Thứ 7, 23/11/2024, 10:48[GMT+7]

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh: Kiểm tra công tác ứng phó với lũ tại huyện Thái Thụy, thành phố Thái Bình

Thứ 4, 11/09/2024 | 19:07:43
9,135 lượt xem
Chiều ngày 11/9, đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đi kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại huyện Thái Thụy, thành phố Thái Bình.

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại sở chỉ huy tiền phương của huyện Thái Thuỵ đóng tại xã Thuỵ Ninh.

Tính đến 16 giờ, ngày 11/9, huyện Thái Thụy đã di dời 71 hộ với 249 nhân khẩu; thành phố Thái Bình di dời 57 hộ với 112 nhân khẩu sinh sống ở vùng đê bối vào nơi tránh trú an toàn. Các địa phương cũng đã thành lập sở chỉ huy tiền phương trên các triền đê; tổ chức tuần tra, canh gác đê theo lệnh báo động số III; cắm vè theo dõi các kè xung yếu…

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại sở chỉ huy tiền phương của huyện Thái Thuỵ đóng tại xã Thái Phúc.

Kiểm tra 2 sở chỉ huy tiền phương trên triền sông Hoá của huyện Thái Thụy đặt tại xã Thụy Ninh, Thái Phúc và 2 điểm đê kè xung yếu: Phúc Tân, xã Thái Phúc (Thái Thụy); Sa Cát, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình), đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Hiện nay, mực nước các trạm trên hệ thống sông đang rất cao và sẽ còn tiếp tục lên, có diễn biến hết sức phức tạp. 

Đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với lũ tại trọng điểm xung yếu kè Sa Cát, phường Hoàng Diệu (thành phố Thái Bình).

Ngoài ra, mưa lớn liên tiếp những ngày qua làm cho tính chất cơ lý của đất đắp đê bị suy giảm. Để bảo đảm tuyệt đối an toàn về người, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản và công trình đê điều, đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đề nghị huyện Thái Thụy, thành phố Thái Bình tăng cường công tác tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động đúng quy định; kiểm tra, rà soát, tăng cường lực lượng canh coi ở tất cả các vị trí có chân đê là ao đầm, ruộng trũng, trọng điểm xung yếu, các vị trí bãi sông hẹp, mái kè là mái đê. Chủ động gia cố chân đê ở vị trí chân đê là ao đầm, ruộng trũng bằng hàng cừ kết hợp đắp cơ phản áp với chiều rộng phù hợp để chống sạt trượt mái đê. Khi thấy hiện tượng thẩm lậu, mạch đùn, mạch sủi phải khẩn trương huy động lực lượng để xử lý ngay. Tăng cường công tác kiểm tra đê điều, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố ngay theo phương châm “4 tại chỗ”, không để diễn biến phức tạp. Ngoài việc bảo đảm an toàn các tuyến đê bối phải ưu tiên, coi trọng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tuyến đê quốc gia; khẩn trương thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của bão số 3, ổn định sản xuất.

Huyện Thái Thuỵ huy động các lực lượng đóng bao cát dự trữ phòng sự cố khi nước lũ dâng cao.

Ngân Huyền