Chủ nhật, 24/11/2024, 00:03[GMT+7]

Chuyện chưa kể nơi tuyến đầu

Thứ 2, 31/01/2022 | 10:05:41
403 lượt xem
Gần 2 năm liên tục chiến đấu với dịch Covid-19 là những ngày quên thứ bảy, chủ nhật, quên lễ, tết và làm quen với những bữa ăn vội, giấc ngủ chập chờn, thường xuyên phải đối mặt với áp lực, nguy cơ lây nhiễm… Thế nhưng, các bác sĩ, nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 luôn kiên cường, mạnh mẽ. Gác lại hạnh phúc riêng, vượt qua khó khăn, vất vả, họ thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực và tinh thần cao nhất, tất cả vì sức khỏe người bệnh.

Niềm vui của các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi sức khỏe bệnh nhân tiến triển tốt.

Hồi sinh sự sống cho những bệnh nhân nặng

“Bệnh nhân T.X.H diễn biến nặng” - nhận được thông báo, bác sĩ Bùi Thị Kim Phượng, Khoa Truyền nhiễm và các thành viên kíp điều trị Covid-19, Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhanh chóng đến buồng bệnh. Bệnh nhân đang trong tình trạng thở gắng sức, ho khạc đờm lẫn máu, thở oxy dòng cao bằng máy HFNC nhưng không đáp ứng, tình trạng viêm phổi nặng, phổi mờ. Bác sĩ Phượng cùng kíp điều trị nhanh chóng đặt nội khí quản, cho thở máy... Sau một thời gian nỗ lực của cả kíp, bệnh nhân tiến triển tốt, mọi người thở phào nhẹ nhõm. Những ngày sau bệnh nhân dần hồi phục, có thể tự ăn uống, đi lại. Bệnh nhân T.X.H xúc động chia sẻ: Tôi rất cảm ơn các bác sĩ, điều dưỡng viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tận tâm chăm sóc, cấp cứu, điều trị để tôi lại được khỏe mạnh như ngày hôm nay.

Hồi sức tích cực là tầng cao nhất giành giật sự sống cho người bệnh. Vì thế, những trường hợp như bệnh nhân T.X.H không phải hiếm. Bác sĩ Bùi Thị Kim Phượng chia sẻ: Gần 2 năm tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 nhưng từ tháng 11/2021 số lượng bệnh nhân nặng nhiều, lại kèm theo các bệnh nền nặng nên việc điều trị vất vả hơn. 14 ngày thực hiện điều trị đúng vào thời điểm dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc cao, kíp của chúng tôi tiếp nhận khoảng 90 bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền. Khi điều trị ở tầng cao nhất, nhiều bệnh nhân phải thở máy, không thể tự chủ được sinh hoạt nên các bác sĩ, nhân viên y tế phải theo dõi thường xuyên, đồng thời thay nhau chăm sóc từ ăn uống đến vệ sinh cá nhân. Trong 14 ngày, các bác sĩ, nhân viên y tế của kíp đã điều trị khỏi cho 60 bệnh nhân.

Trao quà cho bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Những “người thân” đặc biệt

Trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, cũng giống như kíp của bác sĩ Phượng là tiếp nhận bệnh nhân nặng nhưng kíp điều trị của bác sĩ Vũ Thị Sấu, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại gặp những trường hợp đặc biệt hơn, đó là cụ già 100 tuổi, nhiều bệnh nền, nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp phải thở oxy; một bệnh nhân cao tuổi khác bị lẫn, thường xuyên đi lang thang vào ban đêm hay những bệnh nhân bị mù lòa, điếc, khuyết tật không có người thân chăm sóc. Đa phần bệnh nhân không có người thân chăm sóc nên các bác sĩ, nhân viên y tế phải chăm sóc toàn diện, phục vụ ăn uống, sinh hoạt cá nhân. 

Bác sĩ Vũ Thị Sấu chia sẻ: Chứng kiến cảnh những bệnh nhân mù lòa, câm, điếc, tai biến liệt 10 năm lại thêm mắc Covid-19 rất thương, nhìn các cụ có lúc không cầm nổi nước mắt. Khổ nhất là cụ cao tuổi bị lẫn, đêm hôm hay đi lang thang, các bác sĩ, nhân viên y tế phải thay nhau túc trực, trông coi rồi nịnh cụ ăn để mong có sức chống lại bệnh tật. Bên cạnh đó có một số bệnh nhân rơi vào trạng thái lo lắng, hoang mang. Do đó, ngoài việc điều trị, thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, chúng tôi còn phải động viên, củng cố tinh thần cho bệnh nhân.

Khác với nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây cũng trải qua nhiều cảm xúc, vừa lo lắng vừa vui sướng khi thực hiện điều trị cho nhiều bệnh nhi nặng, có bệnh nền, bệnh nhi dưới 1 tuổi và có cả những bệnh nhi sinh đôi... 

Bác sĩ Nguyễn Tuyết Anh, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm chia sẻ: Các cháu điều trị Covid-19 ở đây đa dạng lứa tuổi, nhỏ nhất dưới 1 tuổi. Trường hợp nặng nhất bị sốt cao liên tục, các bác sĩ phải theo dõi sát sao, nếu không bệnh tiến triển rất nhanh, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Khi vào đây, có những gia đình có 5 người mắc Covid-19, hoàn cảnh rất thương tâm, mẹ diễn biến nặng phải chuyển điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, bố phải chăm sóc 3 đứa con, cháu nhỏ nhất mới 11 tháng tuổi nên chúng tôi phải thay nhau cho uống sữa, tắm rửa, thay bỉm tã... Bên cạnh đó cũng có những cháu 8 - 10 tuổi không có người thân chăm sóc.

So với người lớn, việc điều trị cho bệnh nhi có khó khăn, áp lực riêng, cần có những chăm sóc đặc biệt. Quá trình điều trị cho bệnh nhi phải kiên nhẫn, phải động viên các cháu nói và lắng nghe các cháu trả lời. Bên cạnh đó, nhiều cháu thường xuyên khóc vì nhớ nhà, vì sợ uống thuốc, sợ tiêm. Lúc này, các bác sĩ lại phải ân cần, nhẹ nhàng động viên các cháu, với những cháu nhỏ hơn nữa phải hỗ trợ tối đa. Thương bệnh nhi như con mình, các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Nhi Thái Bình luôn cố gắng hết sức để các cháu được chăm sóc, điều trị tốt nhất.

Gác lại hạnh phúc riêng

Ở mỗi tầng điều trị lại có những khó khăn riêng, nếu như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi Thái Bình là bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền thì ở tầng 1 và tầng 2 lại có đông bệnh nhân. Nguy cơ lây nhiễm cao, áp lực công việc rất lớn. Thế nhưng, dù khó khăn, vất vả đến đâu, các bác sĩ, nhân viên y tế đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, niềm vui lớn nhất với họ là bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện. 

Bác sĩ Vũ Thị Sấu chia sẻ thêm: Hàng trăm bác sĩ, nhân viên y tế tham gia điều trị Covid-19 ai cũng có những hoàn cảnh riêng. Ngay khi được huy động, các bác sĩ phải lập tức lên đường, có bác sĩ phải hoãn lại ngày ăn hỏi, có người mới cưới được 2 ngày, có người phải nhờ người thân chăm sóc mẹ già bị ốm và còn có cả những người không thể về chịu tang khi mẹ qua đời.

Cuộc chiến chống Covid-19 chưa biết bao giờ mới kết thúc nhưng họ vẫn luôn sẵn sàng bước vào cuộc chiến với bản lĩnh của người chiến sĩ áo trắng; tập trung dồn lực quyết tâm bảo vệ sức khỏe, giành lại sự sống, trở thành điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh, sự lạc quan và hy vọng cho mỗi bệnh nhân.

Như Cầu