Thứ 7, 23/11/2024, 10:47[GMT+7]

Họp Sở Chỉ huy tiền phương ứng phó bão số 3

Thứ 7, 07/09/2024 | 14:16:41
15,043 lượt xem
Sáng ngày 7/9, đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp trực tuyến của Sở Chỉ huy tiền phương (đặt tại thành phố Hải Phòng) nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão số 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến của Sở Chỉ huy tiền phương.

Audio: 0709_hop_truc_tuyen.mp3

Dự họp tại điểm cầu Thái Bình có các đồng chí: Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT) và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh; Đại tá Nguyễn Ngọc Tuệ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh; Phạm Văn Nghiêm, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão số 3 đang ở trên vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Tâm bão ở giữa Hải Phòng và Quảng Ninh; trong đó, vùng trọng điểm là Quảng Yên, Bãi Cháy, Cát Bà, Hạ Long của tỉnh Quảng Ninh; An Lão, Tiên Lãng, Hải An, Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất vùng tâm bão mạnh cấp 13 (134 - 149km/h), giật cấp 16. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - 12, giật cấp 14; biển động dữ dội.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã báo cáo tình hình triển khai ứng phó với bão số 3 tại Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN phát biểu tại cuộc họp.

Theo đó, tỉnh Thái Bình đã huy động tổng số người ứng trực, thường trực từ đêm 6/9 đến nay là khoảng 15.000 người. Trong đó, 100% quân số lực lượng vũ trang là hơn 9.000 người (chưa tính lực lượng quân khu 3); các cơ quan quân sự khoảng 6.000 người. Bắt đầu từ rạng sáng ngày 7/9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Thời điểm 11 giờ sáng, tại Trạm thủy văn Ba Lạt sức gió đã bắt đầu mạnh lên cấp 9, cấp 10, giật cấp 11; tại Trạm khí tượng Thái Bình sức gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Các đại biểu dự cuộc họp tại điểm cầu Thái Bình.

Trên địa bàn tỉnh có 995 tàu, thuyền với gần 3.000 lao động làm ăn trên biển; trên 1.200 lao động canh coi trên các bãi ngao; trên 1.600 lao động nuôi trồng thủy, hải sản ven biển; gần 8.000 hộ với trên 19.000 người sống trong nhà yếu. Đến sáng ngày 7/9, toàn bộ tàu, thuyền và lao động trên biển đã vào nơi tránh trú an toàn; số lao động tại các chòi canh coi ngao, ao đầm nuôi trồng thủy, hải sản ở trong và ngoài đê đã được di dời vào nơi an toàn. Tại 37 trọng điểm xung yếu đê, kè và cống của tỉnh; trong đó, có 8 trọng điểm trên các tuyến đê cửa sông và đê biển, các phương án bảo vệ đã được lập, phê duyệt và giao cho các địa phương chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng triển khai xử lý khi có lệnh yêu cầu hoặc khi có sự cố xảy ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3.

Nhấn mạnh cơn bão số 3 rất mạnh, vùng ảnh hưởng lớn, sau khi đi vào vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng, cấp độ bão vẫn giữ nguyên, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục duy trì cảnh giác, tập trung cao độ; theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời những tuyến đê biển, đê sông xung yếu, trường hợp cần thiết báo cáo ngay Sở chỉ huy tiền phương để điều động lực lượng tăng cường hỗ trợ.

Các địa phương ven biển phải duy trì cấm đường, hạn chế tối đa người dân ra khỏi nhà đến sau 20 giờ, để giảm thiểu thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho nhân dân do cây đổ, một số công trình xây dựng nhỏ bị tốc mái, sập đổ. Các cơ quan khí tượng thủy văn khu vực, trạm khí tượng thủy văn phải làm tốt công tác cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét đến từng thôn, bản tại khu vực miền núi, có địa hình hiểm trở, độ dốc lớn.

Các bộ, ngành rà soát ngay quy trình vận hành xả lũ các hồ chứa, tránh xảy ra lũ chồng lũ do mưa lớn từ hoàn lưu sau bão.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, cần duy trì thật tốt các kênh thông tin liên lạc giữa Sở chỉ huy tiền phương, các bộ, ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng để kịp thời chỉ đạo triển khai lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời với các tình huống xảy ra.

Nguyễn Thơi