Chủ nhật, 24/11/2024, 08:26[GMT+7]

Vũ Thư: Giữ đê chắc trước mùa mưa bão

Thứ 7, 12/06/2021 | 22:10:04
3,137 lượt xem
Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, huyện Vũ Thư có lợi thế về nguồn nước tưới dồi dào phục vụ sản xuất, tuy nhiên nguy cơ xảy ra ngập lụt trong mùa mưa bão cũng cao hơn. Chủ động kiểm tra, rà soát, nâng cấp, tu bổ, gia cố bảo đảm an toàn hệ thống đê là việc huyện đang tập trung thực hiện để hoàn thành trước mùa mưa bão.

Diễn tập xử lý sạt trượt kè đê bao Trại phong Văn Môn, xã Vũ Vân (Vũ Thư).

Duy Nhất là xã duyên giang với trên 95% diện tích và dân cư phân bố ở phía ngoài của đê quốc gia tả Hồng Hà II. Địa bàn xã có 7,1km đê tả Hồng Hà II, trong đó có 300m đê cấp I và 6,8km đê bối; 3 cống dưới đê và 5 điếm gác nước. Đến nay, đê cấp I đã được cứng hóa mặt đê và thường xuyên được tu bổ, diệt trừ mối, bảo đảm an toàn thân đê. Trên 30% chiều dài tuyến đê bối đã được cứng hóa mặt; 3/3 cống dưới đê đã được nâng cấp, sửa chữa, thay thế cánh phai và mô tơ vận hành. Tuyến đê bối hiện chưa được cứng hóa gây khó khăn trong sản xuất và kiểm tra, cứu hộ đê khi cần thiết; 5/5 điếm gác nước đã xuống cấp. 

Ông Phạm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) xã cho biết: Để bảo đảm an toàn các tuyến đê trên địa bàn, những năm gần đây xã chú trọng kiểm tra, phát hiện, đề nghị sửa chữa, tu bổ, gia cố kịp thời các công trình đê điều. Đồng thời, chỉ đạo nhân dân trồng tre chắn sóng ven đê, đến nay tre đã phủ kín các điểm xung yếu. Đặc biệt, xã thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các hộ dân không gieo trồng cây màu, đào bắt chuột trên thân đê, gây lở, xói mòn thân đê. Bước vào mùa mưa bão năm nay, xã đã ký hợp đồng với đơn vị cung ứng 1.150 cây tre, phân bổ vật tư cho nhân dân ở 10 thôn chuẩn bị trên 10.500 bao bì, 1.850m3 đất, gần 2.900 bó đuốc, gần 3.000 bó rào tre, mỗi hộ đóng góp 1 cây tre, sẵn sàng huy động để cứu hộ đê khi cần thiết. 

Địa bàn xã Đồng Thanh có 5,6km đê, trong đó tuyến đê tả Hồng Hà II dài 3,5km. Ông Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN xã cho biết: Ngoài nhiệm vụ phòng lũ, 2 tuyến đê này còn là tuyến đường giao thông quan trọng của nhân dân địa phương. Mấy năm gần đây, mặt đê hữu Trà Lý đã được cứng hóa; mặt đê tả Hồng Hà II xuống cấp, nhiều ổ gà, lầy lội về mùa mưa. Tuy nhiên, bước vào mùa mưa bão năm nay, với sự vào cuộc của các cấp, đến nay 100% tuyến đê tả Hồng Hà II qua địa bàn xã đã hoàn thành cứng hóa mặt đê. Xã huy động lực lượng phát quang cỏ dại, vệ sinh thân đê, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, phòng ngừa mối gây hại thân đê. Xã chủ động chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện phòng hộ đê, đồng thời xây dựng các phương án xử lý khi có lũ xảy ra. 

Toàn huyện Vũ Thư có 101km đê các loại với 2 tuyến đê chính là đê tả Hồng Hà II và đê hữu Trà Lý, trong đó có 58km đê cấp I, cấp II. Tại các tuyến đê này có 22 kè hộ đê và 31 cống dưới đê. Những năm gần đây, với sự quan tâm, đầu tư lớn, quản lý chặt chẽ của nhà nước, tỉnh, huyện, chất lượng các công trình đê điều trên địa bàn huyện được nâng cao rõ rệt. Mặc dù vậy, một số tuyến đê còn thiếu chiều cao gia thăng, chiều rộng mặt đê so với quy định; một số điểm trên thân đê có chứa tổ mối, lỗ rỗng, gây thẩm lậu, rò rỉ nước. Bước vào mùa mưa bão năm 2021, trên địa bàn huyện còn 7 trọng điểm xung yếu II cần quan tâm như đê Phú Chử - kè Hướng Điền (xã Việt Hùng), đê Thái Hạc, đê - kè Đông Phú (xã Song Lãng), kè Tân Thành 2 (xã Phúc Thành)... 

Ông Đặng Hồng Kỳ, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện cho biết: Năm 2020, Vũ Thư đã nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư trên 100 tỷ đồng xây dựng, tu bổ các công trình đê điều, tiêu biểu như: mở rộng, cứng hóa mặt đê tả Hồng Hà II đoạn K158 - K160 (xã Dũng Nghĩa), đoạn K171 - K171+500 (xã Vũ Tiến); cứng hóa 4,2km đê hữu Trà Lý (đoạn xã Phúc Thành, Tân Phong). Huyện đã tu bổ, nâng cấp 8 kè đá hộ bờ. Các công trình đê điều trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư ở mức cao nhất có thể. Song thiên tai luôn diễn biến khó lường, vì vậy bước vào mùa mưa bão năm 2021, huyện không chủ quan mà tiếp tục đẩy mạnh rà soát, kiểm tra, tu bổ, nâng cấp kịp thời các công trình đê điều, đặc biệt chỉ đạo các đơn vị thi công bảo đảm tiến độ, hoàn thành các phần việc trước mùa mưa bão. Huyện chỉ đạo các địa phương kiểm tra, xử lý, quyết liệt ngăn chặn các trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê. Ngoài vật tư của nhà nước dự trữ đã được huyện quản lý tại các kho bãi phục vụ xử lý ứng cứu, hộ đê, huyện làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, đóng góp, ủng hộ vật tư, phương tiện, trực tiếp tham gia vào các lực lượng ứng cứu, hộ đê, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân khi có mưa, lũ xảy ra.

Quỳnh Lưu