Chủ nhật, 10/11/2024, 12:35[GMT+7]

Kỷ niệm 68 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2022) Vang mãi bài ca chiến thắng

Thứ 7, 07/05/2022 | 09:46:39
3,984 lượt xem
68 năm đã qua đi, những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 giờ đều đã ở tuổi “bát thập”. Mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 7/5, họ lại được những người đồng chí, đồng đội từng vào sinh ra tử thăm hỏi, động viên, cùng ôn lại truyền thống hào hùng, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu

Cựu chiến binh (CCB) Ngô Xuân Yên, thôn Trình Trung Đông, xã An Ninh (Tiền Hải) năm nay 87 tuổi. Ông nhập ngũ năm 1953 khi tuổi vừa tròn 18, được đơn vị cử đi huấn luyện tại quân khu Việt Bắc. Tháng 4/1954, ông được điều về nhận nhiệm vụ tại Trung đoàn 209, Sư đoàn 312. 

CCB Ngô Xuân Yên nhớ lại: Đầu năm 1954, khi tôi cùng đơn vị hành quân tới Điện Biên, chúng tôi nhận lệnh tham gia đào giao thông hào. Mặc dù rất mệt mỏi sau những ngày hành quân vất vả nhưng khi thấy các chiến sĩ khác vẫn hăng say làm việc chúng tôi cũng xốc lại tinh thần, tích cực thực hiện nhiệm vụ. Ngày chúng tôi nghỉ, đêm xuống bắt đầu đào, pháo sáng của địch bắn sáng cả một góc trời, cứ thấy pháo sáng là chúng tôi lập tức dừng tay nằm sấp người xuống để tránh bị địch phát hiện. Công việc rất vất vả vì có những ngày mưa nhiều đất nhão ra, khó đắp thành ụ nhưng anh em trong đơn vị vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 

Là người từng tham gia trận đánh tại cứ điểm Him Lam và Độc Lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Lương Thế Phớn, xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải nhớ lại: Tôi nhập ngũ và được đưa đi huấn luyện tại Thanh Hóa, hơn 2 tháng thì nhận lệnh lên Tây Bắc. Mất gần 1 tháng hành quân mới đến được Tuần Giáo (Điện Biên). Tôi được bổ sung vào Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 tham gia đào hào và làm sở chỉ huy mặt trận tiền phương tại Mường Phăng. Sau khi xây dựng xong sở chỉ huy mặt trận tiền phương, đơn vị tôi đóng quân ở khe Hồng Lếch, cách Mường Phăng gần 3km, hàng đêm đứng trên núi cao có thể thấy pháo sáng của địch bắn sáng cả một vùng trời. Những ngày sau đó chúng tôi tham gia đào hào, tấn công lên cứ điểm Him Lam và Độc Lập, quân đội Pháp tiếp tế lương thực, vũ khí bằng việc thả dù nhưng đều bị quân ta chiếm được. 

Đợt 2 của chiến dịch, quân ta xây dựng hàng trăm ki-lômét giao thông hào, hàng nghìn công sự và ụ súng các loại, quân ta tấn công các cứ điểm quan trọng, mở đường tấn công lên sân bay Mường Thanh. Nhưng tại đây, quân đội Pháp chống cự quyết liệt khiến phía ta hy sinh rất nhiều. Những ngày sau quân ta liên tục tập trung hỏa lực, lực lượng đánh chiếm sân bay Mường Thanh, nhiều tuyến giao thông hào đã được lực lượng của ta đào cắt ngang sân bay khiến cho việc tiếp tế của địch bằng máy bay bị cắt đứt. Đợt tấn công thứ ba của quân ta diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta lần lượt đánh chiếm các điểm cao ở phía Đông đồi A1, diệt các cứ điểm phía Tây, tạo sức ép cho phân khu Hồng Cúm khiến sở chỉ huy của quân Pháp bị uy hiếp. 15 giờ chiều ngày 7/5/1954, đợt tổng công kích vào trung tâm Mường Thanh diễn ra, tướng De Castries và nhiều tướng lĩnh của quân đội Pháp bị bắt sống, quân địch tại phân khu trung tâm phải đầu hàng. 

Những hình ảnh thời chiến được cựu chiến binh Ngô Xuân Yên (người bên trái) nhắc đến mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Những ngày tháng 5, kỷ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ lại ùa về trong tâm trí CCB Nguyễn Tường Hỗ, thị trấn Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ). Ông chia sẻ: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được biên chế vào tiểu đoàn pháo hỏa tiễn trực thuộc Sư đoàn 351, thời điểm đó pháo hỏa tiễn là loại vũ khí mới nên những người từng sử dụng pháo cối như tôi được ưu tiên chọn đi đào tạo để học cách sử dụng. Khi chiến dịch diễn ra, những họng pháo bắn cấp tập vào các cứ điểm quan trọng của địch, mỗi lần đơn vị của tôi thay đạn cho pháo xong phải tiến hành rút ra phía sau để khi pháo khai hỏa sẽ không bị lửa giật lại làm cho bị thương. Chính loại vũ khí mới này đã góp phần không nhỏ trong việc tiêu diệt lính bộ binh của địch, phá hủy nhiều công sự của quân đội Pháp. 

Chiến thắng ngày 7/5/1954 đã giáng đòn chí mạng vào thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới, báo hiệu thất bại của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Những người lính từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm ấy giờ đây vui sống bên gia đình, con cháu, dù tuổi đã cao nhưng vẫn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương.

Hồng Quân