Thứ 7, 23/11/2024, 17:53[GMT+7]

Phát triển nghề chế biến thủy hải sản tại Nam Thịnh

Thứ 5, 10/03/2022 | 16:51:27
1,713 lượt xem
Tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên mà biển khơi ban tặng, nhiều gia đình hội viên, phụ nữ tại xã Nam Thịnh đã gắn bó và phát triển nghề chế biến thủy hải sản, mang lại nguồn thu nhập cao và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Lực lượng tham gia chế biến thủy hải sản chủ yếu là phụ nữ.

Gia đình chị Đặng Thị Minh, thôn Quang Thịnh là một trong số những hộ làm nghề chế biến thủy hải sản lớn nhất nhì tại Cảng cá Nam Thịnh. Gắn bó với nghề được gần chục năm, thời gian chưa hẳn nhiều, nhưng quy mô sản xuất của gia đình lại khá lớn. Gia đình chị Minh đã đầu tư đồng bộ từ cơ sở sản xuất, máy móc sơ chế, chế biến và Kho cấp đông hải sản thành phẩm.

Theo chia sẻ của chị Minh, gia đình đã hợp đồng với chủ tàu thuyền để cung cấp hàng thường xuyên. Hải sản vào bờ được thu mua luôn, hàng tươi ngon nên chất lượng sản phẩm sau chế biến cũng cao. Các sản phẩm sơ chế của gia đình chủ yếu là chả cá, chả tôm, chả mực và tôm bóc nõn. Những năm trở lại đây, người tiêu dùng rất ưa chuộng các sản phẩm hải sản đã qua chế biến bởi nó giữ được hương vị, độ ngọt, dễ vận chuyển, bảo quản và dễ sử dụng. Vì vậy sản lượng sản xuất và tiêu dùng hàng tháng cũng khá nhiều. Mỗi tháng cơ sở của gia đình cung cấp thị trường trên 1 tấn hải sản sơ chế.

Hải sản sau khi sơ chế được đóng hộp, cấp đông.

Cùng với chị Minh, ở Nam Thịnh còn có 40 gia đình hội viên, phụ nữ khác làm nghề chế biến thủy hải sản với nhiều quy mô khác nhau. 

Bà Đào Thị Duyên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nam Thịnh cho biết: Lợi thế để phát triển nghề chế biến thủy hải sản ở Nam Thịnh đó là nguồn cung nguyên liệu khá dồi dào, chất lượng cao. Các mặt hàng hải sản được chế biến cũng khá đa dạng như chả tôm, chả mực, chả cá, tôm , bề bề bóc nõn, cá thu một nắng…Xác định đây là một trong những ngành nghề chủ lực tại địa phương, những năm qua, Hội Phụ nữ xã Nam Thịnh tạo điều kiện hội viên được tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư sản xuất; kết hợp với các đoàn thể địa phương tổ chức tham quan, học tập các mô hình phát triển nghề thủy hải sản trong và ngoài huyện; khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề chế biến thủy hải sản duy trì, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thủ công, đến nay nhiều chị em đã mạnh dạn làm ăn lớn; đã chú trọng đầu tư mẫu mã, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm và liên kết,mở rộng thị trường tiêu, thúc đẩy nghề chế biến hải sản của địa phương phát triển. Địa phương cũng đề ra nhiều giải pháp để phát triển nghề chế biến thủy hải sản trong tương lai. Trong đó chú trọng tới việc quảng bá thương hiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP cho các sản phẩm hải sản đã được sơ chế.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều ngành nghề phải tạm dừng sản xuất kinh doanh thì các cơ sở chế biến thủy hải sản của hội viên phụ nữ xã Nam Thịnh vẫn hoạt động ổn định. Những chuyến tàu chở đầy ắp cá tôm vẫn thường xuyên cập bến Cảng cá Nam Thịnh. Một không khí lao động nhộn nhịp giúp người dân nơi đây vơi bớt đi nỗi lo dịch bệnh để đón bình minh tươi vui mỗi ngày nơi cửa biển.

Hồng Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày