Chủ nhật, 24/11/2024, 19:57[GMT+7]

Thành phố: Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ từ các chợ

Thứ 3, 25/10/2022 | 10:10:21
7,126 lượt xem
Chợ là nơi tập trung đông người, nơi kinh doanh, buôn bán với nhiều mặt hàng dễ cháy. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cần được quan tâm.

Chợ Quang Trung (thành phố Thái Bình) quần áo treo kín lối đi.

Hiện nay thời tiết bắt đầu hanh khô, độ ẩm trong không khí thấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ tại các chợ, nhất là các chợ lớn trên địa bàn thành phố Thái Bình, tập trung đông các tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Mục sở thị tại một số chợ trên địa bàn thành phố cho thấy, việc bảo đảm an toàn cháy, nổ tại chợ vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Dạo quanh chợ Bo, chợ Quang Trung, chợ Kỳ Bá, chợ Đề Thám..., có thể thấy mỗi sạp hàng tại các chợ này chỉ rộng chừng 2 - 5m2, vì vậy các chủ quầy hàng tận dụng mọi diện tích để hàng hóa khiến nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Là một trong những chợ trung tâm của thành phố, chợ Quang Trung hiện có trên 300 ki ốt, mặt hàng kinh doanh chủ yếu là quần áo, vải vóc, đồ da giày, đây đều là những mặt hàng dễ bắt lửa. Thế nhưng trong chợ cũng không được thông thoáng, nhất là ở các quầy tạp hóa, giày dép, túi xách hàng hóa bày bán chật kín lối đi. Hàng hóa ở đây để tùy tiện, các loại hàng hóa được bố trí chồng chéo, liền kề nhau, tràn ra cả lối đi. 

Chị N.T.T, chủ một gian hàng quần áo tại chợ Quang Trung chia sẻ: Thời gian qua, xem trên ti vi, báo chí thấy nói nhiều về các vụ cháy chợ, trong khi chúng tôi kinh doanh vải sợi, quần áo là mặt hàng dễ bén lửa nên lại càng thêm lo. Chính vì vậy, ngoài những bình chữa cháy do Ban Quản lý chợ trang bị, chúng tôi còn chủ động mua thêm mỗi gian hàng một bình chữa cháy riêng để phòng khi có sự cố xảy ra.

Dạo một vòng quanh chợ Quang Trung mới nhận thấy những lo lắng của bà con tiểu thương ở đây là hoàn toàn có cơ sở. Các mặt hàng đều có nguy cơ cháy, nổ cao, diện tích gian hàng nhỏ hẹp nên tình trạng bày hàng tràn ra lối đi thường xuyên xảy ra. Chợ quy mô lớn, lượng khách hàng thường xuyên đến chợ đông, nhất là cuối tuần, ngày lễ, tết nhưng lối đi lại bị hàng hóa, vật tư, phương tiện giao thông, nhất là xe máy làm cản trở lối thoát nạn, trong khi biển chỉ dẫn không có. Mặc dù từ khi đi vào hoạt động năm 2006 đến nay chợ Quang Trung chưa xảy ra cháy, nổ lớn nhưng không có nghĩa như thế đã đủ yên tâm về công tác PCCC.

Chợ Bo, sau vụ hỏa hoạn năm 2003 đã được đầu tư xây mới với gần 400 hộ kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Tại thời điểm xây dựng chợ, công tác PCCC được quan tâm nhưng hiện nay chợ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy. Nhiều hộ kinh doanh căng lều bạt, mái che bằng nilon và các chất dễ cháy làm cản trở giao thông phục vụ xe chữa cháy đồng thời tăng nguy cơ cháy lan khi có sự cố xảy ra. Tại tầng 2 với các gian hàng mã, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn rất cao. 

Chị T.T.H, tiểu thương chợ Bo chia sẻ: Hàng năm, chúng tôi được Ban Quản lý chợ phối hợp với công an PCCC mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cách PCCC; đồng thời, mọi tiểu thương đều ý thức để bảo vệ tài sản của chính mình. Tuy nhiên, cứ vào dịp cuối năm, hàng hóa tập kết nhiều, thời tiết hanh khô nên chúng tôi rất lo lắng.

Trung tá Lại Cao Ngà, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an thành phố Thái Bình cho rằng: Một trong những tình trạng đáng báo động nhất trong công tác PCCC hiện nay là phần lớn các hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ mặc dù đã được tuyên truyền, phổ biến các nội quy, quy định về PCCC nhưng vẫn còn coi nhẹ công tác PCCC, vi phạm các nội quy, quy định về PCCC. Bên cạnh những nỗ lực của lực lượng chức năng, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các chợ vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu hết các chợ đều nằm trong khu vực đông dân cư, đường giao thông bao quanh chợ quá hẹp, gây nhiều khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ cần một chút bất cẩn, thiếu ý thức PCCC là “bà hỏa” có thể ập đến bất kỳ lúc nào và ở bất cứ đâu, thậm chí dẫn đến những hậu quả hết sức khó lường. Vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ ở các chợ đòi hỏi ban quản lý chợ, bà con tiểu thương phải nâng cao ý thức trách nhiệm trong PCCC, chủ động chuẩn bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để đưa công tác PCCC ở các chợ đi vào nền nếp.

Minh Nguyệt