Thứ 4, 13/11/2024, 07:03[GMT+7]

Phát triển chăn nuôi lợn bền vững

Thứ 4, 30/03/2022 | 08:38:50
6,699 lượt xem
Chăn nuôi lợn là một trong những thế mạnh của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp về quy mô, giá trị và sản lượng. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, do tình hình giá cả thức ăn liên tục tăng cao, giá sản phẩm đầu ra nhiều thời điểm xuống quá thấp đã ảnh hưởng lớn đến phát triển đàn lợn của tỉnh. Phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa, mang tính bền vững là vấn đề cấp thiết trong thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.

Áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP giúp đàn lợn của gia đình ông Nguyễn Xuân Ban, xã Đông Trung (Tiền Hải) phát triển ổn định.

Trong những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi đã tích cực đầu tư xây dựng chuồng trại, áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào chăn nuôi, đưa con giống chất lượng cao, thức ăn công nghiệp... vào sản xuất nên sản lượng lợn thịt cung cấp cho thị trường duy trì ổn định. Ông Nguyễn Xuân Ban, xã Đông Trung (Tiền Hải) cho biết: Mặc dù quy mô chăn nuôi của gia đình tôi gần 400 con lợn nhưng từ nhiều năm nay tôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAHP. Sau khi cải tạo chuồng nuôi tách biệt với môi trường bên ngoài, xây dựng các hố sát trùng, bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tôi mới tiến hành thả con giống. Lợn giống do gia đình tôi gây nuôi, bảo đảm an toàn dịch bệnh, không nhập giống lợn trôi nổi. Với quy trình này cùng việc hạn chế người ra vào chuồng trại, nhiều năm chăn nuôi lợn, gia đình tôi không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm, chất lượng lợn giống, lợn thịt ổn định.

Trước năm 2019, tổng đàn lợn của tỉnh luôn đạt trên dưới 1 triệu con, xếp thứ 4 toàn quốc. Tuy nhiên, do bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 trên diện rộng, kéo dài, có đến trên 50% đàn nái của tỉnh bị tiêu hủy (chưa tính việc giảm đàn để phòng dịch, hạn chế rủi ro) và tiếp tục tái phát tại một số ổ dịch vào các năm 2020, 2021. Ngay đầu năm 2022, từ ngày 1 - 5/1, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại xã Hồng Lý (Vũ Thư) với số lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy 34 con. Bệnh hiện vẫn chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị đã gây nhiều khó khăn trong công tác tái đàn, chăn nuôi.

Đến tháng 3/2022, tổng đàn lợn toàn tỉnh ước đạt 690.000 con tăng 0,25% so với cùng kỳ năm 2021 (đàn lợn nái ước khoảng 85.000 con). Hàng năm, nhu cầu lượng thức ăn chăn nuôi toàn tỉnh ước khoảng 750.000 - 780.000 tấn, trong đó thức ăn công nghiệp trên 600.000 tấn. Trong khi trên địa tỉnh Thái Bình hiện có một đơn vị sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm đáp ứng khoảng 20 - 22% nhu cầu, còn lại chủ yếu được cung cấp từ những đơn vị sản xuất ngoài tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu liên tục tăng. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, giá sản phẩm thức ăn chăn nuôi tăng trên 10 lần, riêng đầu năm 2022 đến nay đã 2 lần tăng và chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi chi phí thức ăn chiếm từ 65 - 70% giá thành sản xuất làm cho lợi nhuận người chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi đang phải bù lỗ từ 7.000 - 10.000 đồng/kg thịt lợn hơi.

Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Tiếp tục xác định lợn là vật nuôi chủ lực của tỉnh trong cơ cấu lại ngành chăn nuôi thời gian tới, đồng thời đưa nhóm sản phẩm gồm: thịt lợn hơi xuất chuồng, thịt lợn mảnh, thịt lợn qua sơ chế tham gia vào sản phẩm chủ lực quốc gia, ngành nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên cơ sở bám sát chiến lược phát triển chăn nuôi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó duy trì ổn định đàn lợn khoảng 1 - 1,1 triệu con, phấn đấu sản lượng thịt lợn hơi đến năm 2030 đạt trên 277.000 tấn. 

Định hướng phát triển vùng sản xuất chăn nuôi lợn ngoại trọng điểm tại các huyện Quỳnh Phụ, Hưng Hà, Vũ Thư, Đông Hưng, Thái Thụy và các huyện có điều kiện thuận lợi; hình thành vùng/xã sản xuất lợn sữa xuất khẩu tại các huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng. Tăng cường hiệu quả của việc áp dụng các nhóm giải pháp kỹ thuật như: chuyển đổi cơ cấu giống; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong chăn nuôi; đặc biệt chú trọng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh (tiêm phòng, khử trùng tiêu độc, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật...). 

Đổi mới tổ chức sản xuất chăn nuôi, tăng tỷ lệ trang trại quy mô vừa quy mô lớn đến 40%; áp dụng chăn nuôi công nghiệp, khép kín, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học, VietGAHP, an toàn thực phẩm, bảo đảm sản phẩm thịt lợn Thái Bình đủ điều kiện của sản phẩm quốc gia và hướng tới xuất khẩu; mở rộng cơ sở an toàn dịch bệnh, sản xuất chăn nuôi có liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gắn với từng sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Chú trọng củng cố và phát triển mô hình HTX kiểu mới trong lĩnh vực chăn nuôi làm cầu nối giữa các nông hộ, trang trại với các doanh nghiệp lớn và thị trường. Đồng thời mở rộng chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi hướng hữu cơ, tuần hoàn phù hợp nhu cầu thị trường; thực hiện chuyên môn hóa ngay từ nông hộ và hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị.


Ngân Huyền