Thứ 4, 13/11/2024, 06:40[GMT+7]

Biến rác thành phân bón

Thứ 4, 23/03/2022 | 09:45:37
1,108 lượt xem
Để giải bài toán rác thải nông thôn hiện nay, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt đã nghiên cứu, chế tạo thành công công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt mang tên TTD01, được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền sáng chế.

Gia đình bà Văn Thị Nga, xã Hồng Lý (Vũ Thư) sử dụng phân bón hữu cơ TĐ17 - TĐ18 mang lại hiệu quả cao.

Đây là công nghệ đã được ứng dụng thực tế trong đầu tư tại nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2016 với tổng vốn đầu tư 29 tỷ đồng, công suất 50 tấn/ngày, xử lý rác thải cho 16 xã, thị trấn của huyện Quỳnh Phụ. Sau hơn 5 năm vận hành, hoạt động của nhà máy đã chứng minh công nghệ có tính ưu việt. Tất cả các quy trình gồm phân loại rác, xử lý rác, sản xuất thành phẩm, xử lý nước thải, đốt rác đều vận hành tốt và cho kết quả cao. Hơn nữa, vật tư thay thế đơn giản, thuận tiện, không phải chờ đợi linh kiện từ nước ngoài. Nhà máy chỉ cần diện tích 2ha, bằng diện tích một 1 lò đốt là đã xử lý triệt để 50 tấn rác trong ngày. 

Ông Đỗ Chí Lệ, Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay Công ty đang triển khai đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đơn vị tại Bắc Giang, Đắk Nông và các nhà đầu tư khác từ nhiều tỉnh đến đặt hàng chuyển giao công nghệ. Bởi công nghệ có các ưu điểm xử lý triệt để không chôn lấp phù hợp với rác thải tại Việt Nam so với các công nghệ hiện có trong toàn quốc. Với giá thành hợp lý, đơn giản trong vận hành, tiết kiệm đất, dễ sửa chữa, rác được phân loại và xử lý triệt để không chôn lấp 100%, không gây ô nhiễm môi trường, 85% rác thải thành hàng hóa, phân hữu cơ, hạt nhựa. Công suất từ 50 - 500 tấn/ngày, phù hợp với các huyện, thành phố.

Rác thải sau phân loại rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải rắn, qua hệ thống, rác hữu cơ được xử lý thành phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao phục vụ nông nghiệp mang thương hiệu TĐ17 - TĐ18. Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Vũ Khắc Bằng, xã Tân Hòa (Vũ Thư) là mô hình điểm sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ tại Thái Bình hiện nay. Tích tụ 8ha đất cấy lúa kém hiệu quả của hàng trăm hộ dân trong xã, ông Bằng đã chuyển đổi trồng các loại cây ăn quả như cam, bưởi, ổi lê. Nhìn vườn cây ăn quả đã vào giai đoạn cho thu hoạch, ít ai tưởng tượng được những ngày đầu khó khăn cách đây hơn 6 năm khi ông bắt tay vào làm. Khi đó ruộng hoang, xa khu dân cư, đất đai khô cằn, chua phèn... Làm thế nào để cải tạo đất luôn là câu hỏi thường trực đối với người nông dân này. 2 năm nay, việc sử dụng phân bón hữu cơ TĐ17 - TĐ18 do Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt cung cấp, tăng vi sinh vật cải tạo đất là lựa chọn phù hợp của ông. Ông Bằng chia sẻ: Việc sử dụng phân bón hữu cơ TĐ17 - TĐ18 giúp cải tạo đất tốt, cây trồng khỏe, ít sâu bệnh, năng suất cao.

Tại Thái Bình hiện nay, những mô hình sản xuất nông nghiệp gồm trồng cây ăn quả, rau màu, cấy lúa bền vững theo hướng hữu cơ như ông Bằng đã xuất hiện nhiều hơn. Vườn cây ăn quả của gia đình bà Văn Thị Nga trên diện tích hơn 3ha tại khu vực đất bãi xã Hồng Lý (Vũ Thư) hay mô hình rau sạch hữu cơ của các hộ dân của Hợp tác xã Vũ Hồng xã Hồng Phong (Vũ Thư)... là ví dụ. Những mô hình này đều có điểm chung là sử dụng phân bón hữu cơ TĐ17 - TĐ18 giúp tăng độ phì nhiêu cho đất, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cho sản phẩm nông nghiệp an toàn và có giá trị kinh tế cao. Bà Nga chia sẻ: Sau 2 vụ sử dụng phân bón hữu cơ TĐ17 - TĐ18 bón cho vườn bưởi, ổi, cam canh, tôi thấy các loại quả này ngọt hơn, ít sâu bệnh, ra trái to đều, vì vậy gia đình tôi sẽ tiếp tục lựa chọn sử dụng loại phân bón này cho các loại cây trồng trong thời gian tới.

Với những thành công đó, Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt tiếp tục nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống lò đốt rác thải công nghệ cao nhằm phát huy hiệu quả hơn nữa trong quá trình xử lý chất thải sinh hoạt. Giải pháp này đã vinh dự đạt giải nhất hội thi sáng tạo khoa học công nghệ và kỹ thuật lần thứ IX năm 2020 - 2021 tỉnh Thái Bình.

Minh Nguyệt