Thứ 7, 23/11/2024, 18:05[GMT+7]

Thái Thụy Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc “ gắn với phát triển kinh tế biển

Thứ 2, 25/02/2013 | 08:35:25
1,188 lượt xem
Thái Thụy là huyện có 27 km bờ biển trải dài ở 6 xã, có 3 cửa sông lớn và hàng chục ngàn ha bãi bồi ven biển cùng ngư trường khai thác hải sản rộng lớn, nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm. Ðây là những tiềm năng to lớn tạo động lực trong việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới biển.

Ngư dân Thụy Hải (Thái Thụy) bám biển khai thác thủy sản.

Thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế biển và Nghị quyết 09 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, những năm qua, Thái Thụy đã triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển kinh tế biển gắn với công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) vùng ven biển. Kinh tế biển huyện Thái Thụy đã đóng góp lớn vào tổng giá trị sản xuất hàng năm; 5 năm (2007 - 2012) tổng giá trị sản xuất từ ngành kinh tế biển và khu vực biển đạt 5.843,78 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 16,04%/năm, chiếm tỷ trọng 36,4% giá trị sản xuất chung toàn huyện.

Trong đó, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 1.202,2 tỷ đồng, chiếm 19% so với giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp toàn huyện; giá trị sản xuất công nghiệp (hậu nghề cá, sửa chữa đóng mới tàu thuyền, chế biến thủy sản) đạt 2.552,8 tỷ đồng, chiếm 46,15% giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện; tốc độ tăng trưởng bình quân 32%/năm. Giá trị thương mại dịch vụ, vận tải biển và khu vực ven biển đạt 1.928,7 tỷ đồng, chiếm 44% giá trị thương mại, dịch vụ của toàn huyện. Bình quân thu nhập đầu người 6 xã ven biển đạt 24,5 triệu đồng/năm (bình quân toàn huyện đạt 16 triệu đồng/năm). Sự nghiệp văn hóa - xã hội các xã ven biển có nhiều khởi sắc; quốc phòng an ninh được giữ vững; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt, phát triển kinh tế biển huyện Thái Thụy còn bộc lộ những tồn tại, nảy sinh những phức tạp về ANTT như: Việc các hộ dân tự ý lấn, chiếm, tranh dành bãi triều ven biển xã Thái Thượng và Thái Ðô để nuôi ngao; việc giải quyết những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường tại khu vực cảng cá Tân Sơn, Nhà máy bột cá Thụy Hải và xã Thụy Hải từ năm 2011 đến nay... Bên cạnh đó trong quá trình phát triển kinh tế, thực hiện các dự án kinh tế trọng điểm ven biển do đang trong giai đoạn đầu tư các hạng mục, đã phát sinh những phức tạp như: Dự án Trung tâm Ðiện lực Thái Bình do bơm hút cát để cát bụi, tràn nước mặn vào cánh đồng của xã Thái Ðô và việc hút chân không đã làm mất nước ngọt tại khu vực lân cận; việc phát triển công nghiệp, nông nghiệp hàng hóa ảnh hưởng đến các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển... Mặt khác, an ninh trật tự các xã ven biển có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm, tệ nạn ma tuý, cờ bạc ở các xã này chiếm tỷ lệ cao. Tình hình an ninh tôn giáo còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, hoạt động tạp giáo vẫn lén lút, có thời điểm trở lên phức tạp. Các vấn đề trên đã và đang nảy sinh những phức tạp về ANTT, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế của huyện và các địa phương.

Từ thực tiễn giải quyết các vụ việc phức tạp về ANTT trên địa bàn cho thấy, địa phương nào có sự chủ động của hệ thống chính trị, trong việc giữ gìn ANTT, địa phương đó sẽ giải quyết dứt điểm những phát sinh phức tạp ngay từ cơ sở. Ðể phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phát huy hiệu quả, cần có sự hội tụ của 3 yếu tố: Có tổ chức Ðảng vững mạnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; có tổ chức chính quyền đủ năng lực tổ chức điều hành và được đông đảo quần chúng nhân dân đồng thuận hưởng ứng, tự giác tham gia. Tuy nhiên, đối với những địa bàn phức tạp về an ninh xã hội, để đáp ứng được yêu cầu của phong trào thực sự là bài toán khó, nhất là trong việc chỉ đạo giải quyết địa bàn phức tạp về trật tự xã hội nói chung và địa bàn phức tạp về trật tự xã hội.

Việc nâng cao hiệu quả của phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để giải quyết dứt điểm và ổn định tình hình tại các địa bàn phức tạp về trật tự xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo môi trường thuận lợi phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nhất là đối với các khu vực ven biển. Ðây không chỉ là biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an, mà còn là công cụ, thước đo hiệu quả quản lý đối với công tác xây dựng Ðảng, xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh toàn diện ở các xã ven biển tại Thái Thụy.

Bài, ảnh:  Nguyễn Tùng

  • Từ khóa