Thứ 4, 13/11/2024, 07:38[GMT+7]

Tiền Hải: Phát triển nuôi ngao giống

Thứ 3, 18/01/2022 | 08:09:42
2,726 lượt xem
Tại Tiền Hải, nhờ những giải pháp đột phá trong phát triển nuôi ngao giống đã từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Nông dân xã Nam Cường (Tiền Hải) cải tạo ao đầm nuôi ngao giống.

Thời gian qua, xã Nam Cường phối hợp với ngành chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi ngao giống cho bà con nông dân, từng bước mở rộng diện tích nuôi ngao theo hướng bền vững. Đến nay diện tích nuôi ngao giống đạt trên 34ha. Giá trị kinh tế hàng năm từ ngao giống khoảng trên 20 tỷ đồng. 

Ông Đào Văn Tính, thôn Chí Cường cho biết: Trước đây, xã Nam Cường cũng như các địa phương ven biển của huyện Tiền Hải đều phải nhập giống ngao từ Nam Định, Thanh Hóa, thường bị tư thương ép giá, chất lượng không bảo đảm. Do đó gia đình tôi đã đầu tư trên 300 triệu đồng để nuôi ngao giống trên diện tích 3ha nhằm cung cấp ngao giống cho bà con trên địa bàn huyện Tiền Hải. Để nuôi ngao giống thành công phải bảo đảm quy trình chăm sóc quản lý tốt như: giữ độ pH tốt cho ngao sinh trưởng, vùng nước sạch, nuôi với mật độ vừa phải. Mật độ thả giống thường là 100kg/1.000m2 với cỡ giống 5 vạn con 1kg. Nuôi ngao giống chi phí lớn, nhất là tiền đầu tư cải tạo ao, không mất chi phí thức ăn trong khi các điều kiện môi trường nước nuôi hoàn toàn chủ động điều tiết được.

Không chỉ có xã Nam Cường tiên phong phát triển ngao giống mà các địa phương như Nam Phú, Nam Thịnh, Đông Minh cũng đã quy vùng phát triển nuôi ngao giống bảo đảm cung cấp nguồn ngao giống tại địa phương cũng như các tỉnh lân cận. Xã Đông Minh có hơn 280 hộ nuôi ngao với tổng diện tích gần 450ha. Nghề nuôi ngao đã giúp người dân nơi đây có cuộc sống ổn định. Hiện nay, với diện tích nuôi ngao thương phẩm lớn, nuôi ngao giống đang là thế mạnh của các hộ dân nơi đây. 

Bà Phạm Thị Giang, xã Đông Minh cho biết: Nghề nuôi ngao cũng có nhiều thăng trầm, tuy nhiên hiện nay nuôi ngao đã phát triển ổn định trở lại, do đó nuôi ngao giống cũng phát triển tốt. Đối với nuôi ngao giống gần như không có dịch bệnh, tốn ít công chăm sóc, không cần cung cấp thức ăn hàng ngày như nuôi tôm, cua, cá, chỉ cần kiểm tra mật độ, môi trường của nước, thời gian thả ít hơn, thu hồi vốn nhanh hơn.

Nông dân Tiền Hải thu hoạch ngao giống.

Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải cho biết: Đến nay, diện tích nuôi ngao giống của Tiền Hải đạt khoảng 300ha. Để bảo đảm phát triển nuôi ngao giống bền vững, huyện tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình nuôi ngao giống với phương châm an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi ngao tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi ương. Chú trọng triển khai đầu tư xây dựng công trình hạ tầng vùng sản xuất và ương ngao giống tập trung. Khuyến khích nhân dân tận dụng diện tích mặt nước không nuôi trồng thủy sản hoặc nuôi trồng không có hiệu quả chuyển đổi sang nuôi ngao giống. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn, lao động, khoa học công nghệ để sản xuất ngao giống tại địa phương. Ngoài ra, huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, trong đó có diện tích nuôi ngao giống. Ngoài thuận lợi, người nuôi ngao ở Tiền Hải còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như biến đổi khí hậu; một số vùng nuôi với mật độ quá dày dẫn đến chất lượng ngao chưa bảo đảm; nghề nuôi ngao với quy mô hộ gia đình, tính liên kết trong sản xuất chưa cao... Hiện nay, sản phẩm ngao thương phẩm của huyện Tiền Hải chủ yếu xuất đi các tỉnh miền Nam và thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Sản phẩm nguyên con ngao được chế biến hút chân không của Công ty TNHH Nghêu Thái Bình đủ điều kiện xuất khẩu sang các nước EU nhưng cũng chỉ đáp ứng tiêu thụ một phần rất nhỏ so với tổng sản lượng ngao thương phẩm của huyện Tiền Hải.

Mạnh Thắng