Thứ 7, 23/11/2024, 18:08[GMT+7]

Chuyển đổi số - bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội Kỳ 1: Xây dựng chính quyền số từ nền tảng chính quyền điện tử

Thứ 2, 04/04/2022 | 08:33:24
4,945 lượt xem
Ngày 19/11/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 17/3/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND phê duyệt đề án chuyển đổi số tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Các nghị quyết, quyết định hướng đến mục tiêu tạo đột phá phát triển, đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, đưa Thái Bình bắt kịp, đi cùng, vượt lên phát triển kinh tế - xã hội.

Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm các thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Chuyển đổi số là một nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mở ra cơ hội bứt phá phát triển nhanh và bền vững cho mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi địa phương. Chuyển đổi số được xác định với 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Chính quyền số là trụ cột ưu tiên hàng đầu đã được tỉnh ta khởi động từ nền tảng chính quyền điện tử gần 10 năm qua.

Chuyển đổi số, từ tổ chức đến cá nhân đều được hưởng lợi

Chị Nguyễn Thị Hường, phụ trách công tác xuất nhập khẩu Công ty TNHH Dệt Meina Meina (khu công nghiệp Phúc Khánh, thành phố Thái Bình) cho biết: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng vải dệt xuất khẩu sang Nhật Bản; hàng tuần đều có sản phẩm xuất khẩu theo lịch hẹn. Trước khi xuất hàng, các sản phẩm của Công ty phải có các thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Sở Công Thương cấp, do vậy việc hoàn thiện các thủ tục trong thời gian nhanh nhất luôn được Công ty lưu tâm. Từ khi có bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, việc tiếp nhận và trả kết quả rất thuận lợi. 

Nếu như trước đây việc nộp hồ sơ phải có lịch hẹn, hồ sơ có sai sót, cần sửa chữa, bổ sung thì cán bộ phụ trách phải đi lại rất nhiều lần, thường mất thời gian chờ đợi, thêm nữa việc đi lại nhiều dễ dẫn đến giấy tờ bị thất lạc, lẫn lộn thì nay với sự giảm bớt các thủ tục hành chính, quy trình tiếp nhận hồ sơ nhanh gọn, phần nhiều thủ tục trả trong ngày. Đặc biệt hơn nữa là từ năm 2018 đến nay, với hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thủ tục hành chính được thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến, cán bộ phụ trách lĩnh vực này không mất thời gian đi lại, chỉ cần hoàn thiện hồ sơ trên máy tính, chuyển qua cổng dịch vụ công, mọi việc tiếp nhận hồ sơ, trả lời kết quả đều công khai, minh bạch, rất thuận lợi cho doanh nghiệp, hoàn toàn chấm dứt tình trạng phiền hà khi giải quyết thủ tục hành chính như trước kia.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến giao dịch tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và các huyện, thành phố sẽ ngày càng thấy nhanh gọn và thuận lợi hơn bởi hiện nay tất cả các thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực đều đã được niêm yết công khai tại chỗ và được đăng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh tại địa chỉ http://dichvucong.thaibinh.gov.vn, rất dễ dàng tìm hiểu để phục vụ cho giao dịch. Trong 1.773 thủ tục hành chính mà tỉnh đang thực hiện, với 100% thủ tục được thực hiện trực tuyến, trong đó dịch vụ công mức độ 3 là 1.340 thủ tục (chiếm 75,58%); mức độ 4 là 825 thủ tục (chiếm 46,53%) thì nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sẽ chỉ cần ngồi nhà với thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh vẫn có thể hoàn thành giao dịch. 

Người dân giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Quỳnh Phụ.

Tình trạng phải đi đi lại lại để giải quyết các thủ tục hành chính như những năm trước đã được cải thiện đáng kể. Có được kết quả này nhờ hiện nay 100% trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh và huyện, thành phố sử dụng chung phần mềm hành chính công điện tử trong hoạt động quản lý, giải quyết thủ tục hành chính và tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến từ năm 2018. Từ khi đưa cổng dịch vụ công đi vào hoạt động đã có hơn 4,4 triệu lượt truy cập, trung bình mỗi ngày hiện nay có khoảng 5.000 lượt truy cập để tìm hiểu về thủ tục hành chính và tiến hành giao dịch trực tuyến. Riêng năm 2021, các trung tâm của tỉnh và huyện đã xử lý 187.333 hồ sơ, số hồ sơ tiếp nhận của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 85.517 hồ sơ, qua đó nâng số lượng hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn 173.475 hồ sơ, đạt 92,61%.

