Thứ 7, 23/11/2024, 22:25[GMT+7]

Lực lượng vũ trang Thái Bình - 75 năm chặng đường vẻ vang Kỳ 1: Trưởng thành trên quê hương cách mạng

Thứ 2, 18/04/2022 | 08:17:26
3,994 lượt xem
Trải qua 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng vũ trang (LLVT) Thái Bình đã giành được những chiến công chói lọi, tô thắm thêm bề dày truyền thống, khẳng định vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, luôn xứng đáng là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Các thế hệ ôn lại truyền thống cách mạng tại nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình (xã Vũ Quý (Kiến Xương).

Cách đây 75 năm, ngày 20/4/1947, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình (tiền thân của Bộ CHQS tỉnh Thái Bình) được thành lập tại khu nhà Séc trong sân vận động Phủ Sóc, nay thuộc xã Vũ Quý (Kiến Xương). Đây là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa chính trị quan trọng, là mốc son đánh dấu sự ra đời và trưởng thành của LLVT Thái Bình. Từ đó, ngày 20/4 trở thành ngày truyền thống của LLVT Thái Bình.

Nhà bia nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình (xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương).

Những ngày đầu thành lập, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình chỉ có hơn 10 đồng chí công tác tại các ban: quân sự, chính trị, hành chính văn thư và ban quản trị, các đơn vị trực thuộc có 4 đại đội: Lê Lợi, Đề Thám, Quang Trung, Trần Quốc Tuấn, sau được Liên khu 3 tăng cường thêm tiểu đoàn 53, chủ yếu là lực lượng du kích và dân quân tự vệ, vũ khí trang bị còn thô sơ, cuộc sống chiến đấu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Song với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quân và dân Thái Bình đã khắc phục mọi khó khăn, trở thành một trong những điển hình xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ trong hơn 4 năm chuẩn bị kháng chiến, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình đã xây dựng đội ngũ đông đảo hơn 180.000 người, Thái Bình trở thành tỉnh có tỷ lệ người tham gia LLVT so với dân số cao nhất Liên khu 3 (xấp xỉ 1/5 dân số), toàn tỉnh đã xây dựng hơn 400 làng kháng chiến.

Ngày 8/2/1950, thực dân Pháp chính thức mở chiến dịch đánh chiếm Thái Bình với tổng cộng 6.349 trận càn quét, chiếm đóng và bình định để chiếm lấy kho người kho lúa của Liên khu 3. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình đã huy động toàn diện các lực lượng kiên cường đánh trả thực dân Pháp. Không có núi rừng hiểm trở chở che, Thái Bình đã phát huy thế trận lòng dân, quân và dân toàn tỉnh đã không tiếc máu xương, kiên cường bám đất, bám làng chiến đấu, hy sinh, trường kỳ chống thực dân Pháp. Trong những ngày Thái Bình rực lửa, những tên đất, tên làng như Phong Châu, Tán Thuật, Thần Đầu, Thần Huống... đã trở thành những pháo đài kháng chiến, những người dân “chân trần, chí thép” đã sát cánh cùng bộ đội bền bỉ, kiên gan trước xe tăng, đại bác để làm nên “Tiếng trống Sơn Đồng”, “Tiếng cồng Vạn Thắng”, “Nhát cuốc Kiến Quan”... làm kinh hồn, bạt vía quân thù. Việc đẩy mạnh chiến tranh du kích, phát triển chiến tranh nhân dân được thực hiện hiệu quả với những trận chiến dữ dội, táo bạo của quân và dân Thái Bình. Ngày 20/1/1954, quân Pháp buộc phải chấm dứt các cuộc càn quét trên địa bàn tỉnh với nhiều tổn thất nặng nề, dã tâm bình định vùng đồng bằng Liên khu 3 của chúng bị phá sản.

