Chủ nhật, 24/11/2024, 06:45[GMT+7]

5 trợ lý ảo nói tiếng Việt

Thứ 4, 05/01/2022 | 11:16:45
2,879 lượt xem
Google Asisstant, Vivi hay Maika đều hỗ trợ điều khiển, tìm kiếm thông tin bằng tiếng Việt nhưng khác biệt ở nền tảng ứng dụng.

Google Assistant 

Cách phản hồi tự nhiên trong một số ngữ cảnh là điểm mạnh của Google Assistant.

Google Assistant là một trong ba trợ lý ảo phổ biến nhất thế giới hiện nay bên cạnh Amazon Alexa và Siri. Điểm khác biệt là dịch vụ của Google hỗ trợ tiếng Việt, cũng như hỗ trợ nhiều nền tảng nhất, gồm smartphone, Smart TV chạy hệ điều hành Android, loa thông minh và Android Box. Từ năm 2021, Samsung cũng tích hợp Google Assistant vào các dòng TV mới vốn chạy TizenOS.

Lợi thế của Google Assistant là có kho dữ liệu lớn, người dùng có thể đặt câu hỏi tự nhiên, không cần đúng cấu trúc hoặc nói lẫn giọng ba miền vẫn có thể nhận diện khá chính xác. Do sử dụng được với các dịch vụ Google vốn cũng rất phổ biến, Google Assistant có thể ra lệnh điều khiển nhà thông minh, TV, tìm kiếm ảnh, email, tin nhắn.

Tuy nhiên, Google Home vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt trên hệ thống loa thông minh của hãng như Nest Mini, Nest Hub... Năm 2019, hãng từng có đợt thử nghiệm nhưng sau một năm lại cắt tùy chọn này.

Vivi

Vivi là trợ lý ảo được VinGroup phát triển ban đầu dành cho các mẫu xe điện thông minh của hãng. Người dùng có thể hỏi các thông tin cơ bản về thời tiết, tin tức và ra lệnh cho xe mở cốp, bật/tắt điều hòa và chỉnh nhiệt độ, quạt gió theo ý muốn. Hiện Vivi chỉ sử dụng được trên mẫu xe điện VF e34 mới bán ra với số lượng người dùng rất hạn chế.

Theo đại diện VinGroup, Vivi sẽ được nâng cấp để ứng dụng cả trong hệ thống nhà thông minh và các dải sản phẩm công nghệ khác của công ty. Giọng phản hồi của Vivi được đánh giá tự nhiên, dễ nghe, quen thuộc, có thể phản hồi đa dạng kiểu ra lệnh. Tuy nhiên, so với các dịch vụ khác, Vivi hạn chế về nền tảng, người sử dụng và cả các thiết bị hỗ trợ.

Kiki

Giống Vivi, Kiki được phát triển ban đầu hướng tới người sử dụng xe hơi, có thể hoạt động khi kết nối qua Android Auto hoặc Car Play. Được giới thiệu từ cuối 2020 nhưng tới nay, Kiki vẫn chưa có nhiều phần cứng riêng biệt hỗ trợ. Dịch vụ giúp tìm kiếm đường đi, phát nhạc, hỏi thông tin đơn giản nhưng không điều khiển được các tính năng của xe hay nhà thông minh.

Trợ lý ảo này gần đây được tích hợp trên một số màn hình thông minh của xe và được đánh giá nhận diện giọng nói tốt, đủ vùng miền. Giọng phản hồi dễ nghe, tự nhiên tương tự Maika và Vivi.

Maika


Trợ lý ảo Maika chỉ hoạt động trên loa thông minh Olli Maika.

Trợ lý ảo Maika do người Việt phát triển nhưng còn hạn chế khi mới chỉ có mặt trên mẫu loa của hãng là Olli Maika. Hệ thống có giọng phản hồi tiếng Việt tự nhiên, thân thiện, có thể đọc sách, truyện hoặc phát nhạc miễn phí từ một số nền tảng phổ biến tại Việt Nam. Maika nhận diện giọng nói tốt với cả ba miền. Điểm trừ là người dùng phải nói đúng cấu trúc thay vì văn nói tự nhiên như Google Assistant.

Maika cũng hỗ trợ liên kết, điều khiển nhà thông minh nhưng ít hỗ trợ các nền tảng phổ biến thế giới, mà thay bằng các nền tảng tại Việt Nam như Điện quang, Rạng Đông, Acis, Tuya, Vconnex, Hafele, Bkav Smarthome.... Việc phải sử dụng phần cứng do hãng cung cấp cũng là một trở ngại với trợ lỷ ảo Maika.

Trợ lý ảo của webOS

Trợ lý ảo trên webOS 6.0 đa năng nhưng giọng phản hồi kém tự nhiên.

LG là một trong những hãng đầu tiên phát triển trợ lý ảo hỗ trợ tìm kiếm bằng giọng nói tiếng Việt trên TV. Trên phiên bản mới nhất của webOS 6.0, dịch vụ cho phép điều khiển các tính năng của TV, điều khiển nhà thông minh ThinQ bên cạnh tìm kiếm nội dung đơn thuần. Trợ lý ảo của TV LG nhận diện giọng nói tốt nhưng phản hồi kém tự nhiên nhất trong số các trợ lý ảo nói tiếng Việt và liên kết ít dịch vụ.

Theo vnexpress.net