Đầu tư hạ tầng đồng bộ phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số

Nếu như chính phủ điện tử là chính phủ tin học hóa quy trình đã có, cung cấp trực tuyến các dịch vụ hành chính công đã có thì chính phủ số là chính phủ chuyển đổi số, đổi mới mô hình hoạt động, thay đổi quy trình làm việc, thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, nhanh chóng cung cấp dịch vụ công mới. Để đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, những năm qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ cải cách hành chính, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính quyền điện tử, xây dựng đô thị thông minh tỉnh Thái Bình.

Ông Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để hiện thực hóa việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từ năm 2014 đến nay hạ tầng viễn thông và CNTT đã được tỉnh đầu tư xây dựng đồng bộ, sóng di động, mạng internet băng rộng cáp quang đã phủ 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cơ bản được đầu tư với 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ, kết nối mạng diện rộng của tỉnh và kết nối internet tốc độ cao; tỷ lệ trung bình máy tính/cán bộ, công chức đạt 100%... Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng dùng chung của tỉnh, hạ tầng các cơ quan đơn vị cũng như tích hợp các cơ sở dữ liệu đưa vào hoạt động. 4 hệ thống và phần mềm tích hợp là: Cổng thông tin điện tử tỉnh (http://thaibinh.gov.vn), Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (http://dichvucong.thaibinh.gov.vn), Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh (http://csdl.thaibinh.gov.vn), Mạng văn phòng điện tử liên thông (http://mvp.thaibinh.gov.vn) đã được  hoàn thiện và đưa vào sử dụng, được kết nối với nhau, kết nối với hệ thống quốc gia và các bộ, ngành đem lại nhiều tiện ích cho các tổ chức và mỗi người dân khi cần khai thác và sử dụng.

Hiện nay, cả 4 hệ thống và phần mềm dùng chung của tỉnh đang được khai thác và sử dụng tốt không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin, giải quyết thủ tục hành chính của nhân dân mà còn phục vụ đắc lực các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với cổng dịch vụ công trực tuyến là nơi thực hiện chức năng một cửa trên môi trường mạng thì phần mềm Mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh đang hỗ trợ tích cực cho công tác quản lý văn bản và hỗ trợ điều hành của các cấp, ngành trên môi trường mạng hiện đã triển khai tới 763 cơ quan nhà nước các cấp, đạt tỷ lệ 100%; hoàn thành kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cấp, ngành... hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt tỷ lệ 98%. Tỷ lệ cơ quan thực hiện kết nối, liên thông từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã đạt 100%. Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh cũng đã được xây dựng và hoàn thiện với 12 cơ sở dữ liệu đã đưa vào hoạt động và 8 cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang hoàn thiện để đưa vào hoạt động trong giai đoạn tới. Cổng thông tin điện tử của tỉnh mỗi ngày có hơn 10.000 lượt truy cập tìm hiểu thông tin các lĩnh vực, cơ chế, chính sách liên quan đến Thái Bình.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực thiết yếu của tỉnh như an ninh trật tự, y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp... cũng được ứng dụng CNTT sâu rộng. Cụ thể, ứng dụng CNTT trong tổ chức hội nghị trực tuyến tại các cấp, ngành; triển khai hệ thống camera thông minh thực hiện giám sát an ninh, giao thông;  ứng dụng CNTT ngành y tế trong quản lý bệnh viện và trạm y tế xã, quản lý lưu trú trực tuyến, dịch vụ hóa đơn điện tử... đã được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh. Với những thay đổi nhanh chóng về hạ tầng CNTT và tích cực ứng dụng CNTT trong các hoạt động quản lý, điều hành, tỉnh đang tiếp tục triển khai các giải pháp như: Trung tâm điều hành đô thị thông minh; Trục liên thông văn bản; Hệ thống thông tin báo cáo điều hành; các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành; giải pháp số hóa tài liệu, hồ sơ lưu trữ trực tuyến nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình xây dựng chính quyền số.

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu trong tiến trình phát triển chung của xã hội, của đất nước và thế giới. Thái Bình muốn phát triển vươn lên mạnh mẽ thì phải đặc biệt quan tâm đến việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng thành tựu công nghệ mới vào tất cả các lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực. Trong đó, cần tập trung vào 3 mục tiêu: nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cấp, các ngành; chuyển đổi phương thức, cách thức làm việc, trách nhiệm làm việc trên môi trường chuyển đổi số, trong đó bao gồm chuẩn hóa các quy trình và phương pháp làm việc; ứng dụng tối đa công nghệ mới để phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và doanh nghiệp...

Đồng chí Ngô Đông Hải,Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy


(còn nữa)

Trần Hương - Nguyễn Cường