Thứ 3, 19/11/2024, 02:17[GMT+7]

Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5-/2022) Phan Đăng Lưu - tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng

Thứ 5, 05/05/2022 | 08:40:12
9,563 lượt xem
Cuộc đời của đồng chí Phan Đăng Lưu đã để lại tấm gương đạo đức sáng ngời của một con người tận trung với nước, tận hiếu với dân, không màng danh lợi. Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5-5-1902 - 5-5-2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đồng thời, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của đồng chí để các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dâng hương tưởng niệm nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An_Nguồn: baonghean.vn

Quyết tâm giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản

Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, đau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, với trí tuệ thông minh, sắc sảo, luôn nhạy bén với cái mới, đồng chí Phan Đăng Lưu đã thực hiện ý định xin vào học trường Pháp - Việt để có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu nền văn minh phương Tây. Suy nghĩ cần phải học tiếng Pháp để hiểu văn hóa Pháp và hiểu thực dân Pháp - kẻ thù của nhân dân - là một quyết định táo bạo, một tầm nhìn xa, một tư duy mới mẻ. Bởi vì, hầu hết các nhà nho lúc bấy giờ cho rằng, tiếng Pháp là thứ tiếng của kẻ thù, nên không học thứ tiếng đó.

Học ở trường Pháp - Việt, đồng chí Phan Đăng Lưu có điều kiện tiếp thu những tri thức mới mẻ của nhân loại; đồng thời, nhận ra những lố lăng của xã hội thuộc địa. Đau xót trước cảnh đồng bào sống dưới ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, đồng chí phê phán bọn quan tham, cam tâm làm tay sai cho thực dân Pháp, hà hiếp dân lành. Những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí là viết “tờ rơi”, dán áp phích đả kích bọn cường hào, ác bá; sử dụng vốn tiếng Pháp để phê phán thực dân Pháp có những hành động phi nhân tính đối với nhân dân Việt Nam.

Chưa đầy 20 tuổi, vừa học xong năm thứ nhất bậc trung học ở Trường Quốc học Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu đã xác định được trách nhiệm của người trí thức là không thể chỉ nghĩ đến danh lợi cho riêng mình, mà trước tiên phải biết nghĩ đến những điều ích nước lợi dân, lo cho đời sống của người nông dân. Xác định đúng đắn động cơ làm việc vì nước, vì dân, đồng chí, một mặt, tìm cách mở rộng kiến thức bằng con đường học tập(1); mặt khác, tìm đọc các tân thư, tân văn và thơ văn của các chí sĩ yêu nước Việt Nam. Sách, báo tiến bộ đã giúp đồng chí mở rộng tầm nhìn, đắp bồi thêm lòng yêu nước.

Những tháng ngày ở quê nhà chờ công việc sau khi tốt nghiệp Trường Nông nghiệp thực hành ở Tuyên Quang(2), đồng chí Phan Đăng Lưu có dịp tìm hiểu cuộc sống của nông dân, làm quen với một số người có lòng yêu nước và hiểu biết sâu rộng, bàn luận về lịch sử dân tộc, về phong trào Cần Vương và các nhân vật nổi tiếng, như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám.

Là một thanh niên ham hiểu biết và muốn cống hiến cho nhân dân, trong thời gian làm việc với chức danh công chức của nhà nước Pháp(3), đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục con đường học tập, say sưa nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, kỹ thuật và luận bàn về chính trị, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động yêu nước và cách mạng.

Sau một số lần thuyên chuyển công tác, tháng 6-1925, đồng chí Phan Đăng Lưu về làm việc ở Sở Canh nông Nghệ An tại thành phố Vinh. Tận dụng cơ hội tốt khi được gặp lại thầy giáo, bạn bè thân thiết, đồng chí nhanh chóng tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước ở Vinh trong tổ chức Phục Việt(4). Khoảng cuối năm 1925, đồng chí gia nhập Hội Phục Việt, một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí. Những hoạt động đầu tiên của đồng chí sau khi tham gia Hội Phục Việt là đấu tranh đòi thả chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và mở các lớp học ban đêm để tuyên truyền tinh thần yêu nước, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa cho công nhân, nông dân. Những hoạt động tích cực trong phong trào yêu nước của đồng chí đã bị mật thám Pháp theo dõi. Vì vậy, sau thời gian không đầy một năm làm việc ở Vinh, đồng chí liên tục bị điều chuyển về làm việc ở Diễn Châu, rồi Phủ Qùy (Nghệ An), đến Linh Cảm (Hà Tĩnh).

