Thứ 7, 23/11/2024, 19:19[GMT+7]

Bác đã về và ở mãi với Đông Lâm

Thứ 2, 21/03/2022 | 16:16:19
2,388 lượt xem
60 năm đã qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải (26/3/1962). Trong 60 năm ấy, nhiều nỗi niềm canh cánh nhớ Bác khôn nguôi. Và hôm nay, khi công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh dần hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhiều tiếng reo vui chan chứa khắp xóm làng.

Bà Phan Thị Chè bồi hồi xem lại những tấm ảnh cũ.

Sau nhiều năm gặp lại, tôi thấy vui khi bà Phan Thị Chè, thôn Thanh Tây, xã Đông Lâm - một nhân chứng sống của lịch sử 60 năm trước vẫn nhanh nhẹn rảo bước. Ở tuổi 82, bà Chè vẫn nói chuyện rổn rảng. Chỉ là có đôi khi, những cảm xúc rất đỗi thiêng liêng một thời dạt dào không kìm nén nổi, khiến câu chuyện của bà lại quýnh quáng, cứ nhắc đi nhắc lại như muốn kể mãi không thôi. Nhớ lại ngày 26/3/1962, sau khi về thăm Nam Cường, Bác Hồ đã đến Đông Lâm. Tại đây, Bác đã trao Huy hiệu cho 14 chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến có thành tích nổi bật trong toàn tỉnh, trong đó có 2 người của xã Đông Lâm, bà Chè là người đầu tiên được nhận Huy hiệu của Người.

Ngắm nghía công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được hoàn thiện, tận tay sờ từng tấm ảnh đã nhuốm màu thời gian, nhìn những nét mặt thân thương của người dân Đông Lâm một thời, bà Chè không dấu nổi cảm xúc: Năm ấy Bác về, tôi mới kết nạp Đảng. Gặp Bác rồi mà cứ ngỡ như mơ. Bác dặn phải cố gắng phấn đấu để xây dựng Đông Lâm trở thành xã gương mẫu về mọi mặt. Từ đó đến nay tôi vẫn canh cánh một niềm thương nhớ Bác. Nay có đền thờ rồi, Bác đã về và ở với Đông Lâm đời đời, mãi mãi. Mỗi lần ra đây, tôi sẽ như thấy Bác vẫn luôn ở đây, luôn dõi theo người Đông Lâm mỗi ngày.

Công trình Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công từ tháng 6/2018, nằm trong một quần thể các kiến trúc bao gồm cả đình làng Nho Lâm, chùa Phúc Lâm với diện tích 1,72 ha. Đền thờ được thiết kế theo ý tưởng đình làng với mái cong truyền thống của đồng bằng sông Hồng. Công trình gồm các hạng mục chính: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (đền chính) thiết kế theo hình chữ Đinh với kết cấu nhà khung bê tông cốt thép, các họa tiết theo kiến trúc cổ được gia công, lắp dựng. Hai bên đền chính là nhà tả vu, hữu vu được xây dựng theo hình chữ Nhất. Các chi tiết như bậc đá, chiếu rồng, nội thất đồ thờ theo phong cách cổ truyền. Phía trước là sân hành lễ, hồ bán nguyệt, sân nội bộ, cổng tam quan, hồ cảnh quan... Cổng chính gồm 4 trụ, 2 trụ lớn ở giữa và 2 trụ nhỏ ở hai bên được thiết kế theo lối tứ trụ truyền thống của các ngôi đền Việt Nam. Toàn bộ ngôi đền nhìn xa như một bông hoa sen đang nở. Cánh sen là các mái đao vươn dần lên cao. 

Ông Phạm Đình Niệm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Đông Lâm nheo mắt ngắm những mái đao vút lên khoảng trời đầy nắng, kéo sợi dây cùng tổ thợ căn lại lối trồng hoa xung quanh hồ bán nguyệt phía trước sân đền. Những người cao tuổi như ông Niệm được coi như một kho tư liệu quý để các tổ thợ tham khảo, điều chỉnh các chi tiết cho phù hợp với kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Ông chia sẻ, người Đông Lâm nói chung và bản thân ông nói riêng luôn nhất tâm xây dựng đền thờ Bác. Đây là tấm lòng của người dân địa phương thành kính, tri ân vị Cha già kính yêu của dân tộc cũng như các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Gia đình ông Niệm đã đóng góp 5,5 triệu đồng vào nguồn xã hội hóa để xây đền.  

Khu vực đền chính đang được hoàn thiện.

Ông Trần Văn Ơn, Bí thư Đảng ủy xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải cho biết: Đối với địa phương thì việc xây dựng công trình đền thờ với kinh phí hơn 40 tỷ đồng là một khó khăn rất lớn. Nhưng vượt lên trên khó khăn ấy, Đông Lâm có truyền thống đoàn kết, anh dũng, cần cù, sáng tạo trong đấu tranh cách mạng cũng như xây dựng và phát triển quê hương. Người Đông Lâm còn có niềm tự hào về một vùng quê từng được đón Bác Hồ về thăm. Chính vì vậy khi có chủ trương xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đông Lâm đã nhận được sự đồng thuận cao, trước hết là của người dân trên địa bàn. Sau là sự ủng hộ nhiệt tình của người Đông Lâm trên mọi miền Tổ quốc. Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn, không chỉ là nơi tưởng nhớ các bậc tiền nhân, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau, mà sẽ còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương, là điểm đến mới của du khách thập phương.

Khắc ghi lời Bác dạy, xây dựng Đông Lâm trở thành xã gương mẫu trong huyện, trong tỉnh, cán bộ và nhân dân địa phương đã nỗ lực không ngừng, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Năm 2014, Đông Lâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng giá trị sản xuất của Đông Lâm vẫn đạt 350 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng. Cùng với xã Tây Giang, Đông Lâm là 1 trong 2 xã đầu tiên của huyện Tiền Hải thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao. Văn hóa, xã hội ngày càng phát triển, đời sống tinh thần của người dân ngày càng đa dạng, phong phú. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đông Lâm luôn hoàn thành các chỉ tiêu giao quân.

Đồng chí Hoàng Văn Túy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Tiền Hải đánh giá những thành tựu mà Đông Lâm đạt được hôm nay, trước hết là ở vai trò quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm đã tạo ra sự đồng thuận rất lớn trong nhân dân. Điều này đã làm cho những chương trình, kế hoạch, phong trào thi đua của Đông Lâm đều đi đầu, tiên phong và đạt được những kết quả cao.

Chia tay Đông Lâm giữa những ngày tháng 3 rực rỡ. Rực rỡ bởi cờ hoa chuẩn bị cho ngày hội lớn. Rực rỡ bởi màu áo thắm tươi của các chị, các em đang luyện tập điệu dân vũ trên nền bài hát ca ngợi Đảng quang vinh. Rực rỡ bởi lòng người Đông Lâm đang hân hoan, dạt dào cảm xúc, thắm đượm nghĩa tình. Và trong gió xuân ấm áp, nghe như có tiếng reo vui vang vọng. Bác đã về và ở mãi với Đông Lâm!

Đỗ Hà

(Đài TTTH Tiền Hải)