Thứ 7, 23/11/2024, 17:50[GMT+7]

Sáng mãi màu áo blouse

Thứ 6, 29/04/2022 | 23:10:22
1,409 lượt xem
Khoác trên mình chiếc áo blouse, mang theo sứ mệnh cao cả chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, dù thời chiến hay thời bình, các bác sĩ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng dấn thân vào các điểm nóng của dịch bệnh, nỗ lực hết mình bảo vệ sức khỏe, giành giật sự sống cho bệnh nhân. Việc làm của họ đã lan tỏa thêm nét đẹp của người chiến sĩ áo trắng.

Tinh thần lạc quan của các bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19.

Ký ức phòng dịch của người chiến sĩ quân y

Nhớ lại quãng thời gian công tác tại Đội Vệ sinh phòng dịch, Phòng Quân y, Quân khu Tả ngạn (nay là Quân khu 3), bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trọng Bình, nguyên Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Tôi vào bộ đội năm 1968, học quân y và công tác tại Đội Vệ sinh phòng dịch. Dịch thời ấy chủ yếu là sốt rét, tả, dịch hạch… tuy không phức tạp, nguy hiểm như dịch Covid-19 hiện nay nhưng công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn vì thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực. Cả quân khu có khoảng 30 bác sĩ, y sĩ vì thế một người phải thực hiện được tất cả các khâu trong phòng, chống dịch, thậm chí là lái xe, vận hành máy nổ… Làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, hành trang mang theo của chiến sĩ quân y lúc ấy chỉ là kính hiển vi lưu động, hóa chất phục vụ xét nghiệm. Song, vượt lên khó khăn, thiếu thốn, với những thiết bị giản đơn ấy, đội ngũ cán bộ y tế vẫn luôn thực hiện tốt công tác điều tra dịch tễ, góp phần đắc lực vào công tác phòng, chống dịch.

Trong quá trình công tác, kỷ niệm mà bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trọng Bình nhớ nhất là khi đi phòng, chống dịch sốt rét ở Bắc Giang. Đạp xe ròng rã từ Hải Phòng lên Bắc Giang, ông bắt tay ngay vào điều tra dịch tễ côn trùng, ký sinh trùng, xử lý ổ dịch, làm báo cáo, hướng dẫn cách phòng, chống dịch… Có những đêm, một mình ngồi hàng giờ ở bờ suối làm mồi nhử để thu hút muỗi, bắt muỗi về nghiên cứu, định loại. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng Bình chia sẻ thêm: Bắc Giang nhiều đồi, lắm đèo dốc, đường rừng lại hẻo lánh nên việc đi lại khó khăn. Tùy theo tình hình, cán bộ dịch tễ phải ở lại điều tra, xử lý, khống chế ổ dịch cho hiệu quả không để dịch lan rộng.

Ngoài chống dịch, nhiệm vụ của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế thời ấy còn là khám chữa bệnh, cấp cứu, xử lý các vết thương chiến tranh, tổ chức đào tạo cán bộ, xây dựng mạng lưới cứu thương, phát triển phong trào vệ sinh phòng dịch ở các địa phương, cơ sở... Chưa một lần được làm việc trong các bệnh viện lớn, nơi làm việc chủ yếu là các bệnh xá đơn sơ với thiết bị nghèo nàn lạc hậu. Song, vượt lên hoàn cảnh, những chiến sĩ áo trắng luôn nỗ lực hết mình, giữ vững lời thề người thầy thuốc, người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Giờ đây, những năm tháng thời chiến đã trở thành ký ức; tận mắt chứng kiến những khó khăn, áp lực, hiểm nguy mà các cán bộ, nhân viên y tế phải đối mặt để chống dịch Covid-19 suốt hơn 2 năm qua, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trọng Bình càng thêm tự hào và tin tưởng vào thế hệ thầy thuốc trẻ hôm nay.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi, xuất viện.

Trận chiến không tiếng súng thời bình

Trước kẻ thù vô hình “giặc Covid-19”, cùng với lực lượng tuyến đầu, những chiến sĩ áo trắng Thái Bình luôn có mặt ở những điểm nóng để điều tra truy vết, khoanh vùng, dập dịch… vì sức khỏe và sự bình an của người dân. Ở nơi điều trị, các bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc quên ngày nghỉ, túc trực cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân Covid-19. Niềm vui lớn nhất của họ là bệnh nhân sớm hồi phục, xuất viện trở về cuộc sống bình thường.

Gần dân, sát dân, để bảo vệ sức khỏe nhân dân, lực lượng y tế các xã, phường, thị trấn đã căng mình làm việc. Quên ăn, quên nghỉ, gác lại công việc gia đình để dồn sức chống dịch, không quản ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc-xin phòng Covid-19… Khối lượng công việc nhiều, cả những việc có tên, không tên và cả công việc đầy lạ lẫm chưa bao giờ trải qua. Do tiếp xúc với nguồn nguy cơ lây nhiễm cao, nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã mắc Covid-19. Thế nhưng, họ vẫn bám bệnh viện, bám trạm y tế vừa tự điều trị cho bản thân vừa làm việc. 

Y sĩ Phạm Quang Trung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Bình Minh (Kiến Xương) cho biết: So với những năm trước, khoảng thời gian đầu năm 2022 là thời điểm y tế cơ sở vất vả nhất. Chúng tôi phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ cùng lúc, rất áp lực. Có thời điểm nhiều cán bộ của Trạm bị F0 cùng lúc nhưng vẫn phải ở trạm làm việc bởi không có người thay thế. Không chỉ là nơi làm việc, Trạm đã là nhà, là nơi cách ly của cán bộ, nhân viên y tế khi dịch diễn biến phức tạp. Khó khăn, áp lực, song chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng. Mọi người chỉ mong sao dịch qua nhanh để cuộc sống sớm trở lại bình thường như trước.

Học sinh huyện Đông Hưng được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Giữa thời bình, hàng trăm chiến sĩ áo trắng Thái Bình đã gác lại việc riêng, gửi mẹ già, con thơ cho người thân để tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành phố có dịch diễn biến phức tạp. Nhiều cán bộ, nhân viên cả tháng ở các khu cách ly tập trung, khu điều trị chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19, mẹ mất mà không thể về chịu tang. Nhiều F0 là nhân viên y tế vẫn miệt mài làm việc bởi họ hiểu rằng, nếu nghỉ đơn vị thiếu người, áp lực cho đồng nghiệp rất lớn. 

Bác sĩ Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Chúng tôi rất chia sẻ và xúc động trước sự vất vả ngày đêm của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, những người vận chuyển bệnh nhân, người tham gia hoạt động ở các khu cách ly, những người lăn xả vào vùng dịch và những người đã lên đường đến tâm dịch. Trực tiếp đối mặt với nguy cơ nhưng đội ngũ y tế từ tỉnh đến cơ sở chưa khi nào chùn bước. Những vất vả và cả những hy sinh của các đồng nghiệp khó có thể kể hết trong cuộc chiến với Covid-19. Một cuộc chiến giữa thời bình, cuộc chiến không tiếng súng nhưng đã có nhiều hy sinh và cả những mất mát lớn.

Dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, với sự xuất hiện của những biến chủng mới, dịch vẫn rất phức tạp và khó lường. Trận chiến với Covid-19 có thể còn dài và chưa biết ngày kết thúc song chính những tháng ngày khó khăn chống dịch đã vẽ nên bức tranh đẹp về tình đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, sự đồng lòng chung sức vượt qua gian khó. Hình ảnh của những người chiến sĩ áo trắng mãi là hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân.

Hoàng Lanh