Khi Phan Châu Trinh qua đời, đồng chí Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí trong Hội Phục Việt tổ chức lễ truy điệu, qua đó thúc đẩy phong trào yêu nước của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nghi ngờ đồng chí Phan Đăng Lưu có liên quan đến các tổ chức và hoạt động yêu nước, đầu năm 1927, thực dân Pháp chuyển đồng chí vào làm việc ở Phú Phong (Bình Định). Tại đây, chứng kiến nhiều hành động ngang trái, sự đối xử bất công, tàn bạo của bọn chủ đối với công chức bản xứ, đồng chí có nhiều phản ứng để bảo vệ lòng tự tôn dân tộc và quyền lợi của công nhân. Với chuỗi ngày đấu tranh không khoan nhượng với những kẻ thực dân, phong kiến vì quyền lợi chính đáng của những người lao động Việt Nam, tháng 6-1927, đồng chí bị thải hồi(5).

Nhiều năm tham gia các phong trào yêu nước đã trui rèn Phan Đăng Lưu bản lĩnh, sự hiểu biết và phương pháp đấu tranh. Kiên trì, kiên định quyết tâm chí hướng giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống tốt đẹp cho đồng bào, nhưng đồng chí sớm nhận ra rằng phải thực hiện bằng những phương thức khác, đó là con đường cách mạng. Sau khi trở lại quê hương, đồng chí Phan Đăng Lưu được Tổng bộ Việt Nam cách mạng Đảng phân công về gây dựng cơ sở cách mạng ở Yên Thành, Nghệ An, rồi được cử về Huế hoạt động (tháng 5-1928)(6). Trên cương vị Ủy viên Thường vụ Tổng bộ Tân Việt, đồng chí nhận sứ mệnh sang Trung Quốc bàn việc hợp nhất với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Do lý do khách quan, đồng chí không thực hiện được nhiệm vụ do Tổng bộ Tân Việt giao phó, nhưng được tiếp thêm ngọn lửa cách mạng từ việc tìm hiểu những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; từ đó, mở rộng tầm nhìn, củng cố, nung nấu thêm quyết tâm thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản mà Nguyễn Ái Quốc đã vạch ra.

Trở về nước từ chuyến đi Trung Quốc, đồng chí Phan Đăng Lưu chứng kiến sự chuyển biến vô cùng nhanh chóng của phong trào cách mạng. Đó là sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở 5D Hàm Long, Hà Nội (tháng 3-1929); Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở 312 Khâm Thiên, Hà Nội (ngày 17-6-1929); An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ (tháng 8-1929). Những sự kiện đó cho thấy, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã “nở ra con chim non cộng sản”(7), phản ánh xu thế phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam. Với quyết tâm thực hiện bằng được con đường giải phóng dân tộc, lại được thúc đẩy bởi sự ra đời của các tổ chức cộng sản, người thanh niên yêu nước Phan Đăng Lưu tiếp tục nung nấu quyết tâm, tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc theo đường lối mới.

Quyết tâm của đồng chí Phan Đăng Lưu đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên yêu nước lúc bấy giờ. Tháng 9-1929, Tổng bộ Tân Việt cử đồng chí Phan Đăng Lưu sang Quảng Châu lần thứ hai thực hiện nhiệm vụ đặt một cơ quan liên lạc của Đảng ở nước ngoài. Đồng chí qua nhà Ngô Đức Mậu, một cán bộ cốt cán của tổ chức Tân Việt ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Tại đây, đồng chí đã truyền cảm hứng cách mạng, động viên Ngô Đức Mậu đừng bi quan, chán nản, “hỏng keo này, ta bày keo khác. Tình hình đang có những chuyển biến lớn, anh cứ yên tâm chờ đợi, để hoạt động trong hàng ngũ một đảng kiên quyết hơn, rộng lớn hơn… Đừng nên hoang mang trước sự đàn áp của quân thù… hãy giữ vững tinh thần cách mạng, dựa vào quần chúng để giác ngộ quần chúng”(8).

Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An” do Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức_Ảnh: TTXVN

Uy vũ không thể khuất phục, giữ vững khí tiết của người cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mạng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc

Giữa tháng 9-1929, đồng chí Phan Đăng Lưu bị bắt ở Hải Phòng, bị giam ở nhà lao Vinh. Trong lao tù thực dân, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng với một đầu óc sáng suốt, trí thông minh, khôn khéo trong nghệ thuật đấu tranh khiến kẻ thù không thể khai thác được thông tin về hoạt động cách mạng. Phan Đăng Lưu cùng các đồng chí của mình đấu tranh tuyệt thực, chống chế độ hà khắc của nhà tù. Những yêu sách của Phan Đăng Lưu và các đồng chí của mình đưa ra đã chứng tỏ tinh thần của những chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hy sinh tính mạng cho cách mạng và nhân dân.

Đầu năm 1930, đồng chí Phan Đăng Lưu bị kết án ba năm tù khổ sai và bị đày đi Buôn Ma Thuột. Trong nhà lao ở Buôn Ma Thuột, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và tham gia ban lãnh đạo nhà tù. Nhà tù khổ sai của bọn thực dân không khuất phục nổi ý chí chiến đấu cách mạng của đồng chí; ngược lại, càng tôi rèn thêm ý chí chiến đấu, khí tiết, nhân cách của một người cách mạng. Đồng chí luôn lạc quan, tin tưởng, kiên định, giữ vững lập trường cách mạng và kỷ luật của tổ chức, bất chấp những đòn tra tấn, khủng bố của kẻ thù.

Trí, dũng, niềm lạc quan cách mạng qua tấm gương đạo đức Phan Đăng Lưu còn được thể hiện ở việc học tập, nghiên cứu, viết báo để tuyên truyền cách mạng, nâng cao trình độ, giáo dục giác ngộ lý tưởng cách mạng. Chính ngòi bút của Phan Đăng Lưu, đặc biệt là các bài đăng trên tờ Tiếng dân do Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm, đã thể hiện ý chí chiến đấu cho lý tưởng cách mạng. Tấm gương đạo đức và tinh thần đấu tranh cách mạng vì lý tưởng cộng sản của Phan Đăng Lưu đã thuyết phục được nhiều người tham gia vào cuộc đấu tranh chung của những người tù vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Là một đảng viên cộng sản, tham gia lãnh đạo ban đời sống của nhà tù, Phan Đăng Lưu đã thể hiện một thái độ nhân văn, thương yêu, đùm bọc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng chí của mình và cả tù thường phạm. Nhờ thái độ và tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, đồng chí Phan Đăng Lưu đã xây dựng được khối đoàn kết trong nhà lao của bọn thực dân. Anh em tù thường phạm ngày càng hiểu rõ những người tù chính trị với một thái độ khâm phục, tin tưởng, yêu thương, đoàn kết gắn bó thành một khối vững chắc trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ nhà tù tàn ác của bọn thực dân.  

Không chấp nhận sự ban ơn của cai tù bố trí làm việc nhẹ trong vườn vì biết đồng chí có chuyên môn về nông nghiệp, Phan Đăng Lưu tận dụng cơ hội để giúp đỡ anh em tù nhân, đặc biệt là tổ chức các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt, làm việc khổ sai của nhà tù. Là người có chí khí, bản lĩnh, thông minh, hiểu biết rộng, lại giỏi tiếng Pháp, thông thạo tiếng Ê-đê, dũng cảm, gan góc, luôn đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết, đồng chí Phan Đăng Lưu liên tục tổ chức các cuộc đấu tranh, đứng ra vạch trần cách hành xử tàn bạo, dã man của bọn chúa ngục. Không chỉ đấu tranh trong phạm vi nhà tù, đồng chí còn mở rộng cuộc đấu tranh trên mặt trận báo chí, bằng cách viết thư cho một tờ báo Pháp tại Sài Gòn để vạch trần sự thật về chế độ tàn bạo của nhà tù Buôn Ma Thuột đối với tù nhân. Khi Ủy ban vận động ân xá tù chính trị Đông Dương của Đảng Cộng sản Pháp được thành lập đầu năm 1934, đồng chí tiếp tục cuộc đấu tranh bằng hình thức viết thư cho ủy ban này; gửi đơn tố cáo lên Toàn quyền Rô-banh, đòi cải thiện chế độ đối với tù chính trị, như được đọc sách báo, không phải đi lao động khổ sai, cải thiện chế độ ăn ở…

Giữa năm 1936, Phan Đăng Lưu được ra tù, bị quản thúc ở Huế. Trong những năm tháng hoạt động ở Huế, trên cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Xứ ủy Trung Kỳ(9), đồng chí lãnh đạo phong trào Đông Dương Đại hội và hoạt động trong báo giới Trung Kỳ(10). Phan Đăng Lưu là một nhà lãnh đạo uy tín của Xứ ủy Trung Kỳ, đoàn kết được các lực lượng, các ngành, các giới, thông qua các sự kiện nổi bật, như lãnh đạo thành công Đại hội báo chí Trung Kỳ (ngày 27-3-1937); chỉ đạo Hội nghị báo giới Trung Kỳ với tư tưởng nổi bật, xuyên suốt là “Tự do báo chí”…

Trên cương vị Ủy viên Trung ương(11) rồi Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt từ giữa năm 1940, khi nhiều đồng chí trong Trung ương lần lượt bị địch bắt(12), đồng chí Phan Đăng Lưu nỗ lực chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những thời khắc cam go của cách mạng. Đồng chí đã thể hiện tấm lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng. Trên cơ sở nắm vững quy luật của cách mạng, phân tích đầy đủ những điều kiện khách quan và chủ quan từ tình hình thực tiễn, tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, chịu trách nhiệm trước nhân dân và ý thức rõ trọng trách về sự tồn vong của Đảng, đồng chí tỏ rõ nhân cách, khí phách của một người lãnh đạo tài năng, kiên định, kiên quyết giữ vững nguyên tắc tổ chức của Đảng, xin ý kiến, mệnh lệnh của Trung ương; đồng thời, phải bằng mọi cách, nhanh chóng tái lập được Ban Chấp hành Trung ương để có được sự lãnh đạo tập thể. Đặc biệt, trong tình hình Nam Kỳ nói chung, Sài Gòn nói riêng hết sức khó khăn, phức tạp vì kẻ địch và bọn chỉ điểm chống phá, xuất hiện tư tưởng lệch lạc “tả” và “hữu” trong Đảng, đồng chí đã không hề nao núng, tỏ rõ bản lĩnh, sáng suốt, trách nhiệm với Đảng, với cách mạng, với nhân dân.

Sau khi hoàn tất báo cáo tình hình cách mạng Nam Kỳ, khoảng giữa tháng 10-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu lên đường ra Bắc. Sau khi họp với Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí chủ trì Hội nghị thành lập Ban Chấp hành mới của Đảng Cộng sản Đông Dương(13).

Đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn chiều ngày 22-11-1940 thì trước đó hai ngày, ngày 20-11-1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã quyết định khởi nghĩa vào 24 giờ ngày 22-11-1940. Nhưng kế hoạch này bị lộ nên khi khởi nghĩa nổ ra đã thất bại ngay từ đầu. Tối ngày 22-11-1940, đồng chí Phan Đăng Lưu bị bắt.

Trong lao tù, trước mọi mánh khóe, thủ đoạn xảo quyệt, tra tấn dã man, vừa đe dọa, vừa mua chuộc của kẻ thù, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn nêu cao khí tiết của người cộng sản, bảo vệ tuyệt đối bí mật của Đảng. Những ngày trong xà lim, đồng chí vẫn tỏ rõ bản lĩnh, kiên cường, trí tuệ, lạc quan tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh quật khởi không gì ngăn cản được của nhân dân và sự tất thắng của cách mạng. Đồng chí Phan Đăng Lưu nói với các đồng chí của mình rằng, Nhật sẽ hất cẳng Pháp, nhưng rồi Nhật sẽ ngã qụy. Lúc đó là thời cơ tốt để Đảng lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành thắng lợi.

Nhận án tử, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu vẫn tìm mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để tổ chức các đồng chí trong tù kiểm điểm, rút kinh nghiệm về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Điều đó tỏ rõ một tinh thần cách mạng bất diệt, còn sống còn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; còn kẻ thù xâm lược còn làm cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn; ở tù sẽ tìm cách vượt ngục về với Đảng, với nhân dân để tiếp tục hoạt động cách mạng. Đạo đức cách mạng của đồng chí Phan Đăng Lưu không chỉ để lại ấn tương tốt đẹp cho các đồng chí trong tù, mà còn truyền niềm tin, cảm hứng cho lớp trẻ qua thư gửi lại cho người thân trong gia đình.

