Thứ 5, 14/11/2024, 23:32[GMT+7]

Ứng dụng Việt giúp giáo viên giao bài thi online

Thứ 3, 14/12/2021 | 15:50:17
1,127 lượt xem
Cô giáo Quỳnh Anh (Hà Nội) từng phải mất hàng giờ để giao và nhận bài kiểm tra của học sinh, nhưng nay chỉ cần vài phút nhờ ứng dụng.

Một học sinh học trực tuyến hồi tháng 8. Ảnh: Lưu Quý

Kể từ khi trường tổ chức học trực tuyến, một trong những công đoạn khiến cô Hoàng Quỳnh Anh, giáo viên tại một trường tiểu học tại quận Đống Đa, đau đầu nhất là tổ chức bài kiểm tra định kỳ. Cô thường phải gửi phụ huynh bài tập của con qua một phần mềm chat, sau đó tổng hợp thủ công. Bài kiểm tra được cô tải về, đôi khi phải in ra để chấm, sau đó chụp lại để gửi cho học sinh.

"Nhiều khi cũng xảy ra sai sót, tôi phải tìm thủ công để phát hiện em nào còn thiếu bài", Quỳnh Anh kể.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nửa năm trước, khi các ứng dụng hỗ trợ dạy và học trực tuyến ở Việt Nam còn chưa phổ biến. Đến nay, cô Quỳnh Anh cho biết khó khăn này đã được khắc phục nhờ ứng dụng công nghệ.

"Khi thực hiện các bài thi và kiểm tra qua các phần mềm, ứng dụng..., hệ thống sẽ hiển thị tên học sinh, tình trạng và thời gian nộp bài. Tôi không cần mất thời gian kiểm tra xem những ai còn thiếu bài. Ngoài ra, các hình thức nộp bài tương đối đa dạng, gửi được cả video và có thể chấm luôn trên ứng dụng", cô kể.

Thời gian qua, song song với xu hướng học trực tuyến, nhiều nền tảng hỗ trợ làm bài kiểm tra đã được phát triển tại Việt Nam. Theo tổng kết được Google công bố tuần trước, những nền tảng như Olm, Azota, Vioedu, K12online nằm trong số những xu hướng được tìm kiếm nhiều nhất tại Việt Nam năm nay. Đây đều là các ứng dụng do công ty công nghệ trong nước phát triển.

Trong số đó, nền tảng Azota, ra đời giữa năm nay, được vinh danh là sản phẩm Make in Vietnam xuất sắc ở hạng mục Thu hẹp khoảng cách số tại Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số - VFTE 2021, diễn ra ngày 11/12 ở Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hải Âu, đại diện Azota, ý tưởng phát triển phần mềm xuất phát từ mong muốn giúp đơn giản hóa quy trình cho giáo viên.

"Khối lượng công việc lớn khiến nhiều giáo viên không còn thời gian sáng tạo. Khi chúng tôi hỏi họ vì sao các phần mềm hỗ trợ giảng dạy hiện nay khá nhiều mà không sử dụng, phần lớn họ trả lời rằng chúng quá phức tạp", ông Hải Âu nói.

Từ khảo sát đó, Azota ra đời với mục tiêu giúp giáo viên rút ngắn thời gian thực hiện công việc từ vài giờ hay cả ngày xuống tính bằng phút. Hiện nền tảng tập trung vào hai nghiệp vụ thường xuyên của giáo viên là giao bài tập và tổ chức thi, kiểm tra. "Giáo viên gần như không cần đọc bất kỳ hướng dẫn nào mà vẫn có thể sử dụng phần mềm dễ dàng. Kể cả học sinh cấp một cũng có thể thao tác trên Azota", ông Âu cho hay.

Azota cung cấp giao diện cho cả học sinh và giáo viên trên trình duyệt web và ứng dụng smartphone. Người dùng đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội, số điện thoại.

Giáo viên có thể tải file danh sách lớp học, file đề thi lên hệ thống. Khi thực hiện một buổi kiểm tra, đề bài được gửi đến cho từng học sinh và giáo viên có thể theo dõi những ai đã nộp bài, sau đó chấm trên hệ thống này.

Giao diện quản lý việc nộp bài trên Azota. Ảnh: Thầy Cú Mèo 

Thống kê đến tháng 12, nền tảng này có 6 triệu người dùng hàng tháng, tương đương 25% tổng số giáo viên và học sinh trên cả nước. 120 triệu lượt nộp bài của học sinh đã được thực hiện qua hệ thống.

Theo ông Hải Âu, một trong những khó khăn của startup công nghệ khi làm sản phẩm giáo dục là việc chưa thể hiểu hết nghiệp vụ của giáo viên. Để khắc phục vấn đề, ông cho rằng các công ty cần thường xuyên trò chuyện với thầy cô để hiểu nhu cầu của họ. "Chúng tôi xây dựng mối quan hệ khăng khít giữa Azota và đội ngũ giáo viên, từ đó liên tục cập nhật sản phẩm và đưa ra tính năng mới phù hợp", ông nói.

Trong khi đó, cô Quỳnh Anh chia sẻ, thời gian tới, trường cô có thể sẽ thực hiện nhiều nghiệp vụ hơn trên nền tảng online, như giao, chấm, chữa, thu bài kiểm tra ngay trên ứng dụng. Cô cũng mong muốn phần mềm cải thiện tốc độ xử lý, duy trì tính ổn định. Vài lần, khi chấm bài trong thời gian cao điểm, cô phải đợi 3-4 phút hệ thống mới hiển thị được bài làm của học sinh. Một số trường tổ chức thi trên Azota từng phải hoãn thi vì không truy cập được. "Tôi hy vọng hệ thống được nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa", cô nói

Hiện nhóm hỗ trợ giáo viên của Azota trên Facebook đã có hơn 42 nghìn thành viên, mỗi ngày có hàng chục bài viết của các thầy cô trên cả nước đăng tải, trao đổi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau trong quá trình sử dụng.

Sau đại dịch, nhu cầu dạy và học trực tuyến có thể thay đổi, tuy nhiên theo ông Âu, chuyển đổi số giáo dục giờ đây "không còn là bài toán ngắn hạn". Các nền tảng như Azota là tiền đề cho những thay đổi về thói quen cũng như cách thức giảng dạy của giáo viên Việt Nam.

"Chuyển đổi số giáo dục là việc cần thiết trong giai đoạn này, giúp mở ra một chương mới cho ngành giáo dục. Các giải pháp, mô hình, công nghệ trong công cuộc chuyển đổi số giáo dục sẽ mang lại nhiều lợi ích người dùng cuối là thầy cô và học sinh", ông Âu cho biết.

Theo vnexpress.net