Thứ 2, 18/11/2024, 14:50[GMT+7]

Thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi

Thứ 6, 18/03/2022 | 15:52:35
6,812 lượt xem
Sáng ngày 18/3, đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Tại điểm cầu Thái Bình, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố dự hội nghị.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các huyện, thành phố dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Thời gian qua, tăng trưởng đàn lợn của cả nước có sự biến động mạnh về tổng đàn và sản lượng sản xuất, trong đó: tổng đàn lợn cao nhất vào năm 2016 đạt 29,1 triệu con; sau đó, do có khủng hoảng thừa, tổng đàn lợn giảm xuống vào năm 2017 còn 27,4 triệu con; năm 2019, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn giảm còn 19,6 triệu con; năm 2021 phục hồi trở lại đạt 28 triệu con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2021 đạt 3,9 triệu tấn. Từ đầu năm 2021 đến nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng có nhiều biến động, hiện giá lợn hơi từ 50.000 – 53.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chăn nuôi đang chuyển dịch từ quy mô nhỏ sang quy mô hớn hơn, tăng phát triển các mô hình trang trại, tập trung và hình thành các chuỗi giá trị chăn nuôi.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá hiện trạng, thời cơ, thách thức của ngành chăn nuôi lợn; trong đó, việc tăng giá kỷ lục giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của thị trường quốc tế đã gây khó khăn và thách thức lớn cho ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng; lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định, chủ trương chăn nuôi thời gian tới hướng tới chất lượng và giá trị gia tăng hơn là số lượng; chăn nuôi lợn sẽ phát triển công nghiệp năng suất cao, sản lượng lớn đồng thời khuyến khích hộ chăn nuôi truyền thống theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ, phát triển chăn nuôi các giống bản địa có giá trị cao… Tổng đàn lợn đến năm 2030 quy trì ổn định khoảng 30 triệu con. Để phát triển chăn nuôi lợn bền vững, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai rà soát quy mô đàn lợn, đánh giá chất lượng, năng suất đàn lợn nái tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để tổ chức sản xuất phù hợp; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Tiếp tục công tác kiểm soát dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, chỉ đạo triển khai áp dụng rộng rãi mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chỉ đạo xây dựng ngành hàng thịt lợn theo các chuỗi liên kết, phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam có 10 – 12 chuỗi sản xuất liên kết lớn; tăng cường chuyển đổi số trong ngành chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng.

Ngân Huyền