Thế hệ trẻ lắng nghe giới thiệu về cuộc đời, hoạt động của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu_Nguồn: truyenhinhnghean.vn

Đồng chí Phan Đăng Lưu - như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói - đó “là người cộng sản lỗi lạc, mẫu mực. Cần làm cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu biết rõ hơn về một con người, về một trí tuệ, một nhân cách đã có những đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam để phấn đấu tu dưỡng rèn luyện theo gương Bác Hồ và những chiến sĩ cách mạng tiền bối như Phan Đăng Lưu”(14). Con người, nhân cách của đồng chí Phan Đăng Lưu là hiện thân của đạo đức cách mạng cao cả của người cộng sản chân chính. Đó là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng; thực hiện chí công vô tư, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân, của Tổ quốc, của cách mạng lên trên hết, trước hết; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; gương mẫu trong mọi công việc; giữ nghiêm kỷ luật của Đảng với quyết tâm cao; không tham địa vị, quyền hành, tránh xa vòng danh lợi, chủ nghĩa cá nhân; không giấu giếm khuyết điểm, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình... Các thế hệ cán bộ, đảng viên hôm nay noi theo tấm gương sáng ngời của đồng chí Phan Đăng Lưu, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước, vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu, các nhà lãnh đạo tiền bối cách mạng và ước vọng của toàn dân tộc ta./.

-----------------------

(1) Khoảng cuối tháng 7-1920, sau khi học xong năm thứ nhất bậc trung học Trường Quốc học Huế, đồng chí Phan Đăng Lưu nộp đơn thi vào Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang.
(2) Đồng chí Phan Đăng Lưu học 2 năm (1921 - 1923), tốt nghiệp vào tháng 4-1923.
(3) Tháng 6-1923, đồng chí Phan Đăng Lưu vào làm việc ở Trại tằm, Thanh Ba, Phú Thọ.
(4) Phục Việt là tổ chức yêu nước do Lê Văn Huân, Ngô Đức Kế, Tôn Quang Phiệt và một trí thức yêu nước khác thành lập ngày 14-7-1925 tại núi Quyết, Vinh. Tháng 3-1926, Phục Việt được đổi tên thành Hưng Nam rồi Việt Nam cách mạng Đảng (7-1926) và Tân Việt cách mạng Đảng (7-1928).
(5) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 70
(6) Thời kỳ này, Phan Đăng Lưu được bổ sung vào Ban Thường vụ của Tổng bộ Tân Việt và Ban Biên tập của Quan hải tùng thư của Đào Duy Anh.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 14
(8) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, Sđd, tr. 92 - 93
(9) Tháng 8-1936, đồng chí Phan Đăng Lưu được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương chỉ định vào Ban Chấp hành lâm thời Xứ ủy Trung Kỳ. Tháng 3-1937, đồng chí là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy lâm thời.
(10) Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu và một số đồng chí khác đóng vai trò to lớn trong hoạt động của báo Nhành lúa, đặc biệt trong phong trào Đông Dương đại hội.
(11) Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng tại Bà Điểm, Hóc Môn, Gia Định (từ ngày 2 - 3-9-1937), đồng chí Phan Đăng Lưu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(12) Ngày 17-1-1940, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Lê Duẩn bị bắt. Ngày 30-3-1940, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt. Ngày 22-6-1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt. Ban Chấp hành Trung ương còn các đồng chí Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến. Ngày 21-4-1940, đồng chí Võ Văn Tần bị bắt. Tháng 7-1940, các đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Thị Minh Khai bị bắt.
(13) Sau này gọi là Hội nghị 7 Ban Chấp hành Trung ương, họp từ ngày 6 đến 9-11-1940. Ban Chấp hành Trung ương lâm thời gồm có: Phan Đăng Lưu, Đặng Xuân Khu, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt. Đồng chí Đặng Xuân Khu được đề cử làm Quyền Tổng Bí thư. Theo chú thích của sách Phan Đăng Lưu - Tiểu sử (tr. 278) thì nhiều thành viên trong cuộc họp đề cử Phan Đăng Lưu làm Tổng Bí thư vì đồng chí đang là Ủy viên Thường vụ. Nhưng Phan Đăng Lưu nói rằng sau cuộc họp, đồng chí cần về Nam khi Xứ ủy Nam Kỳ đang trông chờ kết quả chuyến đi ra Bắc. Và lại, vào Nam có thể có những bất trắc xảy ra, như vậy sẽ trở ngại cho Trung ương mới được củng cố, Phan Đăng Lưu giới thiệu đồng chí Đặng Xuân Khu. Những người tham dự hội nghị đều nhất trí.
(14) Chương trình sưu tầm tài liệu, viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam: Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, Sđd, tr. 313

Theo Tạp chí Cộng sản

  • Từ khóa