Thứ 5, 14/11/2024, 11:08[GMT+7]

Biến thể Omicron đang thách thức các chiến lược chống dịch tại các quốc gia

Thứ 3, 28/12/2021 | 07:59:39
1,418 lượt xem
Tính đến sáng sớm nay, thế giới có 280,4 triệu ca mắc COVID-19 và 5,4 triệu trường hợp tử vong.

Các chuyên gia y tế đang cố gắng tìm hiểu thêm về biến thể Omicron.

Tại một số quốc gia châu Á và châu Âu, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang thách thức các chiến lược chống dịch. Bộ Y tế Singapore (MOH) thông báo, từ ngày 15/1/2022, tất cả người lao động chưa tiêm vaccine sẽ không được đến nơi làm việc cho dù họ có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24 giờ trước đó. Những lao động mới tiêm 1 mũi vaccine sẽ được cho thêm thời gian đến 31/1/2022 để hoàn thành đủ liều cơ bản. Những người này sẽ vẫn được đến nơi làm việc nếu có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24 giờ trước khi đi làm.

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết, chính phủ nước này đang thực hiện 4 chiến lược gồm tăng cường các quy định y tế - cụ thể là chiến lược 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách), giám sát, tiêm chủng và cải thiện các dịch vụ chăm sóc y tế để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Bộ trưởng Sadikin còn kêu gọi người dân sử dụng ứng dụng PeduliLindung - ứng dụng kỹ thuật số được phát triển nhằm hỗ trợ việc khai báo y tế và truy vết các ca mắc COVID-19 đồng thời hạn chế đi du lịch nước ngoài nếu không có việc khẩn cấp.

Tại Trung Quốc, chính quyền thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây ngày 27/12 cũng đã siết chặt các biện pháp phòng dịch lên mức cao nhất nhằm kiểm soát đợt bùng phát dịch nghiêm trọng nhất trong 21 tháng qua tại nước này. Theo đó, không phương tiện nào được phép lưu thông trên đường trừ những xe phục vụ công tác kiểm soát dịch. Giới chức cảnh sát và y tế sẽ kiểm tra nghiêm ngặt các phương tiện lưu thông và những trường hợp vi phạm có thể bị bắt giam 10 ngày, cũng như phải nộp phạt 500 Nhân dân tệ (78 USD).

Biến thể Omicron đang thách thức các chiến lược chống dịch tại các quốc gia - Ảnh 1.

Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đang xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một trung tâm thể thao ở Thiên Tân, Trung Quốc ngày 21/11 - Ảnh: Reuters

Để đối phó với làn sóng dịch thứ tư đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương tại Đức đã siết chặt các quy định phòng dịch ngay sau dịp lễ Giáng sinh. Tại bang Mecklenburg-Vorpommern, từ 27/12, các rạp chiếu phim, nhà hát, viện bảo tàng, vườn thú, bể bơi và các trung tâm văn hóa, giải trí khác sẽ đóng cửa trên diện rộng. Còn ở bang Brandenburg, các cuộc gặp gỡ riêng tư giữa các hộ gia đình, dù trong nhà hay ngoài trời, cũng chỉ giới hạn tối đa 10 người đã tiêm chủng được tham dự, giới hạn này là 2 người nếu chưa tiêm chủng. Tại bang Baden-Württemberg, các nhà hàng sẽ đóng cửa từ 22h30 đến 5h00 hôm sau. Riêng đêm giao thừa, lệnh giới nghiêm sẽ bắt đầu sau 1 giờ sáng.

Tuy nhiên, tại Australia, nhà chức trách quyết định không áp đặt các biện pháp hạn chế mới dù nước này vừa ghi nhận ca tử vong đầu tiên liên quan đến biến thể Omicron. Nguyên nhân là vì tỷ lệ nhập viện do nhiễm biến thể này hiện không cao. Ca tử vong là một cụ ông khoảng 80 tuổi, đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19 nhưng có bệnh nền. Trong khi đó, Đặc khu hành chính Macau (Trung Quốc) ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, là một cư dân 23 tuổi. Người này khởi hành từ Mỹ hôm 23/12, quá cảnh Singapore và đến Macau hôm 25/12. Người này có kết quả xét nghiệm dương tính khi đến Macau và ngày 27/12 xuất hiện triệu chứng ho. Nhà chức trách y tế đã thực hiện giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này và phát hiện biến thể Omicron.

Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 53,2 triệu ca mắc và hơn 837.800 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 26/12 thông báo hơn 60 du thuyền thuộc diện phải giám sát, trong đó một số tàu bị từ chối cập cảng tại vùng biển Caribe, sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19. Theo đó, đầu tuần trước, 55 người trên du thuyền Odyssey of the Seas của Royal Caribbean đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ổ dịch này lây lan ra hành khách và các thủy thủ dù 95% người trên tàu đã tiêm vaccine. Du thuyền đã không được cập cảng vào các đảo Curacao và Arbua thuộc Caribbean, các điểm dừng cuối cùng trong lịch trình kéo dài 8 ngày, và đã phải quay lại cảng Fort Lauderdale, bang Florida (Mỹ) vào ngày 26/12. Một du thuyền khác mang tên Carnival Freedom cũng buộc phải quay đầu khi sắp đến đảo Bonaire.

Theo vtv.vn