Thứ 7, 23/11/2024, 18:31[GMT+7]

Chị Tơ làm giàu từ nghề may

Thứ 3, 10/05/2022 | 08:34:14
1,650 lượt xem
Với bản tính chịu khó, tinh thần dám nghĩ dám làm, chị Bùi Thị Tơ, thôn Lương Ngọc, xã Tân Tiến (Hưng Hà) đã khởi nghiệp thành công từ nghề may, doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị là một trong những phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi.

Xưởng may quần áo xuất khẩu của chị Bùi Thị Tơ, xã Tân Tiến (Hưng Hà) tạo việc làm cho 70 - 80 lao động.

Đưa chúng tôi vào thăm xưởng may quần áo xuất khẩu, trong khuôn viên rộng 1.000m2 với khoảng 70 - 80 công nhân đang hăng say làm việc, chị Tơ chia sẻ: Sau nhiều năm làm công nhân may, tôi luôn mong ước có một xưởng may cho riêng mình để làm giàu cho bản thân và tạo việc làm cho chị em. Chính vì vậy, khi cơ hội đến, tôi đã bàn với chồng nghỉ việc ở công ty về nhà gom vốn đầu tư mở xưởng phát triển nghề may. Lúc đầu vợ chồng tôi may khăn truyền thống của làng Mẹo, xã Thái Phương nhưng do một số khó khăn nên doanh thu thấp. Trước tình hình đó, năm 2020 tôi quyết định chuyển sang may quần áo xuất khẩu. Tận dụng các mối quan hệ, tôi đi tham quan các cơ sở may trong và ngoài huyện vừa học hỏi kinh nghiệm vừa tìm mối hàng. May mắn đến với tôi, trong khoảng thời gian ngắn tôi đã tìm được mối đặt hàng ổn định may quần áo xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ý chí làm giàu đã thôi thúc chị Tơ bắt tay ngay vào gây dựng lại xưởng. Chị mạnh dạn đầu tư 100 máy may và thuê riêng một cán bộ kỹ thuật để cùng với chị hướng dẫn chị em. Sau một năm triển khai, đến nay xưởng may của chị đã đi vào ổn định với 3 dây chuyền hoạt động đều đặn, mỗi ngày sản xuất trên 1.700 sản phẩm, doanh thu đạt 3 - 4 tỷ đồng/năm. Vốn là người cẩn thận, chăm chỉ, lại có kinh nghiệm nên sản phẩm của xưởng trước khi xuất khẩu đều được chị kiểm tra kỹ lưỡng, được bạn hàng rất tin tưởng.

“Đối với nghề may, người chưa biết may chỉ cần học khoảng một tháng là đã có thể may được; những thợ mới được tôi giao ngồi ở công đoạn dễ hơn để chị em làm quen rồi tiếp cận dần các công đoạn khác để thợ đồng đều về tay nghề có thể thay đổi nhau. Làm nghề may đòi hỏi người thợ cũng phải khéo tay và tỉ mỉ để tạo ra sản phẩm chất lượng và thẩm mỹ” - chị Tơ chia sẻ.

Chị Lưu Thị Tam, xã Tân Tiến là một trong những công nhân gắn bó với xưởng may từ lúc mới thành lập cho biết: Sau khi xưởng của chị Tơ thành lập, tôi xin vào làm cho gần nhà. Làm việc tại đây, tôi rất yên tâm bởi lương được trả đều, bình quân đạt từ 6 - 9 triệu đồng/tháng đã giúp tôi từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài thời gian làm việc tại xưởng, tôi còn có thời gian chăm sóc gia đình, làm thêm việc đồng áng. Tôi mong xưởng may sẽ ngày càng phát triển để chị em chúng tôi duy trì được công việc, nâng cao thu nhập.

Không chỉ tạo việc làm cho nhiều chị em, chị Tơ còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Tiến đánh giá: Dù gặp không ít khó khăn nhưng chị Bùi Thị Tơ đã nỗ lực tìm tạo nguồn hàng để duy trì và phát triển xưởng may. Đây là một trong những mô hình làm kinh tế điển hình của Hội. Chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các chị em khác được học tập và phát triển kinh tế như mô hình của chị Tơ.


Thanh Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày