Thứ 2, 25/11/2024, 10:31[GMT+7]

Tài năng nhí của làng chèo Khuốc

Thứ 3, 01/02/2022 | 18:54:15
8,244 lượt xem
Mê chèo, hát chèo từ khi chưa biết đọc, biết viết, Quách Hà Linh - thí sinh đạt giải ba cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình năm 2021 chinh phục ban giám khảo và khán giả bởi niềm đam mê với những làn điệu, trích đoạn chèo cổ. Cùng với 2 thí sinh khác, em được NSND Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đánh giá là “viên ngọc quý” của làng chèo, là thế hệ tiếp nối, bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Ít ai biết niềm đam mê ấy đã được gìn giữ, trao truyền qua 4 thế hệ trong một gia đình ở làng Khuốc, xã Phong Châu (Đông Hưng).

Quách Hà Linh thể hiện vai Thị Kính (áo nâu) cùng diễn viên nhí của làng chèo Khuốc.

Lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật chèo

Bố mẹ đều là nhạc công đi làm xa nhà nhiều năm nay, ở cùng ông bà nội, Hà Linh lớn lên trong lời ru là những làn điệu chèo cổ mượt mà, đằm thắm, trữ tình của mảnh đất quê hương - niềm tự hào của những người dân làng Khuốc. Ông bà đều sinh hoạt trong câu lạc bộ chèo của làng, bà lại là chủ nhiệm câu lạc bộ nên những ngày không đến lớp em theo ông bà tập chèo, hát chèo. Những lời ca, điệu múa từ lúc nào đã trở nên gần gũi như hơi thở đối với Hà Linh. Bà Phạm Thị Cậy - bà nội của Hà Linh trước đây là diễn viên đoàn chèo tỉnh Lai Châu nhưng vì đam mê với hồn chèo Khuốc nên năm 1984 bà đã trở về làng Khuốc để học những làn điệu chèo mượt mà. Hiện bà là chủ nhiệm câu lạc bộ chèo của làng, luôn nỗ lực với nhiều hoạt động truyền dạy chèo cổ. Bà kể, các nghệ nhân chỉ dạy bằng cách truyền khẩu và làm mẫu động tác cho mình bắt chước chứ không dạy xướng âm như bây giờ. Cùng một làn điệu, tiết tấu như nhau nhưng phong cách chèo Khuốc mộc mạc, giản dị, rộn rã và xao động hơn. Lối hát chèo Khuốc không đi sâu vào nhịp phách phức tạp, không nhả chữ theo lối khôn ngoan nhà nghề, không làm lẫn phụ âm. Có lẽ vì vậy mà khi đến với cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình, Hà Linh mang màu sắc rất riêng của sự mộc mạc trong từng lời ca, chinh phục ban giám khảo cùng khán giả bởi tố chất nghệ thuật thay vì những màn thể hiện hào nhoáng.

Nhận thấy niềm đam mê với nghệ thuật chèo của Hà Linh lớn dần theo năm tháng, ông bà cho em tham gia lớp truyền dạy bảo tồn nghệ thuật chèo làng Khuốc, nơi em cùng các bạn đồng trang lứa được các nghệ nhân truyền dạy về các làn điệu, tích chèo cổ. Năm này qua năm khác, cứ tới ba tháng hè và những ngày nghỉ, dịp cuối tuần, nhà thờ tổ chèo lại rộn ràng tiếng hát, điệu múa của những cô bé như Hà Linh. Bền bỉ từng ngày, qua lớp học, em hiểu được những sáng tạo nghệ thuật mà người dân làng Khuốc đã có từ bao đời nay, cũng từ đó mà hiểu tại sao từ sân khấu dân gian, chiếng chèo quê hương đã từng hiện diện trong chốn cung đình của các vương triều phong kiến... Đó cũng là lý do ở vòng bán kết của cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình, Hà Linh đã xuất sắc với màn thể hiện “Ván cờ tiên” - một trong những làn điệu độc đáo không đâu có được của quê mình.

Yêu thích những vai nữ chín trong chèo

Hồn nhiên, tinh nghịch, có phần cá tính nhưng càng hiểu nhiều về những tích chèo cổ, Hà Linh càng dành nhiều tình cảm cho những vai nữ chín trong chèo. Đó là thân phận những người phụ nữ thường chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh trong cuộc sống, tâm hồn chất chứa nhiều ưu tư, trăn trở nhưng luôn cao thượng, giàu lòng nhân ái, vị tha. Vì vậy, trong đêm chung kết, với vai diễn Thị Phương ở trích đoạn “Thảm trần tình” trong vở chèo cổ “Trương Viên”, em đã mang đến cho khán giả sự xúc động, nỗi xót xa khi diễn tả thành công người con dâu bằng lòng đánh đổi đôi mắt của mình để cứu mẹ chồng.

Chia sẻ về Hà Linh, bà Vũ Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên tỉnh, thành viên Ban tổ chức cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình chia sẻ: Khi Hà Linh bước chân ra sân khấu, NSND Thanh Ngoan trong vai trò thành viên Ban giám khảo đã phải thốt lên: “Nữ chín của làng chèo đây rồi”. Quả thực, từ khuôn mặt đến dáng vẻ của em đều rất phù hợp cho việc thể hiện những vai nữ chín bởi toát lên vẻ mộc mạc, dịu dàng cùng chất giọng ngọt ngào, truyền cảm. Không chỉ thể hiện xuất sắc vai diễn Thị Phương, Hà Linh còn chứng minh được tố chất với nghệ thuật chèo qua vai diễn Thị Kính trong vở “Quan Âm Thị Kính”, đó là một cô thôn nữ con nhà nghèo với tính cách hiền thục, đoan trang, vừa đẹp người vừa đẹp nết, điển hình của một nhân vật nữ chín trong chèo.

Cuộc thi tài năng nghệ thuật trẻ tỉnh Thái Bình khép lại nhưng mở ra với Hà Linh nhiều dự định cho bước đường nghệ thuật sắp tới. Nhưng trên tất cả, bảo tồn nghệ thuật truyền thống bằng con người là điều mà lớp lớp người dân làng Khuốc đang nỗ lực thực hiện. Và những tài năng nhí như Hà Linh, từ tình yêu, niềm tự hào về nghệ thuật truyền thống sẽ trở thành thế hệ tiếp nối.

Anh Tú