Kết thúc giai đoạn 1953 - 1954, quân và dân Thái Bình đã ở thế áp đảo đối với quân địch. Cùng với cả nước dồn sức cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn quần chúng đã xung phong làm dân công gánh thóc vượt sông Hồng chuyển ra chiến trường. Trên 3.000 thanh niên Thái Bình đã được tuyển chọn bổ sung cho bộ đội chủ lực, nhân dân đóng góp hàng chục tấn tặng phẩm gửi các chiến sĩ Điện Biên. Sau thất bại của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, chớp thời cơ tiêu diệt địch, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình đã đưa bộ đội và du kích lên hoạt động mạnh, đẩy mạnh địch vận làm tan rã hàng ngũ địch. Liên tiếp tổ chức tiến công địch tại các địa bàn trọng yếu, ngày 30/6/1954 toàn bộ quân Pháp lặng lẽ tháo chạy khỏi Thái Bình. Ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Tỉnh trưởng ngụy quyền, đặt một dấu son lịch sử cho ngày giải phóng hoàn toàn Thái Bình sau cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, Đảng bộ, quân và dân Thái Bình đã động viên hơn 27.000 người tòng quân đánh giặc, đánh 5.930 trận lớn nhỏ, trong đó có 18 trận chống càn quy mô lớn, tiêu diệt, bức hàng, bức rút hơn 200 đồn bốt, phá 852 bộ máy ngụy quyền, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu gần 30.000 tên địch, thu hàng nghìn tấn quân trang, quân dụng, vũ khí, đạn dược của địch. Cùng với đó, Tỉnh đội Dân quân Thái Bình đã huy động trên 18 triệu ngày công, xây dựng 425 làng kháng chiến, cung cấp hàng vạn tấn thóc cho chiến trường và tỉnh bạn…, góp sức cùng quân và dân cả nước kết vành hoa đỏ làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của nhân dân Việt Nam và thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Với những chiến công oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp, LLVT Thái Bình vinh dự được Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thêu 8 chữ vàng “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”

Ông Nguyễn Văn Tích, lão thành cách mạng xã Vũ Quý (Kiến Xương)

Dù đã 92 tuổi song những hình ảnh và không khí ngày thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi. Dưới bóng cờ đỏ sao vàng bay phất phới, buổi mít tinh diễn ra trong tiếng vỗ tay hân hoan, tiếng hô vang dội của hàng nghìn người, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã xuất hiện và diễn thuyết trước nhân dân và chiến sĩ thuộc các đại đội Lê Lợi, Đề Thám, Quang Trung, Trần Quốc Tuấn. Nhân dân Thái Bình trọn một đời theo Đảng, sục sôi ý chí cách mạng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh với những vũ khí thô sơ trong tay dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Dân quân đã sẵn sàng bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Ông Nguyễn Hữu Yến, lão thành cách mạng xã Nguyên Xá (Đông Hưng)

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và Tỉnh đội dân quân Thái Bình, phong trào rào làng kháng chiến của du kích và nhân dân Nguyên Xá trong kháng chiến chống Pháp rất sôi nổi. Dân quân, du kích và nhân dân đã cùng bộ đội ngày đêm đào hào, đắp lũy, trồng tre xây dựng làng kháng chiến, một pháo đài đồng bằng bất khả xâm phạm với 13.224m giao thông hào bao quanh làng, gần 25.000 hố cá nhân và hầm bí mật cùng nhiều lớp cổng. Nguyên Xá đã kiên cường chiến đấu hàng trăm trận, tiêu diệt 1.172 tên địch, làm bị thương 346 tên, bắt sống 198 tên, thu 573 khẩu súng, phá hỏng 12 xe các loại, đập tan dã tâm bình định vùng đồng bằng Liên khu 3 của thực dân Pháp. Với thành tích “không lập tề, không làm tay sai cho giặc, không đi lính ngụy” và “đánh được giặc, giữ được làng, tăng gia sản xuất được”, làng kháng chiến Nguyên Xá đã trở thành điển hình tiêu biểu cho phong trào đấu tranh cách mạng của toàn tỉnh, năm 1952 vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ “Nguyên Xá - làng kiểu mẫu”.
 
 Em Nguyễn Đăng Huy, lớp 9A, Trường Tiểu học và THCS Vũ Quý (Kiến Xương)

Em rất vinh dự và tự hào sinh ra và lớn lên trên quê hương Vũ Quý giàu truyền thống cách mạng trong các cuộc kháng chiến và đạt nhiều thành tích trong công cuộc đổi mới. Đặc biệt, qua các tiết học lịch sử, ngoại khóa, chúng em còn được biết Vũ Quý là “địa chỉ đỏ” - nơi thành lập Tỉnh đội Dân quân Thái Bình. Truyền thống vẻ vang đó là niềm tự hào, tạo động lực thúc đẩy chúng em ra sức học tập, phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân có ích của xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

( Còn nữa)

Trịnh Cường