Thứ 5, 14/11/2024, 23:46[GMT+7]

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Chủ nhật, 20/02/2022 | 08:18:44
1,373 lượt xem
Cán bộ “dám nghĩ, dám làm” là những người không ngại khó, ngại khổ; dám thể hiện bản lĩnh, luôn trách nhiệm với công việc; dám “mở đường” ở những lĩnh vực mới, khó và sẵn sàng tìm giải pháp tạo đột phá, vì lợi ích của cơ quan, đơn vị, vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân...

Thực tế thời gian qua, bên cạnh việc xử lý nghiêm những cá nhân sai phạm, Đảng ta đồng thời luôn giữ vững quan điểm bảo vệ cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Vì thế, trong giai đoạn cách mạng nào cũng có những cán bộ, đảng viên có tầm nhìn vượt lên trước, cho dù “sóng gió” với họ không ít.

Ví như trong sự nghiệp đổi mới, đường dây 500KV Bắc - Nam được Chính phủ quyết chủ trương xây dựng năm 1992 nhưng đã gặp không ít rào cản, bởi nghi ngờ dự án thất bại, gây lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, lúc đó, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã dám đứng ra bảo lãnh, dám chịu trách nhiệm với câu nói: “Nếu đóng điện không thành công thì xin từ chức”. Rồi công trình lịch sử ấy đã phát huy hiệu quả và được chứng minh trên thực tiễn.

Nhưng chúng ta cũng thấy, tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, an phận thủ thường đang tồn tại ở trong không ít các cơ quan, tổ chức. Không ít nơi vẫn xuất hiện tình trạng công việc đình trệ mà người đứng đầu không dám quyết đáp. Cấp xã đùn đẩy công việc cho cấp huyện, cấp huyện đẩy cho cấp tỉnh, cấp tỉnh “kính chuyển” cấp Trung ương. Điển hình là ở đâu cũng thiếu vốn cho đầu tư xây dựng hạ tầng nhưng tình trạng giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương lại rất chậm. Ngoài lý do khách quan là hệ thống văn bản pháp lý còn bất cập, chồng chéo thì không thể phủ nhận rằng năng lực điều hành của một bộ phận cán bộ chưa tốt. Đã có việc một số bộ, ngành, địa phương trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công cho Chính phủ, cho thấy vẫn còn những cán bộ, đảng viên ngại khó, ngại khổ và không dám nghĩ, dám làm. Không chỉ vậy, trong nhiều trường hợp đã có không ít cán bộ chọn giải pháp an toàn là “xin ý kiến cấp trên” dù vấn đề hoàn toàn thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp mình. Ngay trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Hà Nội hiện nay cũng vẫn còn tình trạng trông chờ cấp trên đối với những việc thuộc thẩm quyền của mình, bao gồm cả việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, túi thuốc loại A-B...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” xác định, đó là những cán bộ, đảng viên “không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao”.

Để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành Kết luận số 14-KL/TƯ, ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng yêu cầu thực hiện tốt chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung.

Trước hết cần thống nhất quan điểm, với những cái mới, bao giờ cũng gặp lực cản từ lối tư duy bảo thủ trì trệ và sẽ có cả thành công, thất bại ngoài mong muốn. Vì vậy, các cấp ủy Đảng cần khuyến khích những nỗ lực sáng tạo, đổi mới của cán bộ, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm với động cơ trong sáng, thực sự vì dân. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt một phần mục tiêu hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân, đánh giá công tâm để có cách xử lý phù hợp; nếu thực hiện đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Đồng thời với đó là xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ: Nhân tài không phải là sản phẩm tự phát mà phải được phát hiện và bồi dưỡng công phu. Vì thế, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp có phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có khả năng sáng tạo, quyết liệt, đột phá mạnh mẽ trong suy nghĩ và hành động. Muốn vậy, phải bắt đầu từ khâu phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch và đề bạt bổ nhiệm theo hướng trọng dụng nhân tài. Duy trì chế độ định kỳ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt để phân loại, đánh giá đúng, làm căn cứ thực hiện chiến lược cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ cán bộ “an phận thủ thường”, giữ mình, “tư duy nhiệm kỳ”, không dám nghĩ, không dám làm, sợ trách nhiệm.

Cuối cùng, cần định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm có hiệu quả; đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng và ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.

Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đi liền với dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động và dám hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng là những phẩm chất cần và đủ, đồng thời là một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên ở nước ta hiện nay và giai đoạn sắp tới.

Theo: hanoimoi.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày