào được sử dụng để hình thành ra đầu ra đó.

Như vậy, để tăng năng suất phải tối đa hóa đầu ra và giảm thiểu đầu vào. Tối đa hóa đầu ra đồng nghĩa với việc hàng hóa phải được người tiêu dùng chấp nhận, phải cạnh tranh được trên thị trường. Cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ là những yếu tố luôn song hành, gắn kết chặt chẽ với nhau để xây dựng,củng cố hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của mỗi DN trong nền kinh tế hội nhập hiện nay

Để có thể nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng tôi xin đưa ra  một số khuyến nghị với các DN:

-  Các DN phải xác định được mục tiêu cụ thể của chất lượng sản phẩm, hàng hóa của đơn vị mình có thể đạt được ở mức tiêu chuẩn nào (quốc tế, khu vực, tiêu chuẩn Việt Nam) .Từ đó, xây dựng chiến lược sản phẩm để không ngừng nâng cao chất lượng của SP  HH.

- Phải xác định rõ các chỉ tiêu để nâng cao khả năng cạnh tranh; tự đánh giá DN để xác định được thực trạng; so sánh với doanh nghiệp cùng loại, cùng sản xuất ra một loại sản phẩm  hàng hóa trong nước và nước ngoài. (có thể dựa trên các tiêu chí tự đánh giá quy định trong Giải thưởng chất lượng Quốc gia ).

-  Để tăng trưởng năng suất, phải xác định yếu tố đầu ra là quan trọng nhất, do đó yêu cầu sản phẩm hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng kể cả thực tại và trong tương lai; đồng thời, phải chú ý đến việc giảm tối đa các lãng phí trong sản xuất và dịch vụ.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, thời gian tới Chi cục TC.ĐL.CL  tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp:Tổ chức triển khai sâu, rộng các nhiệm vụ, nội dung của Chương trình năng suất  chất lượng tới các đơn vị SX  KD; Không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong cơ quan quản lý cũng như trong các đơn vị SX - KD, đảm bảo giỏi về nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật, nắm chắc văn bản QPPL và có đạo đức nghề nghiệp; Quyết tâm  đưa  hoạt động Tiêu chuẩn hóa, quản lý chất lượng thành  yếu tố hữu cơ trong hoạt động sản xuất kinh doanh ở mỗi DN.

Nguyễn Mạnh Khương

Chi cục trưởng Chi cục TCĐL.CL Thái Bình

 

  • Từ khóa