Thứ 2, 25/11/2024, 06:21[GMT+7]

Ứng phó với bão RAI: Không chủ quan trên tuyến biển

Thứ 4, 15/12/2021 | 15:22:26
843 lượt xem
Hiện nay xác định vùng nguy hiểm nhất trong ứng phó với bão RAI là ở khu vực trên biển. Hiện số lượng tàu thuyền đang rất lớn, trong khi trước đó, chúng ta đã có nhiều bài học về thiệt hại do cơn bão đổ bộ vào khu vực tương tự như cơn bão này. Do đó, không được phép chủ quan khi ứng phó trên tuyến biển.

Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. (Ảnh: B.T)

Đó là nhấn mạnh của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài khi chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sáng 15/12. Cuộc họp được tổ chức trực tuyến với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và 20 tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung, Tây nguyên, miền Nam nhằm bàn các giải pháp ứng phó với bão RAI. 

Thông tin tại cuộc họp cho biết, lúc 14 giờ ngày 14/12, vị trí tâm bão RAI cách bờ biển phía Nam Phi-líp-pin khoảng 1.100km về phía Đông; cường độ bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo, bão có xu hướng mạnh thêm và đi vào biển Đông trong khoảng đêm 17, ngày 18/12, trở thành bão số 9 trong năm 2021, nguy cơ ảnh hưởng đến tàu thuyền hoạt động ở khu vực Biển Đông.

Bên cạnh đó, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, trong ngày 14/12 có 11.030 tàu đang hoạt động trên biển Đông, cụ thể: tại Vịnh Bắc Bộ: 2.150 tàu; tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: 4.130 tàu; Nam biển Đông: 4.750 tàu. Theo thống kê trên Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) số tàu thuyền đang hoạt động trên biển Đông tính đến 6h ngày 15/12/2021 có 10.974 tàu.

Về tình hình nuôi trồng thủy sản, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận hiện có 183.221 lồng bè nuôi trồng thủy sản (Phú Yên: 81.177 lồng bè; Khánh Hòa: 91.225 lồng bè). Các tỉnh từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến Kiên Giang có 696,332 ha nuôi trồng thủy sản, 7.408 lồng bè.

Đáng chú ý, về tình hình đê điều, từ Quảng Bình đến Bình Thuận hiện có 707,8km đê biển, đê cửa sông (453km đê biển; 255km đê cửa sông), tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang. Từ Bà Rịa -Vũng Tàu đến Kiên Giang tồn tại 23 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu và 14 công trình đê, kè đang thi công dở dang.

Về sạt lở ven biển, khu vực Bắc Trung Bộ có 52 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/70km; khu vực Nam Trung Bộ có 77 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/101,7 km; khu vực ĐBSCL có 63 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/192 km.

Ngoài ra, tổng số nhà ở không an toàn tại các tỉnh, thành phố ven biển Nam Bộ hiện gồm 243.254 nhà (Bà Rịa -Vũng Tàu: 10.788 nhà; Thành phố Hồ Chí Minh: 340 nhà; Tiền Giang: 18.014 nhà; Bến Tre: 12.000 nhà; Trà Vinh: 18.651 nhà;…)

Các tỉnh  từ Đà Nẵng đến Bình Định đã xuống giống lúa từ ngày 1/12, với tổng diện tích đã gieo cấy 22.903ha. Riêng tỉnh Phú Yên kế hoạch xuống giống lúa vào ngày 20/12. Đồng thời, hiện còn 66.170 ha lúa mùa chưa thu hoạch.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh, hiện nay, với sự tương tác của nhiều yếu tố, đường đi cũng như phạm vi và đối tượng chịu ảnh hưởng của cơn bão có thể sẽ thay đổi. Do vậy, đề nghị Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thường xuyên theo dõi chặt chẽ và có thông tin của cơn bão gửi về Ban Chỉ đạo Quốc gia cũng như gửi cho các Bộ, ngành, các địa phương liên quan. Trong đó, gồm thông tin về hướng đi, cường độ, phạm vi ảnh hưởng và kể cả lượng mưa để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó, đảm bảo an toàn cho dân cư, do hiện nay chúng ta có nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao. Đồng thời, tại khu vực miền Trung vừa xuống giống vụ Đông Xuân, nếu ngập lụt không xử lý được kịp thời thì bà con sẽ phải gieo lại toàn bộ lượng giống.

Ông Hoài đề nghị các đài dự báo ở các vùng, các địa phương cùng với Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có nhận định sâu hơn cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Tại cuộc họp, ông Hoài nhấn mạnh, hiện nay xác định vùng nguy hiểm nhất là ở khu vực trên biển. Hiện số lượng tàu thuyền đang rất lớn, ngoài ra chúng ta còn số lượng lớn tàu thuyền vận tải hàng hải, trong khi trước đó, chúng ta đã có nhiều bài học về thiệt hại do cơn bão đổ bộ vào khu vực tương tự như cơn bão này.

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh vấn đề này để chúng ta không được phép chủ quan mặc dù hiện nay các tàu thuyền, các phương tiện thông tin đã có cải thiện, tiến bộ hơn, chỉ đạo của Quốc gia, của các Bộ, ngành đã quyết liệt hơn, đã cụ thể đến từng đối tượng” – ông Hoài cho hay.

Do đó, trên tuyến biển, ông Hoài đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cùng với các địa phương thông tin đến từng hộ gia đình có tàu thuyền trên biển, trên cơ sở đó có phương án, kế hoạch ứng phó cụ thể. Đồng thời, cương quyết không để tàu thuyền vãng lai ở trên biển, kể cả những tàu thuyền đánh bắt ở ven bờ.

Đối với tàu thuyền trên biển, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Bộ Ngoại giao sẵn sàng có công hàm gửi tới các quốc gia và vùng lãnh thổ để tạo điều kiện cho ngư dân Việt Nam trú tránh. Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chuẩn bị, sẵn sàng bắn pháo hiệu trên toàn bộ tuyến ven biển để thông tin cho tàu thuyền.

Ngoài ra, yêu cầu các địa phương kiểm đếm ngay và theo dõi mực nước để hướng dẫn các tàu thuyền vào các khu neo đậu nhằm đề phòng một số cửa sông ở khu neo đậu hiện đang bị bồi lắng, các tàu thuyền lớn không thể vào được.

Với khu vực nuôi trồng thủy sản, ông Hoài yêu cầu tất cả các ngư dân ở khu vực này, nhất là tại các lồng bè phải lên bờ. “Chúng ta thấy cơn bão số 12 năm 2017 đã làm hơn 100 người dân trên khu vực lồng bè bị thiệt mạng, do đó, đề nghị các địa phương kiểm tra ngay danh sách người dân trên các lồng bè và sơ tán tại các lồng bè chòi canh kịp thời” – ông Hoài đề nghị.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công, nhất là các công trình tại khu vực ven biển, miền núi. Tổng cục Thủy lợi, Bộ Công Thương kiểm tra ngay các hồ chứa. “Hiện nay các hồ chứa đã đầy, chúng ta bám theo tình hình của công tác dự báo, để hạ mực nước về theo đúng theo quy trình của mực nước đón lũ, bên cạnh đó hết sức thận trọng để đảm bảo nước phục vụ cho sản xuất năm 2022” – ông Hoài nhấn mạnh.

Đáng chú ý, đối với các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, cần rà soát ngay dân cư ở khu vực này và đảm bảo sơ tán dân cư an toàn.

Ông Hoài cho biết, dự báo, diễn biến của cơn bão sẽ nguy hiểm, do đó, sẽ tham mưu sớm cho Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai sớm có công điện gửi các địa phương để triển khai kịp thời. Các Bộ, ngành triển khai ngay lực lượng, ban hành công điện, tránh tình trạng khi có tình huống xảy ra, nhưng không có lực lượng ứng phó kịp thời. Đề nghị các địa phương xây dựng kịch bản, báo cáo lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để triển khai giải pháp ứng phó, chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai xuống tận từng hộ dân rà soát để đảm bảo an toàn./.

Theo dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày